Hàng năm, Chính phủ đều công bố tốc độ tăng dân số, tỷ lệ thất nghiệp…, tức là đã có số liệu về dân số, vậy có cần thiết phải tổ chức điều tra dân số không, thưa bà?
Số liệu về dân số được công bố hàng năm, thậm chí hàng quý (tỷ lệ thất nghiệp, lao động) dựa trên phạm vi điều tra quy mô rất nhỏ, chỉ khoảng 1,7% dân số và mẫu điều tra chỉ có một số tiêu chí rất cơ bản, nên không có cái nhìn toàn diện về sự biến động của dân số, số liệu điều tra vì thế chỉ có thể sử dụng được ở cấp tỉnh và Trung ương.
Tại Việt Nam, kể từ năm 1979 tới nay, cứ 10 năm đều thực hiện một cuộc tổng điều tra và giữa 2 kỳ tổng điều tra đều thực hiện một cuộc điều tra giữa kỳ. Cuộc điều tra giữa kỳ lần này được tiến hành trên 20% địa bàn cả nước, tương đương 37.395 địa bàn trải rộng trên hầu hết các xã, phường, thị trấn của cả nước, với khoảng 1.121.850 hộ được điều tra, nên độ chính xác rất cao. Vào tháng 12/2014, chúng tôi sẽ công bố kết quả của cuộc điều tra.
Bà nói rằng, kết quả của cuộc điều tra là cơ sở quan trọng để các địa phương đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011 - 2015; xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2016 - 2020?
Đúng vậy. Do nhu cầu mưu sinh, hàng triệu người từ nông thôn đã và đang đổ về đô thị, các khu công nghiệp, khu chế xuất để làm việc, nhưng địa phương có dân di cư và địa phương có dân nhập cư không thể biết chính xác hiện tại dân số trên địa bàn là bao nhiêu, nếu không có kết quả điều tra.
Khi không có số liệu thống kê, thì địa phương có dân nhập cư lớn không thể biết trong 5 năm tới, cần phải đầu tư bao nhiêu, đầu tư theo lộ trình nào, đưa ra cơ chế, chính sách gì để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường, cấp thoát nước, công trình công cộng… Điều này sẽ dẫn tới tình trạng quá tải, giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững.
Ngược lại, ở những địa phương có dân số di cư lớn, đặc biệt tại các huyện thuộc khu vực miền Trung, nếu không có số liệu thống kê, thì việc đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế… sẽ dẫn tới lãng phí, kém hiệu quả.
Ở cấp vĩ mô, nếu Nhà nước không biết trong vòng 5 năm qua sự biến động của dân số ra sao, việc sinh/tử của người dân thế nào, thì khó có thể đưa ra hoặc điều chỉnh các cơ chế, chính sách hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực. Nói rộng hơn là khó có thể đưa ra các chính sách hiệu quả để phát triển nòi giống dân tộc.
Thưa bà, vì sao lại lồng ghép điều tra nhà ở vào điều tra dân số?
Đúng ra, việc điều tra về nhà ở do Bộ Xây dựng thực hiện, nhưng trên thực tế, đối tượng điều tra về nhà ở gần tương đồng với đối tượng điều tra về dân số (đều là hộ gia đình), nên Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lồng ghép 2 cuộc điều tra này để giảm chi phí, thời gian, nguồn nhân lực, nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu đặt ra.
Kết quả của cuộc điều tra là cơ sở để các bộ ngành, địa phương biết được sự biến động về loại nhà, diện tích nhà ở, bình quân diện tích/người…, kể từ cuộc điều tra trước (năm 2009) đến nay, có được cải thiện hay không, cải thiện ở mức độ nào. Từ đó, đưa ra cơ chế, chính sách, tạo điều kiện, hỗ trợ, giúp đỡ người dân chưa có nhà ở; có nhà ở không kiên cố; bình quân diện tích nhà/người nhà quá thấp, không bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tối thiểu tạo lập nhà ở.
Số liệu của không ít cuộc điều tra, khảo sát không đúng với thực tế, bởi người dân, thậm chí là chính quyền địa phương khai báo thiếu trung thực. Cuộc điều tra về nhà ở lần này làm thế nào để khắc phục tình trạng này?
Ngoài việc phỏng vấn trực tiếp người dân tại hộ gia đình, điều tra viên của Tổng cục Thống kê và giám sát viên của Bộ Xây dựng phải quan sát thực trạng nhà ở của người dân, chứ không thuần túy ghi theo khai báo của người dân. Hơn nữa, điều tra viên phải đến đúng địa chỉ hộ gia đình theo danh sách được máy tính xây dựng, nên tránh được tình trạng, vì bệnh thành tích, cán bộ ở địa phương dẫn điều tra viên vào những gia đình có “nhà cao cửa rộng”.