Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, 210 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 2.887.894 ca nhiễm nCoV, trong đó 202.368 ca tử vong, tăng lần lượt 96.908 và 6.448 trường hợp so với một ngày trước. 814.025 người đã bình phục.
Mỹ tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới với 933.933 người nhiễm và 53.449 ca tử vong, tăng lần lượt 43.409 và 2.432.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố có thể kéo dài cách biệt cộng đồng tới sau ngày 1/5 nếu ông cảm thấy đất nước chưa an toàn.
Hạ viện nước này cũng thông qua gói cứu trợ 480 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, bệnh viện và mở rộng xét nghiệm nCoV.
Tây Ban Nha xác nhận thêm 3.995 người dương tính với nCoV, giảm mạnh so với mức 6.740 ca một ngày trước đó, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên gần 224.000, trong đó gần 23.000 người chết.
Thêm 378 ca tử vong mới, tăng nhẹ so với 367 ca hôm qua. Tây Ban Nha là vùng dịch lớn thứ hai và là vùng chết chóc thứ ba thế giới, sau Mỹ và Italy.
Lệnh phong tỏa tại Tây Ban Nha sẽ kéo dài đến ngày 9/5 nhưng một số quy định được nới lỏng từ ngày 26/4 như cho phép trẻ em ra ngoài trong khoảng thời gian nhất định.
Italy ghi nhận 2.357 ca nhiễm và 415 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 195.351 và 26.384. Đây là mức tăng ca tử vong trong một ngày thấp nhất kể từ 19/3.
Chính quyền Italy dự kiến nới phong tỏa từ ngày 4/5. Nước này áp phong tỏa toàn quốc từ 9/3, buộc người dân phải ở nhà, hầu hết các doanh nghiệp phải đóng cửa, gây áp lực lớn cho nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro.
Pháp xác nhận thêm 1.660 ca nhiễm và 369 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 161.488 và 22.614.
Pháp sẽ cho phép một số trường học mở cửa trở lại sau 11/5 song những cơ sở kinh doanh không thiết yếu như quán cà phê, nhà hàng dự kiến tiếp tục ngừng hoạt động.
Đức báo cáo 156.418 ca nhiễm và 5.873 ca tử vong, tăng lần lượt 1.419 và 133. Đức được đánh giá phản ứng nhanh với Covid-19 và bước đầu kiểm soát được dịch.
Tuy nhiên, Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo cuộc chiến chống Covid-19 mới ở giai đoạn đầu và đại dịch dường như sẽ thành một phần cuộc sống trong thời gian dài.
Anh phát hiện thêm 4.913 ca nhiễm nCoV, tăng so với mức 5.386 một ngày trước đó, nâng tổng số lên 148.377.
Nước này ghi nhận 20.319 ca tử vong, tăng 813 trường hợp. Anh chỉ tính những trường hợp chết trong bệnh viện, nên số liệu thực tế có thể cao hơn vì nhiều người qua đời tại nhà và viện dưỡng lão.
Iran tiếp tục là vùng dịch lớn nhất châu Á với 89.328 ca nhiễm. Nước này ghi nhận thêm 76 ca tử vong, đánh dấu ngày thứ 12 liên tiếp số ca tử vong hàng ngày dưới 100, nâng tổng số người chết lên 5.654.
Chính phủ Iran vẫn chưa cho phép trường học mở cửa trở lại cũng như tiếp tục cấm các hoạt động đông người như tụ họp văn hóa, tôn giáo và thể thao. Tuy nhiên, các trung tâm mua sắm, chợ và công viên nối lại hoạt động trong tuần này và cũng dỡ bỏ lệnh cấm đi lại liên thành phố.
Tại Đông Nam Á, Singapore tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với 12.693 ca nhiễm, tăng 618 ca, đa phần là lao động nước ngoài trong các ký túc xá. Số ca tử vong là 12, không thay đổi trong ba ngày qua.
Indonesia thông báo thêm 31 người chết do nCoV, nâng tổng số ca tử vong do dịch ở nước này lên 720, tiếp tục là vùng dịch chết chóc nhất khu vực. Nước này hiện ghi nhận 8.607 ca nhiễm, tăng 396 trường hợp.
Philippines, vùng dịch lớn thứ ba Đông Nam Á, ghi nhận thêm 102 ca nhiễm và 17 ca tử vong do nCoV, nâng tổng số lên lần lượt 7.294 và 494.
Tổng thống Rodrigo Duterte gia hạn phong tỏa ở thủ đô Manila cho đến ngày 15/5, nhưng sẽ giảm bớt các hạn chế ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm thấp hơn.
Malaysia báo cáo thêm 51 ca nhiễm và hai người chết, nâng tổng số ca nhiễm và chết lên lần lượt là 5.742 và 98. Giới chức Malaysia đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc cùng loạt biện pháp cách biệt cộng đồng để kiềm chế đại dịch.
Thái Lan thông báo thêm một người chết do nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 51. Thêm 53 ca nhiễm tại nước này, tăng hơn 3,5 lần so với hôm trước, nâng tổng số người nhiễm lên 2.907.
Giới chức y tế Thái Lan đang tăng tốc xét nghiệm, đặc biệt là tại tỉnh Yala ở phía nam, nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao.
Đông Timor và Lào tiếp tục là hai nước trong khu vực chịu ít ảnh hưởng nhất từ Covid-19, với lần lượt 23 và 19 ca nhiễm nCoV. Việt Nam, Campuchia, Đông Timor và Lào chưa ghi nhận ca tử vong nào.