Hơn 45% doanh nghiệp niêm yết thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ công bố thông tin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là cuộc khảo sát được thực hiện bởi Vietstock và Hiệp hội Các nhà quản trị tài chính Việt Nam (VAFE) thực hiện.
Top 3 doanh nghiệp niêm yết (nhóm Large cap) có hoạt động IR được định chế tài chính đánh giá cao nhất 2020 Top 3 doanh nghiệp niêm yết (nhóm Large cap) có hoạt động IR được định chế tài chính đánh giá cao nhất 2020

Cụ thể, kết quả cuộc khảo sát toàn diện trong giai đoạn 12 tháng (1/5/2019 - 30/4/2020) cho thấy, số lượng doanh nghiệp niêm yết tuân thủ đúng và đầy đủ về nghĩa vụ công bố thông tin trên cả hai sàn chứng khoán (HOSE và HNX) là 329 doanh nghiệp trong tổng số 729 doanh nghiệp niêm yết thuộc danh sách khảo sát, tương ứng với tỷ lệ 45,13%.

Ở góc độ quỹ đầu tư (bên mua), ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu Công ty liên doanh Quản lý quỹ đầu tư Chứng khoán Vietcombank (VCBF) cho biết: "Trước khi đầu tư, chúng tôi sẽ nghiên cứu rất kỹ công ty về các góc độ hoạt động kinh doanh, kế hoạch đầu tư, mở rộng…, nên rất cần nguồn thông tin chính thống, độ tin cậy cao. Nếu doanh nghiệp có cách cung cấp thông tin chuyên nghiệp, đầy đủ, kịp thời, sẽ giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về doanh nghiệp và tự tin hơn trong các quyết định đầu tư. Do đó, chúng tôi thường trả một mức cao hơn cho doanh nghiệp. Ngược lại, khi doanh nghiệp không làm tốt hoạt động IR (quan hệ nhà đầu tư) có thể dẫn đến thiếu hụt thông tin, thì chúng tôi xem đó là một dạng rủi ro. Mà khi rủi ro tăng, thì mức định giá cho doanh nghiệp sẽ giảm".

Doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn công bố thông tin 2011-2020 (Nguồn: VAFE).

Doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn công bố thông tin 2011-2020 (Nguồn: VAFE).

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức - Phát triển khách hàng tổ chức CTCP Chứng khoán SSI cho biết, công tác IR của các doanh nghiệp đã cải thiện rõ ràng trong 5 năm vừa rồi. Có những công ty thậm chí tiệp cận với IR trong khu vực. Tuy nhiên, vẫn còn những doanh nghiệp chưa phân bổ vào nguồn lực IR hoặc chưa quan tâm, thường là các công ty nhỏ hoặc chưa đại chúng.

Bên cạnh đó, nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài đối với vấn đề ESG (chỉ nhóm các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị công ty – PV) đang có xu hướng gia tăng. Điều này sẽ tạo áp lực cho các công ty Việt Nam trong việc phải hiểu về ESG, áp dụng ra sao vào doanh nghiệp, tuân thủ các nguyên tắc trong ESG… và chuẩn bị nội dung đủ tốt về ESG trong hoạt động IR của mình, vì đây là nội dung sẽ ngày được đòi hỏi nhiều hơn.

Ông Anh Đức nhìn nhận, ESG sẽ là nội dung khiến công tác IR của doanh nghiệp trở nên khác biệt trong vòng vài năm tới.

Theo báo cáo gần nhất, có ít nhất 60% nguồn vốn toàn cầu đã đưa ESG trở thành những tiêu chuẩn để đánh giá đầu tư, ngoài các thông tin phân tích tài chính, hoạt động kinh doanh khác. Doanh nghiệp làm tốt điều này sẽ có lợi thế nhất định trong việc cạnh tranh thu hút nguồn vốn.

Theo kết quả mùa bình chọn IR Awards năm 2020, có 45 doanh nghiệp lọt vào vòng chung khảo để tiếp tục được bình chọn vào Top 3 - được phân chia theo mức vốn hóa và phân chia theo bình chọn từ nhà đầu tư và định chế tài chính.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục