Bộ Tài chính khi góp ý để tháo gỡ khó khăn trong việc nhập khẩu xe ô tô không có ủy quyền còn tồn tại do ban hành Thông tư 20/1011/TT-BCT đột ngột vừa mới đây đã cho rằng, kiến nghị của doanh nghiệp về việc cho phép ký các phụ lục hợp đồng điều chỉnh các thông số về xuất xứ, chủng loại, dòng xe của các hợp đồng nhập khẩu đã ký với đối tác nước ngoài vào thời điểm năm 2010, 2011 là có cơ sở thực tế.
Trước đó thì Bộ Công thương đã có văn bản 11846/BCT-XNK ngày 26/11/2014, đề nghị các cơ quan liên quan góp ý cho việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu xe ô tô không có giấy ủy quyền chính hãng bị ảnh hưởng do ban hành Thông tư 20.
Bộ Tài chính cho hay, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đã ký hợp đồng và thanh toán trước ngày Thông tư số 20/2011/TT-BCT có hiệu lực hướng dẫn thực hiện, Bộ Công Thương đã ban hành công văn số 4582/BCT- XNK ngày 28/5/2014. Trong công văn có nêu, “các doanh nghiệp được gia hạn hợp đồng về ký phụ lục để điều chỉnh các thông số như năm sản xuất, đời xe, số lượng, đơn giá tương ứng với các loại xe được nêu trong hợp đồng thanh toán trước ngày 12/5/2011, nhưng không được chuyển sang chủng loại, dòng xe khác trừ trường hợp chủng loại dòng xe nêu trong hợp đồng không còn được hãng sản xuất ".
Tuy nhiên trên thực tế, việc quy định không cho phép doanh nghiệp được điều chỉnh chủng loại, dòng xe nhập khẩu vẫn gây ra khó khăn cho doanh nghiệp vì các chủng loại, dòng xe ở thời điểm ký hợp đồng nhập khẩu (từ 2010, 2011) so với hiện nay đã bị lỗi thời, không còn phù hợp với nhu cầu trong nước. Hơn nữa, theo trình bày của doanh nghiệp thì hiện tại các mẫu xe đó trong nước đã sản xuất được, mẫu mã đẹp nên doanh nghiệp nhập khẩu về cũng khó tiêu thụ.
Bởi vậy, kiến nghị của doanh nghiệp về việc cho phép ký các phụ lục hợp đồng điều chỉnh các thông số về xuất xứ, chủng loại, dòng xe của các hợp đồng nhập khẩu đã ký với đối tác nước ngoài vào thời điểm năm 2010, 2011 là có cơ sở thực tế.
Do vậy, để tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đồng ý với phương án mới của Bộ Công thương về việc cho phép doanh nghiệp điều chỉnh các thông số như xuất xứ, chủng loại, dòng xe... của các hợp đồng đã ký và thanh toán trước ngày 12/5/2011. Tuy nhiên doanh nghiệp nhập khẩu phải đảm bảo điều kiện về tổng trị giá của các lô hàng nhập khẩu không được vượt quá số tiền còn lại mà doanh nghiệp đã thanh toán trước 12/5/2011 và các điều kiện khác quy định tại công văn 4582/BCT-XNK ngày 28/5/2014 của Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Thương cân nhắc thêm vì tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu cũng đồng nghĩa với việc cạnh tranh với xe ô tô sản xuất trong nước.
Chưa biết là Bộ Công thương cuối cùng sẽ xử lý ra sao trong vấn đề này, nhưng với thực tế vội vã ban hành Thông tư 20/2011/TT-BCT vào tháng 5/2011 và cho tới tận bây giờ, tức là đã hơn 3,5 năm trôi qua mà vẫn chưa xử lý xong những vấn đề tồn tại, khiến các doanh nghiệp nhập khẩu liên tục khiếu nại tới Chính phủ, có thể thấy phần nào năng lực tham mưu và xử lý công việc của cơ quan chức năng.
Trong lần xử lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp không chính hãng nhập khẩu ô tô do bị ảnh hưởng của Thông tư 20/2011/TT-BCT lần trước, tại công văn 10521/VPCP-KTTH (ngày 12/12/2013), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thống nhất các tiêu chí cụ thể để xác định các doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn do đã thanh toán tiền hàng trước ngày ban hành Thông tư số 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương nhưng đến nay chưa nhận được hàng (phải xác định đúng doanh nghiệp, hợp đồng và khoản tiền đã thanh toán; số lượng, chủng loại và trị giá xe đã nhập, chưa nhập theo hợp đồng), kiến nghị rõ phương án giải quyết, bảo đảm tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không để lợi dụng gian lận.
Cũng tại văn bản này, Phó thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương rút kinh nghiệm trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện, bảo đảm phù hợp các quy định của pháp luật và tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong quá trình thực thi.