“Hồi sức” cho bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau thời gian dài duy trì đà tăng trưởng 2 con số, thị trường bảo hiểm đang cần được “hồi sức”.
Thị trường bảo hiểm đang trên đà giảm tốc Thị trường bảo hiểm đang trên đà giảm tốc

Bancassurance bị siết chặt, thị trường gặp khó

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý III/2023 giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022 (ước đạt 52.900 tỷ đồng) và lũy kế 9 tháng năm giảm 6,9% (ước đạt 165.600 tỷ đồng), trong đó doanh thu từ mảng bảo hiểm nhân thọ giảm 10,7% (ước đạt 113.400 tỷ đồng). Theo cơ quan này, một trong những nguyên nhân khiến thị trường bảo hiểm gặp khó là do quy định chặt chẽ của hợp đồng bảo hiểm từ kênh bán qua ngân hàng (bancassurance).

Theo ông Lương Văn Ban, Thư ký Văn phòng luật sư Tinh Hoa Việt, thời gian qua, cơ quan quản lý có nhiều động thái siết chặt kênh bancassurance. Cụ thể, sau khi ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh của người dân khi ra ngân hàng thực hiện các thủ tục vay vốn thì bị “ép” mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới được xem xét giải ngân gây nhiều bức xúc, vào ngày 21/2/2023, Bộ Tài chính đã thiết lập đường dây nóng 24/7 để kịp thời xác minh thông tin và xử lý ngân hàng có hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm.

Tiếp đó, ngày 29/6/2023, Bộ Tài chính ban hành kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm (gồm BIDV Metlife, MB Ageas, Prudential Việt Nam, Sun Life Việt Nam) đã triển khai hoạt động thông qua liên kết với ngân hàng để kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Trong đó, kết luận thanh tra số 811/KL-BTC đối với Sun Life Việt Nam và kết luận thanh tra số 812/KL-BTC đối với Prudential Việt Nam đã chỉ ra tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm thứ nhất lần lượt là 73% và 41% cho thấy việc bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng tồn tại nhiều vấn đề, chưa đúng mục đích của người mua.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), đây là kỳ thanh tra tập trung vào các hoạt động trong năm tài chính 2021, có xem xét thêm các kỳ liên quan, không liên quan đến tình hình khiếu nại của khách hàng diễn ra khá phức tạp từ đầu năm 2023 đến nay. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, năm 2023 sẽ tiến hành thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có cả doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.

Sau các hoạt động thanh tra, nhiều hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bị hủy và doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại toàn bộ số tiền đã đóng cho khách hàng dẫn đến giảm doanh thu. Ngoài ra, Nghị định 46/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 yêu cầu các ngân hàng có hoạt động đại lý bảo hiểm phải có bộ phận chuyên trách riêng và người đứng đầu bộ phận này phải có 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính. Theo các chuyên gia pháp lý, đây là một thay đổi quan trọng so với Nghị định 73/2016/NĐ-CP liên quan tới hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Niềm tin xuống thấp

Những năm trước, chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm được công bố luôn tăng trưởng 2 chữ số, nhưng lần đầu tiên giảm vào quý II/2022 và đến nay vẫn chưa thể hồi phục (quý I/2023 tăng trưởng 6,8%, quý II giảm 3,1% và quý III giảm 10,4%).

Thị trường tài chính vốn nhạy cảm và niềm tin là điều doanh nghiệp luôn phải giữ gìn. Khách hàng, người dân bất an trước bảo hiểm - vốn được ví như “chiếc khiên” bảo vệ, giúp họ sẵn sàng ứng phó với những khó khăn trong cuộc sống - lại đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin lớn chưa từng có.

“Người dân khó có thể an tâm đầu tư vào nơi thường xảy ra khiếu nại, khiếu kiện. Hệ lụy tất yếu là ảnh hưởng đến doanh thu của một kênh phân phối luôn đóng góp lớn trong tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam (khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ)”, ông Đoàn Thanh Tùng, người từng nhiều năm làm việc cho một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn và hỗ trợ 12 ca đòi bồi thường miễn phí giúp khách hàng trong 3 năm qua nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng đại lý bảo hiểm bằng mọi cách ký được hợp đồng nhằm hưởng hoa hồng cao, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo… là nguyên nhân chính khiến khách hàng mất niềm tin vào bảo hiểm. Trong khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm vì doanh thu nên có phần buông lỏng quản lý các đại lý, tư vấn viên.

Theo Vietnam Report, những lùm xùm liên quan tới kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng khiến niềm tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung chưa bao giờ xuống thấp như hiện tại. Từ đầu năm tới nay, những thông tin tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông. Có đến 81,8% doanh nghiệp và chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng, việc xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2023.

Những năm trước, chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm được công bố luôn tăng trưởng 2 chữ số, ở quanh ngưỡng 22%/năm, nhưng lần đầu tiên giảm vào quý II/2022 và đến nay vẫn chưa thể hồi phục (quý I/2023 tăng trưởng 6,8%, quý II/2023 giảm 3,1% và quý III/2023 giảm 10,4%).

Hiện số liệu thống kê mới nhất chưa công bố, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường giảm 38,2% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 15.508 tỷ đồng (theo IAV), trong đó nhiều doanh nghiệp ghi nhận sụt giảm từ vài trăm đến cả nghìn tỷ đồng như Manulife (giảm 1.988 tỷ đồng), AIA (giảm 1.177 tỷ đồng), Prudential (giảm 1.157 tỷ đồng), MB Ageas (giảm 1.040 tỷ đồng), Dai-ichi Life (giảm 665 tỷ đồng), Generali (giảm 211 tỷ đồng), Bảo Việt Nhân thọ (giảm 186 tỷ đồng), Sun Life (giảm 111 tỷ đồng)…

Hồi sức cách nào?

Theo các thành viên thị trường, thị trường bảo hiểm đang trong giai đoạn khó khăn, một phần xuất phát từ niềm tin vào bảo hiểm sụt giảm, nên điều quan trọng nhất lúc này là lấy lại niềm tin từ khách hàng thông qua nhiều giải pháp đồng bộ.

“Về phía cơ quan quản lý, cần giám sát chặt chẽ hơn hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng và giải quyết dứt điểm những tồn tại, còn các doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng đối tác phải thanh lọc để loại bỏ những đại lý vi phạm, đào tạo lại lực lượng nhân viên kinh doanh và đại lý cho chuẩn mực để từng bước lấy lại niềm tin của khách hàng đối với bảo hiểm, bộ hợp đồng bảo hiểm cần ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu hơn…”, ông Đoàn Thanh Tùng nêu quan điểm.

Thực tế, thời gian qua, trong nỗ lực hướng tới khách hàng, nhiều công ty bảo hiểm đã chỉnh sửa lại bộ hợp đồng bảo hiểm theo hướng rút gọn và sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu hơn. Chẳng hạn, Prudential Việt Nam cho ra mắt bộ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới chỉ 8 trang, Bảo Việt Nhân thọ đưa ra bộ tài liệu tóm tắt về các điều khoản bảo hiểm và các điểm cần lưu ý giúp khách hàng nắm rõ hơn những điểm nổi bật của sản phẩm, các điểm trọng yếu liên quan đến quyền lợi của mình…

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đánh giá, từ đầu tháng 8/2023, thị trường bảo hiểm nhân thọ bắt đầu ghi nhận sự chuyển biến theo chiều hướng tốt lên. Với các giải pháp mà các cơ quan quản lý nhà nước đã và đang tích cực triển khai, sự nỗ lực thay đổi của doanh nghiệp bảo hiểm, niềm tin của khách hàng sẽ được củng cố, thị trường bảo hiểm sẽ phát triển chất lượng hơn.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2023, mặc dù doanh thu phí giảm, nhưng chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước (ước đạt 57.100 tỷ đồng); tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 15,4% (ước đạt 746,7 tỷ đồng); tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng 12,9%...

Ở góc nhìn khác, PGS-TS. Võ Đình Trí, Trường IPAG Business School Paris nhìn nhận, thị trường bảo hiểm khó có thể phục hồi nhanh do tình hình kinh tế chung chậm lại, đặc biệt sau “cú sốc” niềm tin vừa qua. Do đó, điều cần ưu tiên nhất lúc này với các doanh nghiệp là duy trì hợp đồng bảo hiểm cũ.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục