Nếu cần thiết, có thể trình Quốc hội tăng bội chi

Báo cáo về tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam và các biện pháp trong thời gian tới vừa được Uỷ ban Kinh tế Quốc hội gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Nếu cần thiết, có thể trình Quốc hội tăng bội chi

Trong trường hợp cần thiết phải đề nghị Quốc hội cho phép tăng bội chi so với mức 3,44% GDP đã được Quốc hội dự toán, Uỷ ban Kinh tế tính đến khả năng cân đối ngân sách trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế.

Ba khả năng chặn suy thoái kinh tế

Tại báo cáo này, ngoài tình hình và chính sách ứng phó về kinh tế trước dại dịch Covid- 19, Uỷ ban Kinh tế còn đề cập kịch bản tăng trưởng và giải pháp trong thời gian tới.

Theo Uỷ ban Kinh tế, đến đầu tháng 5/2020 đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trong cộng đồng, tuy nhiên, kinh tế Việt Nam chỉ có thể hồi phục hoàn toàn khi các nước trên thế giới khống chế được dịch bệnh (nhất là những nước là đối tác thương mại đầu tư quan trọng của Việt Nam). Do vậy, các kịch bản kinh tế được đưa ra đều gắn với khả năng ngăn chặn dịch bệnh của các nước trên thế giới.

Một số tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, còn ở trong nước, đến nay, Chính phủ chưa đưa ra kịch bản cụ thể đối với tăng trưởng kinh tế năm 2020 cũng như việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác do tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số cơ quan, tổ chức cũng có những dự báo về GDP của Việt Nam năm 2020.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra các kịch bản cho nền kinh tế được xây dựng dựa trên những dự báo về dịch Covid-19 sẽ kéo dài tới hết quý 2 và hết quý 3/2020 với dự báo tăng trưởng GDP giảm tương ứng còn 5,3% và khoảng 5%. Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV đưa ra 3 kịch bản theo hướng Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh từ quý 2/2020 (kịch bản cơ sở), thế giới kiểm soát được đại dịch vào quý 3/2020 (kịch bản tích cực) và thế giới không được kiểm soát đến hết quý 3 (kịch bản tiêu cực), theo đó, GDP Việt Nam năm 2020 giảm tương ứng còn 4,81 - 5,01%, 5,4 - 5,6% và 4,07 - 4,42%. Ban Kinh tế Trung ương cũng đưa ra dự báo theo 3 kịch bản (lạc quan, trung tính, bi quan), với dự báo GDP Việt Nam tương ứng khoảng 5,25% - 3,9% và 2,9%.

Uỷ ban Kinh tế cho rằng, nền kinh tế Việt Nam dù thuộc kịch bản nào, thì khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% và một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2020 là thách thức rất lớn. Tuy nhiên, niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế sau khi đại dịch được kiểm soát cũng rất rõ ràng . Việt Nam có thể chặn được suy thoái kinh tế nhờ: khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh lây lan trên diện rộng; chính sách kích thích kinh tế kịp thời, điều chỉnh chính sách tiền tệ, thuế quan linh hoạt; năng lực kháng chịu của nền kinh tế trước cú sốc tương đối tốt với mức nợ thấp, dữ trữ ngoại hối được tăng cường.

Tăng đầu tư công là biện pháp hữu hiệu

Về giải pháp thời gian tới, Uỷ ban Kinh tế cho rằng trong tổ chức thực hiện các gói hỗ trợ sản xuất cần ban hành ngay các hướng dẫn, tiêu chí để có cơ sở rà soát, xác định đúng đối tượng hưởng lợi của gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, nhất là các đối tượng khó xác định như lao động tự do.

Bên cạnh đó là giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế đất; giãn, hoãn tiến độ nộp các khoản thuế, bảo hiểm xã hội, phí, lệ phí; miễn, giảm các khoản phải nộp theo thẩm quyền và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 đối với những biện pháp giảm thuế, phí và thu ngân sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Giải pháp tiếp theo là khẩn trương hướng dẫn triển khai các chương trình hỗ trợ về tín dụng để bảo đảm tính nhất quán và doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn kịp thời. Thực hiện có hiệu quả chính sách giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp (bao gồm cả khoản vay mới và khoản vay hiện hữu).

Trong điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp, khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 còn có thể kéo dài, cần phân bổ và sử dụng nguồn lực một cách hợp lý để kích thích, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, Uỷ ban Kinh tế nêu quan điểm.

Cơ quan chủ trì thẩm tra các vấn đề kinh tế cũng nhấn mạnh cần kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiềm chế lạm phát, ổn định tài chính, tiền tệ và hệ thống ngân hàng. Không điều chỉnh tăng giá và thực hiện giảm giá khi có điều kiện đối với giá các mặt hàng thiết yếu và chịu sự quản lý của Nhà nước trong năm 2020.

Tranh thủ tối đa mặt thuận của giá dầu thấp trong điều hành kinh tế vĩ mô, tài khóa – tiền tệ để hỗ trợ sản xuất, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt là các doanh nghiệp chịu tác động lớn như trong lĩnh vực hàng không, du lịch, dệt may, da giày, logistic, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh… theo hướng trước mắt hỗ trợ ngay việc giảm chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.

Dịch bệnh khiến các kênh đầu tư khác giảm sút, do vậy đầu tư công, với số vốn có sẵn gần 700 nghìn tỷ đồng và có thể tăng thêm, là biện pháp hữu hiệu để kích thích nền kinh tế phục hồi, Uỷ ban Kinh tế nhận định.

Trong bối cảnh này, theo cơ quan của Quốc hội, cần cân đối lại các khoản chi ngân sách, thực hiện đúng nguyên tắc “trường hợp giảm thu phải giảm chi tương ứng”. Trong trường hợp cần thiết phải đề nghị Quốc hội cho phép tăng bội chi so với mức 3,44% GDP đã được Quốc hội dự toán, đàm phán, tiếp cận một số khoản vay có chi phí thấp từ các tổ chức quốc tế để góp phần giảm áp lực vay trong nước.

Nguyễn Lê
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục