Vì sao ESG quan trọng với nhà đầu tư?

(ĐTCK) Kết hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị công ty (ESG) vào chiến lược đầu tư đang là xu hướng lớn của các nhà đầu tư có trách nhiệm.
Vì sao ESG quan trọng với nhà đầu tư?

Thực tế trên thế giới, các chính sách và hoạt động ESG là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên giá trị lâu dài của doanh nghiệp. Lồng ghép ESG vào hoạt động kinh doanh không chỉ giúp doanh nghiệp củng cố, tăng cường mối quan hệ hợp tác với các bên liên quan, mà còn giúp doanh nghiệp cải thiện quản lý rủi ro kinh doanh, nâng cao khả năng thích nghi và cạnh trạnh hiệu quả.

Thông tin ESG là rất quan trọng để có thể hiểu được về quản trị, chiến lược và chất lượng quản lý của doanh nghiệp. Thông qua phân tích ESG - 3 yếu tố nền tảng của phát triển bền vững, nhà đầu tư có thể hiểu rõ hơn về chất lượng quản lý, tiềm năng phát triển trong tương lai, uy tín và tính bền vững của các doanh nghiệp, từ đó xác định được các cơ hội đầu tư có khả năng đem lại giá trị về dài hạn.

Đây cũng là lý do chính khiến các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp hướng đến và ESG nhanh chóng trở thành xu hướng, nhất là khi có những nghiên cứu chỉ ra rằng, quản trị công ty tốt có liên quan tới kết quả hoạt động tốt.

Hiện nay, ESG là yếu tố không thể thiếu trong quá trình tìm hiểu, cân nhắc quyết định đầu tư của các nhà đầu tư có trách nhiệm. Đầu tư có trách nhiệm (Responsible Investment) là một phương pháp đầu tư dựa trên sự nhận biết rõ ràng của nhà đầu tư đối với vấn đề ESG.

Đầu tư có trách nhiệm đòi hỏi các nhà đầu tư và các doanh nghiệp phải có một tầm nhìn rộng hơn, có hiểu biết đầy đủ về các cơ hội cũng như những mối nguy cơ khi đối mặt với chúng, nhằm sắp xếp nguồn lực theo cách thức mang lại cả lợi ích ngắn hạn cũng như dài hạn cho khách hàng và những người hưởng lợi khác.

Các nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm (Principles of Responsible Investment - PRI) đang được nhiều quỹ đầu tư, với tổng tài sản quản lý lên đến hàng chục nghìn tỷ USD, cam kết áp dụng.

Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp nỗ lực giảm thiểu tác động đến môi trường, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đồng thời tăng cường quản trị công ty, sẽ “ghi điểm” và có cơ hội tiếp cận được dòng vốn bền vững khổng lồ này.

Tại Việt Nam, nhiều tổ chức đầu tư như các quỹ, các doanh nghiệp theo mô hình holding (sở hữu tài sản thông qua mua lại phần vốn góp hoặc cổ phần chi phối tại các công ty mục tiêu) cũng đã áp dụng tiêu chí đầu tư có trách nhiệm trong các quyết định đầu tư.

Ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển kinh doanh, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital cho biết, khi xem xét đầu tư, những tài sản của doanh nghiệp chỉ là bề nổi, rủi ro tiềm ẩn liên quan đến ESG có khi là rất lớn, nếu đánh giá không đầy đủ sẽ phải trả giá không ít.

“Trong 25 năm đầu tư tại Việt Nam, Dragon Capital đã có những lần phải trả giá, có những khoản đầu tư thua lỗ liên quan đến vấn đề quản trị, trách nhiệm môi trường, xã hội, chứ không phải hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Vinh chia sẻ.

Theo ông Vinh, các quỹ do Dragon Capital quản lý chủ yếu huy động vốn từ các định chế tài chính quốc tế và mối quan tâm đến phát triển bền vững của họ ngày càng lớn.

Chính vì vậy, Dragon Capital chính thức thực hiện nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm từ năm 2002. Từ đó cho đến nay, Công ty thường xuyên cải thiện bộ tiêu chí và hệ thống quản lý ESG. Có những doanh nghiệp mục tiêu có khả năng mang lại lợi nhuận lớn, nhưng Dragon Capital phải nói “không”, vì không đảm bảo tiêu chí ESG.

Danh mục đầu tư của các quỹ do Dragon Capital quản lý có 80 - 90% là doanh nghiệp niêm yết. Thông tin về môi trường, xã hội của các doanh nghiệp trước đây chưa nhiều, nhưng vài năm gần đây có sự cải thiện mạnh.

Dựa trên thông tin doanh nghiệp công bố, bên cạnh đạt tiêu chí về chỉ số tài chính, tiềm năng tăng trưởng, nếu có đủ thông tin để đánh giá các chỉ số phi tài chính, Công ty sẽ tiến hành đầu tư. Còn nếu chưa đủ, Công ty sẽ tìm kiếm cơ hội làm việc với doanh nghiệp để thu thập thông tin cần thiết để đánh giá.

Vấn đề quản trị công ty cũng được Dragon Capital quan tâm, đánh giá tình hình quản trị công ty theo thông lệ tốt. Sự hiểu biết của Dragon Capital về doanh nghiệp càng lớn thì cơ hội đầu tư càng lớn.

Dragon Capital đã trải qua 25 năm đầu tư tại Việt Nam và trụ lại cho đến bây giờ phần nào minh chứng cho việc đầu tư có trách nhiệm đã giúp Công ty phát triển bền vững hơn.

Tương tự, Quỹ đầu tư VietNam Holding đã đưa các tiêu chí ESG vào quá trình phê duyệt và rà soát đầu tư. Trường hợp doanh nghiệp vi phạm các nguyên tắc về ESG, Quỹ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao nhận thức cũng như quản lý các vấn đề liên quan.

Trong quá trình đầu tư, VietNam Holding đề cập đến thông lệ quốc tế tốt nhất và khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các giải pháp quản lý có thể được thực hiện trong bối cảnh Việt Nam. Việc này sẽ giúp Quỹ giảm thiểu rủi ro, đồng thời củng cố mức sinh lời ở các khoản đầu tư trong danh mục.

Ông Đỗ Quốc Thịnh, phụ trách phát triển bền vững cao cấp, Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (PAN) cho biết, PAN có hoạt động chính là mua bán - sáp nhập (M&A), ESG là tiêu chí xem xét đầu tư hàng đầu của Tập đoàn. PAN không trực tiếp sở hữu nhà máy sản xuất nào, mà sở hữu công ty sản xuất, có thương hiệu, có hội đồng quản trị riêng. Chính vì vậy, trong quá trình M&A, ngoài thực hiện đánh giá các chỉ số tài chính thì Tập đoàn đánh giá các tiêu chí ESG để xác định có đầu tư hay không.

PAN đã xây dựng bộ tiêu chuẩn của Tập đoàn với tên gọi “Bộ nguyên tắc thực hành”, trong đó nêu các yêu cầu đối với cơ sở hạ tầng, hệ thống quản lý, đến sản phẩm liên quan để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Tập đoàn cũng yêu cầu các công ty thành viên thực hiện nguyên tắc này theo lộ trình.

Theo ông Thịnh, trên thế giới, nhiều tập đoàn đã thiết kế các bộ tiêu chuẩn chung và riêng. Chẳng hạn, Coca Cola có hệ thống quản lý riêng, hay hãng bán lẻ Walmart áp dụng tiêu chuẩn mua hàng có trách nhiệm, theo đó các nhà cung cấp cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội nhất định, bên cạnh tiêu chuẩn về sản phẩm. Canon thì có bộ tiêu chuẩn “mua hàng xanh” - các nhà cung cấp linh kiện điện tử đều phải tuân thủ tiêu chuẩn này.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục