Sau khoảng 20 năm, đây là lần đầu tiên một cuộc thi thợ giỏi ngành xây dựng quy mô lớn được tổ chức. Ban Tổ chức cho biết, cuộc thi sẽ được tổ chức định kỳ 2 năm/lần, các kỳ sau sẽ cố gắng mở rộng quy mô và các môn thi.
Cuộc thi năm nay thu hút sự tham gia của 250 thí sinh, từ 24 nhà thầu xây dựng trong cả nước. Sẽ có 7 môn thi gồm: xây trát, ốp lát, nhôm kính, hàn, thi công điện,nước, lắp đặt cốt thép được thực hiện. Theo đó, các thí sinh sẽ làm bài thi tại thực địa với tiêu chí làm thật, thi công thật ở công trình dự án thật.
Với mỗi môn thi, Ban Tổ chức sẽ trao các danh hiệu Bàn tay Vàng, Bàn tay Bạc, Bàn tay Đồng và Chứng nhận Thợ giỏi cho người tham gia đạt yêu cầu. Một điểm đặc biệt của cuộc thi năm nay là Ban giám khảo chú trọng đánh giá tay nghề người thợ chứ không quá đề cao vai trò công nghệ, thiết bị hiện đại.
Số liệu từ Tổng hội Xây dựng cho biết, cả nước hiện có khoảng 78.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành Xây dựng, với khoảng 4 triệu lao động. Số lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp nghề hiện chỉ chiếm 11,8%, số thợ bậc cao (bạc 6,7) chỉ chiếm khoảng 7% nhân lực ngành.
Trong khi đó, theo Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) thì số công nhân lao động ngành Xây dựng là 204.097 người. Trong đó, công nhân xây dựng chiếm tỷ lệ 40,54%, công nhân lắp máy chiếm 13,64%, công nhân sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 20,27%, công nhân cơ khí chiếm 11,72% và lao động phổ thông chiếm 13,82%.
Cơ cấu bình quân hiện nay ở Việt Nam giữa kỹ sư - trung cấp chuyên nghiệp - công nhân học nghề lần lượt tương ứng với tỷ lệ 1 - 1,3 - 0,5, trong khi tỷ lệ bình quân trên thế giới là 1 - 4 - 10, điều này cho thấy tình trạng thừa thầy thiếu thợ ở Việt Nam.
Trong số này, số lượng công nhân có trình độ cao đẳng nghề chiếm tỷ lệ rất thấp, công nhân có tay nghề bậc cao (bậc 5, 6, 7 và vượt khung) chỉ chiếm 16,84%, tỷ lệ bậc 1,2 và lao động phổ thông còn chiếm tỷ lệ cao.
Ban Tổ chức cho biết cuộc thi năm nay nhằm cổ vũ, động viên lực lượng người lao động hoạt động trong ngành Xây dựng, góp phần nâng cao, hoàn thiện kỹ năng cho người lao động để đáp ứng tốt các yêu cầu công việc.