Doanh nghiệp có vốn nhà nước theo Luật Doanh nghiệp năm 2014
Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ (Khoản 22, Điều 4). Đến Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (Khoản 8, Điều 4).
Như vậy, khái niệm doanh nghiệp nhà nước đã được giới hạn tuyệt đối, nghĩa là một doanh nghiệp thuần vốn 100% có nguồn gốc (trực tiếp hoặc gián tiếp) từ ngân sách nhà nước mới được xem là doanh nghiệp nhà nước. Quy định này đã thay đổi triệt để trong vấn đề quản lý vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, cũng như việc đầu tư xây dựng cơ bản của các doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Với khái niệm giới hạn của Luật Doanh nghiệp năm 2014, chúng ta có 2 loại doanh nghiệp có vốn nhà nước, đó là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước với tỷ lệ dưới 100%.
Đối với doanh nghiệp nhà nước, việc quản lý vốn, đầu tư xây dựng, mua sắm, hoặc đầu tư kinh doanh còn phải thực hiện theo các quy định đặc thù liên quan đến đầu tư công, mua sắm công, cũng như quản lý tài chính vốn nhà nước.
Doanh nghiệp có vốn nhà nước với tỷ lệ dưới 100% sử dụng nguồn vốn của mình hoặc vốn vay để thực hiện dự án thì được xem là nguồn vốn khác (không phải vốn nhà nước). Trong số một số trường hợp theo quy định liên quan, nếu doanh nghiệp đó là chủ đầu tư thì được tự mình phê duyệt, thẩm định dự án.
Như vậy, với Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp có vốn nhà nước với tỷ lệ dưới 100% sẽ hoạt động thuận lợi, “dễ thở” hơn so với doanh nghiệp nhà nước.
Hoạt động quản lý vốn nhà nước sau khi ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2014 gặp trở ngại hoặc nhiều rủi ro trong mục tiêu bảo toàn vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước với tỷ lệ dưới 100%, tuy nhiên đối với loại doanh nghiệp này thì cơ chế quản lý thoáng hơn cũng là yếu tố giúp doanh nghiệp xoay chuyển hoặc mạnh dạn trong các quyết định đầu tư, kinh doanh như các doanh nghiệp dân doanh khác trong nền kinh tế.
Dự kiến mở rộng khái niệm và phạm vi doanh nghiệp nhà nước
Như phân tích nêu trên, có lẽ các nhà quản lý đã thấy được trở ngại, rủi ro trong việc bảo toàn vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước với tỷ lệ dưới 100%, cho nên trong dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp lần này đã hồi quy như Luật Doanh nghiệp năm 2005 và mở rộng phạm vi khái niệm doanh nghiệp nhà nước.
Khoản 2, Điều 2, Dự thảo sửa đổi Khoản 8, Điều 4, Luật Doanh nghiệp năm 2014 về khái niệm doanh nghiệp nhà nước, cụ thể được diễn giải gồm 2 trường hợp như sau: a) Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần; b) Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ vốn góp chi phối.
Theo định nghĩa tại mục a thì khái niệm doanh nghiệp nhà nước giống với Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Tuy nhiên, theo định nghĩa tại mục b thì khái niệm doanh nghiệp nhà nước đã được mở rộng rất nhiều và khó có định lượng về giới hạn giữa doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.
Lấy ví dụ, trong một công ty TNHH hoặc cổ phần mà đa số thành viên góp vốn hoặc cổ đông chỉ chiếm giữ số lượng vốn góp, cổ phần tối thiểu, nếu phần vốn, cổ phần được sở hữu bởi nguồn vốn nhà nước chiếm từ 30% trở lên (giả định) và theo điều lệ của doanh nghiệp đó thì đây là tỷ lệ chi phối, như vậy doanh nghiệp đó sẽ được xếp loại thành doanh nghiệp nhà nước.
Và như vậy, so với Luật Doanh nghiệp năm 2005, thì không chỉ là hồi quy, mà dự thảo còn mở rộng khái niệm doanh nghiệp nhà nước. Quy định này nếu được thông qua và áp dụng thì số lượng doanh nghiệp nhà nước sẽ tăng vọt so với thực tế hiện hữu.
Có lẽ, do sự bất cập và rủi ro đã xảy ra liên quan đến việc bảo tồn vốn nhà nước trong doanh nghiệp, mà điển hình là các sai phạm trong vụ việc MobiFone mua AVG, đã dẫn đến việc sửa đổi với tâm thức mở rộng phạm vi khái niệm doanh nghiệp nhà nước, nhằm mục đích hạn chế rủi ro mất vốn nhà nước chăng?
Khoản 9, Điều 1, Dự thảo sửa đổi Điều 26, Luật Đầu tư về việc đầu tư vốn thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp có quy định, “việc sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước để góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan”.
Như vậy, dự thảo đã mở rộng khái niệm doanh nghiệp nhà nước, không ngoài mục đích đảm bảo hoạt động quản lý và bảo tồn vốn nhà nước trong doanh nghiệp.
Nhìn dưới góc độ quản lý ngân sách, đầu tư công thì việc mở rộng khái niệm doanh nghiệp nhà nước để siết chặt “vòng kim cô” bảo toàn vốn nhà nước là hợp lý, phù hợp thực tiễn.
Tuy nhiên, dưới góc độ kinh tế, thị trường, thì việc Nhà nước tham gia thành lập, góp vốn, quản lý doanh nghiệp trong bất kỳ lĩnh vực nào, cũng như tự tạo ra các hạn chế đối với chính các doanh nghiệp đó có vẻ mâu thuẫn và không theo các nguyên lý của nền kinh tế.
Trước đây, chúng ta hay nói đến việc phân biệt đối với doanh nghiệp dân doanh, mà thực tế đã chứng minh các chính sách pháp lý gần như không hỗ nhiều đối với doanh nghiệp dân doanh so với doanh nghiệp có vốn nhà nước, kể cả so với doanh nghiệp có vốn nước ngoài.
Việc quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước theo các quy định về đầu tư công cũng là một sự phân biệt, góp phần hạn chế sự phát triển, hoạt động của doanh nghiệp, vô hình trung khiến chúng ta không còn hiểu rõ mục tiêu của các doanh nghiệp có vốn nhà nước là hoạt động vì lợi nhuận hay vì ý nghĩa công ích.
Bất cứ sự phân biệt nào, dù là đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, cũng sẽ góp phần tạo ra sự bất bình đẳng, bất hợp lý trong việc quản lý, định hướng sự phát triển nền kinh tế, đi ngược xu hướng phát triển mọi thành phần kinh tế dựa trên nguyên lý công bằng tối thiểu và sự thoái vốn triệt để của Nhà nước ra khỏi các lĩnh vực phi thiết yếu, phi dân sinh, phi công ích.
Nên sửa đổi về mặt bản chất và có hạn định trong việc thành lập doanh nghiệp có vốn nhà nước
Trước hết, dự thảo luật nên bỏ khái niệm doanh nghiệp nhà nước, chỉ nên có doanh nghiệp có vốn nhà nước, vì chỉ như thế mới có thể phân loại các thành phần kinh tế dựa vào bản chất nguồn vốn, mà không hành chính hoá doanh nghiệp.
Việc sửa đổi luật cần hướng đến mục tiêu Nhà nước sẽ thoái vốn hoàn toàn ra khỏi các lĩnh vực không phục vụ dân sinh thiết yếu hoặc không có tính công ích, Nhà nước cần nắm giữ 100% hoặc chi phối từ 51% vốn trở lên trong các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công ích, phục vụ dân sinh thiết yếu.
Và như thế, các doanh nghiệp có nguồn gốc vốn khác nhau sẽ bình đẳng trước pháp luật về hoạt động kinh doanh. Đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực công ích, phục vụ dân sinh thiết yếu thì cần tuân thủ thêm các quy định pháp luật liên quan, để đảm bảo sự hài hoà giữa mục tiêu kinh doanh và mục tiêu xã hội, phục vụ người dân.
Cuối cùng, để tránh xảy ra các vụ việc đáng tiếc như trong thời gian qua đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước, dự thảo luật cần có các quy định cụ thể về việc hạn chế thành lập, góp vốn, mua cổ phần, vốn góp doanh nghiệp bằng nguồn vốn nhà nước, thay vì mở rộng khái niệm doanh nghiệp nhà nước như hiện nay.