Sóng cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công
Phiên giao dịch đầu tháng 5, thị giá cổ phiếu C4G đã tăng tới 51% so với đầu tháng 4. Cùng mốc thời gian, thị giá cổ phiếu FCN tăng 11%, LCG tăng hơn 27% dù cho phiên đầu tháng 5 đang giảm sàn…
Đây đều là những cổ phiếu thuộc doanh nghiệp thường xuyên trúng thầu thi công các công trình giao thông trọng điểm.
Những ngày đầu tháng 4, giải ngân đầu tư công là chủ đề được nhắc đến nhiều hơn bao giờ hết trong giới đầu tư.
Bởi đây là giải pháp quan trọng, góp phần kích cầu đầu tư xã hội, hỗ trợ kinh tế phục hồi, ổn định, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài.
Yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra với các bộ, ngành làm sao phải giải ngân hết 700.000 tỷ đồng (tương đương 30 tỷ USD) trong năm 2020 đã được thị trường đón nhận rất tích cực. Hàng loạt công ty chứng khoán đưa ra báo cáo phân tích về các nhóm ngành, cổ phiếu kỳ vọng được hưởng lợi từ sự thúc đẩy giải ngân đầu tư công này.
Đây chính là lý do những cổ phiếu ngành xây dựng như C4G, FCN, LCG tăng mạnh và các cổ phiếu thuộc nhóm ngành vật liệu xây dựng (KSB, BMP, HPG, …), bất động sản khu công nghiệp (SZC, NTC, D2D, SZL…) thu hút dòng tiền.
Theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), ngành xây dựng sẽ phục hồi nhờ giải ngân mạnh đầu tư công năm 2020, cũng như quy định pháp lý mới về hợp đồng hợp tác công - tư (PPP) cho phép công ty xây dựng hạ tầng tư nhân có thể đấu thầu các dự án của nhà nước và được thanh toán bằng quỹ đất đối ứng tương xứng.
Thông tin tích cực tiếp tục đến với cổ phiếu nhóm ngành này, đặc biệt là các cổ phiếu có tên trong liên danh trúng thầu dự án đầu tư công.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư tại 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ hợp tác công - tư (PPP) sang đầu tư công. Dự kiến, các dự án sẽ được khởi công ngay trong quý III/2020, thay vì như kế hoạch trước đây là quý I/2021.
Thông tin mới nhất, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vừa ký quyết định phê duyệt kết quả sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, tổng chiều dài 43 km, thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Các liên danh nhà đầu tư trúng sơ tuyển tại dự án có tên nhiều doanh nghiệp như CTCP Tập đoàn Cienco4 (C4G), CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), CTCP Phát triển xây dựng và thương mại Thuận An, CTCP Licogi16 (LCG), CTCP FECON...
Việc trúng thầu các dự án mới đồng nghĩa các doanh nghiệp kể trên có thêm “đơn hàng” mới, đảm bảo công việc cũng như nguồn thu ổn định ít nhất trong giai đoạn cuối năm 2020 đến năm 2021.
Được biết, dự án thiết kế với quy mô 4 làn xe, vận tốc 100 km/h, tổng mức đầu tư dự kiến là 6.333 tỷ đồng (vốn hỗ trợ của Nhà nước là 2.003 tỷ đồng, vốn tư nhân là 4.330 tỷ đồng), thời gian hoàn vốn là 24 năm.
Cần chờ thêm thông tin về dự án đầu tư
Dẫu vậy, để tìm kiếm được cơ hội đầu tư tốt cho năm 2020, các chuyên gia phân tích cho rằng, cần chờ đợi thêm các thông tin trúng thầu các dự án đầu tư công kể trên, cũng như năng lực thi công, năng lực thu xếp nguồn vốn và triển khai của từng đơn vị.
Cũng cần lưu ý rằng, đặc thù của hoạt động xây dựng hạ tầng là thời gian thi công thường kéo dài, việc nghiệm thu, bàn giao được thực hiện từng phần… thường mất nhiều thời gian, và các đơn vị tham gia cũng đối mặt với áp lực nguồn vốn nếu dự án bị giải ngân chậm hơn so với tiến độ.
Ngoài ra, cạnh tranh trong đấu thầu cũng rất khốc liệt. Thông tin từ C4G cho biết một thực tế, nhiều doanh nghiệp giảm giá thầu quá thấp, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh. Năm 2019, các dự án đầu tư BT, BOT như Cầu Hiếu 2 - Nghĩa Đàn, thủ tục kéo dài nên khó khăn trong đầu tư.
Theo thông tin từ C4G, Công ty đang thực hiện nhiều dự án, như dự án cầu Sông Hiếu và đường hai đầu cầu theo hình thức BT (đã bàn giao cầu); đang phối hợp với các bộ phận liên quan công tác giải phóng mặt bằng và thủ tục liên quan để triển khai đầu tư giai đoạn 1.
C4G cho biết, dự án giãn kế hoạch đầu tư do Chính phủ chưa triển khai tuyến cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn (Lào).
Hiện C4G cũng đang tham gia các dự án chuẩn bị đầu tư như dự án cao tốc Bắc -Nam khi lọt vòng sơ tuyển cho 2 dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt cùng các dự án đầu tư khác như nút giao An Phú và cầu Thủ Thiêm 4 (TP.HCM), cao tốc Gò Dầu - Tây Ninh…
Năm 2020, C4G đặt kế hoạch tổng doanh thu 3.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng, cổ tức dự kiến 15%.
Trong khi đó, dù C4G đang duy trì được sắc xanh nhưng báo cáo tài chính quý I/2020 cho thấy, Công ty còn nhiều vấn đề tồn đọng trong hoạt động.
Đó là tình trạng vốn bị chiếm dụng khi khoản phải thu gia tăng lên 2.534 tỷ đồng, chiếm 34,4% tổng tài sản; vay nợ 3.678 tỷ đồng, tương đương 50% tổng tài sản.
Kết thúc quý I, C4G đạt 240 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 56% so với cùng kỳ 2019; lợi nhuận sau thuế đạt gần 19 tỷ đồng, giảm hơn 59% so với cùng kỳ.
Còn tại LCG, việc đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông ngoài mục tiêu thu lợi nhuận tài chính từ việc đầu tư thì còn đem lại nguồn công việc cho mảng xây dựng nhằm duy trì hoạt động tạo nguồn lợi nhuận ổn định và tạo nguồn tiền ngắn hạn hỗ trợ cho hoạt động đầu tư.
Tuy nhiên, LCG cho rằng, điểm bất cập là nguồn vốn đầu tư lớn và thời gian hoàn vốn kéo dài, các chính sách chưa ổn định dẫn đến tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực BOT không nhiều, nếu như không đi kèm các lợi nhuận xây lắp của dự án.
Phiên đầu tuần này, cổ phiếu LCG đã giảm sàn vì thông tin lợi nhuận quý I sụt giảm mạnh 71% so với cùng kỳ do thiếu hụt nguồn thu từ mảng bất động sản.
Tại FCN, nhiều kỳ vọng cổ phiếu sẽ phản ứng tích cực hơn nhờ “tác động kép” từ việc Hội đồng quản trị FCN gần đây đã thông qua phương án mua 6 triệu cổ phiếu để bình ổn giá.
Đồng thời, động thái mới của Quỹ Pyn Elite Fund mua vào 500.000 cổ phiếu FCN, nâng sở hữu từ 16,66% lên 17,08% vốn FCN, trở thành cổ đông lớn thứ 2 sau cổ đông Tập đoàn Raito Kogyo, Nhật Bản đang nắm giữ 18,34% vốn.
Ngoài ra, đơn vị này có thêm điểm cộng với nhà đầu tư nhờ danh sách các gói thầu mới của Công ty.
Trong tháng 3/2020, FCN có khoảng 650 tỷ đồng doanh số đến từ các dự án mới ký kết; trong đó, có 2 dự án doanh nghịêp tham gia với tư cách nhà thầu thi công hạ tầng là dự án cảng Vĩnh Tân tại Đồng Nai và dự án Khu công nghiệp cầu cảng Phước Đông, Long An.