Tình thế đầy hiểm nguy
Kể từ sau Tết đến nay, gần 200 cán bộ nhân viên một công ty bất động sản không có lương. Ông phó tổng giám đốc phụ trách hành chính kể, 3 dự án của Công ty mất hơn 2 năm chưa hoàn tất các thủ tục để có thể khởi công, có sản phẩm đưa ra thị trường; các hoạt động cho thuê trung tâm thương mại ở khối đế tòa nhà thì èo uột.
Tiền tích lũy được từ 2 dự án chung cư đã tung vào các dự án mới, chi trả lương thưởng và hoạt động doanh nghiệp “cạn kiệt”, đến thời điểm này ngân hàng cũng không cho vay nữa vì họ biết có vẽ ra lý do gì chăng nữa tiền về cũng nhằm bổ sung vốn lưu động, chi trả cho hoạt động doanh nghiệp.
Chỉ 3 tháng nữa thôi, dự án không chạy, thủ tục không xuôi, chắc chắn doanh nghiệp phải đóng cửa, chỉ duy trì một bộ phận nhỏ ở trụ sở.
Dạo qua một loạt phòng ban của doanh nghiệp, nội thất và cảnh quan đẹp đẽ được đầu tư hoành tráng ngày nào không che được vẻ mặt buồn bã, chán nản của nhiều nhân sự.
Trong câu chuyện, họ lộ rõ sự chán chường vì đến cơ quan vật vờ không có việc, chán vì không có tiền, sống cảnh chật vật và tủi vì không dám dũng cảm từ bỏ công ty để tìm nơi mới khá khẩm hơn.
Tình thế đầy hiểm nguy như thế không phải là cá biệt. Một tổng hợp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi đến Thủ tướng Chính phủ trước cuộc đối thoại trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp cuối tuần này cho biết, gần 85% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ đã bị mất hoặc thu hẹp thị trường tiêu thụ sản phẩm; gần 60% doanh nghiệp bị thiếu vốn hoặc dòng tiền kinh doanh.
Có tới 92% số doanh nghiệp cho biết doanh thu năm 2020 của họ bị sụt giảm so với năm 2019, trong đó có 20% doanh nghiệp sụt giảm doanh thu trên 50%.
Tình hình ảnh hưởng đều nghiêm trọng đối với tất cả các nhóm doanh nghiệp, trong đó ảnh hưởng nhiều nhất là khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
30% doanh nghiệp cho biết họ chỉ có thể duy trì hoạt động được từ 1 - 3 tháng; 50% duy trì hoạt động không quá 6 tháng; 20% duy trì hoạt động không quá 12 tháng và điều đó có nghĩa là 80% doanh nghiệp sẽ ngừng sản xuất - kinh doanh sau 1 năm nếu dịch bệnh kéo dài như hiện nay.
Hệ lụy tất yếu là việc làm, thu nhập của người lao động bị co hẹp. Gần 80% doanh nghiệp thông báo sẽ phải giảm lao động, trong đó mức cắt giảm lao động phổ biến từ 10% đến 50%. Số lao động bị mất việc làm có thể lên tới hàng triệu người trong thời gian tới.
Bức tranh chung của nền kinh tế cũng được vẽ bằng những con số đáng lo ngại. Đơn cử, sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm chỉ tăng 1,8%, thấp nhất trong nhiều năm qua.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 4 tháng, nếu tính cả yếu tố giá cả, giảm tới 9,6% so với cùng kỳ.
Riêng trong tháng 4, mức giảm lên tới 26% so với cùng kỳ do cả nước thực hiện giãn cách xã hội. Số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động đã tăng tới 33,6%...
Thực tế này cho thấy, nếu không nhanh chóng vực dậy nền kinh tế, hệ lụy là khôn lường. Tâm lý lo lắng về một cuộc suy thoái, khủng hoảng kinh tế rất phổ biến khi có tới gần 2/3 lãnh đạo doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát của VCCI bày tỏ về e ngại này.
Suy nghĩ như vậy sẽ dẫn tới hành động phòng thủ, bằng chứng là nhiều doanh nghiệp đã tìm mọi cách bán ra các khoản đầu tư trái phiếu chính phủ, vốn được coi là tài sản thanh khoản, chia nhỏ các khoản tiền thường để trong tài khoản thanh toán vào các kỳ hạn tiền gửi ngắn hạn...
Đối với một nền kinh tế mở và xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng rất cao trong GDP như Việt Nam, thị trường ngoại vi với những biến động khó lường có thể tạo ra những cú sốc khó có thể dự đoán.
Các số liệu chính thức cho thấy, đóng cửa biên giới với Trung Quốc dẫn tới việc sụt giảm 22 - 24% kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, việc xuất siêu cao và tăng liên tục sang thị trường Mỹ cũng không bền vững.
Nếu có thay đổi chính sách từ chính quyền của Tổng thống Trump sẽ khiến ngành xuất khẩu của Việt Nam rơi vào tình trạng khó khăn, đặc biệt khi các doanh nghiệp chưa làm chủ được các khâu chính trong chuỗi giá trị toàn cầu.
“Chưa rõ khi nào cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ kết thúc và khi nào các tác động gián tiếp lên nền kinh tế sẽ được khắc phục. Vì vậy, yêu cầu cấp bách đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay là phải nhanh chóng nắm lấy và hành động để đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm các nguồn cầu mới và qua đó giảm thiểu các rủi ro phải đối mặt”, Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung, Đại học RMIT Việt Nam khuyến nghị.
Chờ hành động “dứt khoát và đặc biệt”
Tại Mỹ, cuộc suy thoái do Covid-19 gây ra đã làm hơn 30 triệu người mất việc. Dù Mỹ tiếp tục là ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới với 1,2 triệu người mắc và 70.000 trường hợp tử vong, trong cuộc phỏng vấn với ABC News tối 5/5, Tổng thống Trump tỏ ra kiên quyết với quyết định mở cửa đất nước trở lại.
"Chúng ta rồi sẽ vượt qua đại dịch, dù có hay không có vắc xin. Dịch bệnh cũng sẽ bị đẩy lui và chúng ta sẽ quay trở lại cuộc sống bình thường", vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ nhấn mạnh và cảnh báo rằng những thiệt hại với nền kinh tế đã quá lớn để tiếp tục việc đóng cửa.
Rất dễ thấy các nước sẽ có một cuộc chạy đua trong việc tái thiết lại nền kinh tế, giành lấy công ăn việc làm cho người lao động.
Nếu không kiên quyết hành động, Việt Nam có thể bỏ lỡ “thời cơ vàng” khi đã khống chế và kiểm soát được dịch bệnh sớm hơn, tốt hơn.
Rút kinh nghiệm từ việc kiến nghị quá nhiều nhưng lại quá ít đề xuất được tiếp thu và triển khai, lần này tại cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam chỉ mang tới duy nhất một đề xuất.
Đó là đơn giản hóa và xem xét bãi bỏ mã số, mã vạch trên bao bì sản phẩm xuất khẩu.
Trong hơn 100 kiến nghị được VCCI tập hợp, các giải pháp về đơn giản hóa thủ tục hành chính, cấp phép đầu tư và thanh kiểm tra cũng đứng đầu về yêu cầu cần giải quyết sớm. Có doanh nghiệp ví, Tổng cục Hải quan đã lập kỷ lục về việc mở tờ khai “xuất khẩu lén” 400.000 tấn gạo trong 3 giờ trong lúc toàn dân đang ngủ say.
Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An có đơn đề nghị giải quyết khẩn cấp (lần 4) gửi Thủ tướng, trong đó nêu vấn đề ngăn chặn việc “trả đũa” của Hải quan đưa thông quan gạo vào luồng đỏ gây phát sinh chi phí và chậm thời gian thông quan.
Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những quyết sách nhanh gọn từ cơ quan quản lý. Chẳng hạn, chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với Bộ Tài chính liên quan đến việc hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3, Điều 8, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ về trần chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp có hoạt động liên kết... Khoảng 5.000 tỷ đồng sẽ được giảm cho các doanh nghiệp có hoạt động này.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2020 vào đầu tuần này cũng đã nhấn mạnh rằng, phải sớm phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội.
Dẫn lại dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay, theo đó đạt khoảng 2,7%, cao nhất khu vực Đông Nam Á, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải “đạt cao hơn mức này”. Có tăng trưởng mới giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tốt nhất.
Đầu tư công đang được chờ đợi là liều thuốc nhanh, mạnh để “kéo đẩy” cả nền kinh tế chạy đà trở lại.
Tuy nhiên, nói như lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên tham gia các dự án xây dựng cầu đường, nếu không có cách triển khai cụ thể và rốt ráo thì giải ngân đầu tư công sẽ tiếp tục tắc, vì từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp cho thấy, sẽ không có lãnh đạo địa phương nào dám trực tiếp ký vào các quyết định để đưa tiền vào dự án nếu vướng mắc về các thủ tục, luật và các văn bản dưới luật không được “tháo gỡ”.
Chính phủ cũng đã thảo luận về Nghị quyết tháo gỡ khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công, phục hồi sản xuất - kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sau cuộc họp trực tuyến cuối tuần này, sẽ có nhiều quyết sách mới được ban hành, giúp Việt Nam tận dụng được thời điểm vàng để tái thiết nền kinh tế.
Vấn đề trọng tâm hiện nay là khôi phục tâm lý người dân, doanh nghiệp
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel.
Do tác động bởi dịch Covid-19, thị trường du lịch Việt Nam và thế giới đóng cửa, dẫn tới tình trạng mất hàng loạt đơn hàng kéo dài, khiến doanh nghiệp lữ hành vô cùng khó khăn. Giai đoạn này, ước tính,Vietravel bị thiệt hại hàng triệu USD.
Chúng tôi hy vọng, với việc kiểm soát dần được dịch bệnh, các hoạt động kinh doanh được nới lỏng dần, doanh nghiệp lữ hành cũng có thể dần khôi phục hoạt động thì dòng tiền của doanh nghiệp có thể phục hồi vào tháng 8.
Liên quan tới các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, vấn đề trọng tâm hiện nay là phải khôi phục tâm lý người dân, doanh nghiệp. Chính phủ nên tính du lịch là ngành kinh tế, đối xử như ngành kinh tế để có các chính sách phát triển phù hợp.
Với các gói hỗ trợ về thuế như miễn giảm thuế, lùi thời hạn nộp thuế, cần phân loại, phân biệt để tránh bị lợi dụng. Ngành lữ hành là một trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nhất, do đó, cần được phân loại theo từng nhóm bị ảnh hưởng để có chính sách hỗ trợ phù hợp.
Doanh nghiệp như bệnh nhân, còn máy trợ thở là Chính phủ
Ông Trần Anh Vương, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư BVG.
Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là gói hỗ trợ về tài khoá, tiền tệ rất kịp thời và có hiệu lực ngay lập tức có thể tác động trực tiếp đến doanh nghiệp.
Cụ thể như Nghị định 41 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất được ban hành ngắn gọn, dễ hiểu và đặc biệt có thể đi ngay vào cuộc sống, bởi Thủ tướng sau khi ký ban hành đã giao ngay cho các bộ triển khai, chứ không yêu cầu các bộ ra thông tư hướng dẫn.
Có thể ngay trước mắt, giá trị hỗ trợ quy đổi theo số lượng tiền chưa phải là một con số quá lớn, nhưng sự hỗ trợ kịp thời đã mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp niềm tin mạnh mẽ vào sự quyết liệt của Chính phủ.
Chính sách đã có, vấn đề đặt ra giờ đây là việc triển khai thực thi nhanh chóng để có thể đến được với các doanh nghiệp. Thực tế là trước khi ban hành Nghị định 41 thì các động thái của ngân hàng dù đã có nhưng thực sự các doanh nghiệp vẫn chưa được hưởng lợi nhiều.
Sau khi Nghị định 41 ra đời thì cũng có một phần tác động tâm lý mạnh mẽ vào sự quyết tâm hơn của các ngân hàng thương mại. Nhờ đó mà doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn hỗ trợ thuận lợi hơn từ các ngân hàng.
Điều này cho thấy có thể ví như doanh nghiệp là bệnh nhân, còn máy trợ thở là Chính phủ. Nguồn oxy chính là tiền đến từ các chính sách tài khoá, tiền tệ, nguồn tiền hỗ trợ từ các ngân hàng.
Nguồn tiền tương tự như oxy, nếu cung cấp không đủ thì máy trợ thở có tốt đến mấy cũng khó có thể chữa được bệnh nhân trong lúc nguy ngập.
Mong gỡ vướng thủ tục cho các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).
Rất nhiều doanh nghiệp thủy sản đang gặp vướng mắc do bất cập liên quan đến quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài trên bao bì các lô thủy sản xuất khẩu.
Cụ thể, quy định hiện hành yêu cầu doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài với Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia (GS1) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn và đo lường chất lượng, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí.
Để có được đầy đủ các giấy tờ theo yêu cầu và hoàn tất được thủ tục đăng ký mã số mã vạch nước ngoài với GS1, doanh nghiệp có thể mất từ 20 - 30 ngày mới xuất được lô hàng do thông thường không chỉ có một mã hàng hoá.
Trong thời gian này, doanh nghiệp vẫn phải trả lãi suất vay ngân hàng cho nguồn vốn sản xuất lô hàng và các chi phí cho việc lưu kho, lưu bãi lô hàng đó.
Trong khi có rất nhiều đơn hàng xuất gấp đi châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan,... đòi hỏi cần hoàn tất lô hàng trong thời gian chưa đến 1 tuần.
Chưa kể, việc yêu cầu khách hàng phải cung cấp quá nhiều giấy tờ đang tạo ra khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp.
Chúng tôi mong Thủ tướng và các Bộ chuyên ngành sớm xem xét tháo gỡ bất cập nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, không tạo thêm các gánh nặng về thủ tục hành chính hay tạo ra các vướng mắc, ách tắc cho cộng đồng doanh nghiệp.