Hội nghị Trung ương Trung Quốc họp kín 4 ngày giữa bộn bề thách thức

Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nước này đang đối mặt với nhiều thách thức, từ tác động của chiến tranh thương mại với Mỹ, kinh tế phát triển chậm nhất trong nhiều năm qua tới cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài tại Hong Kong.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm nay đưa tin, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 4 khóa XIX sẽ diễn ra từ ngày 28-31/10.

Hơn 300 đại biểu chính thức và dự khuyết sẽ tham gia các cuộc họp kín trong 4 ngày để thảo luận cách thức tăng cường sự lãnh đạo và hệ thống quản trị nhà nước.

Đây là cuộc toàn thể đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc trong gần 20 tháng qua, khoảng cách lâu nhất giữa 2 hội nghị trong những thập niên gần đây.

Theo Bưu diện Hoa nam Buổi sáng, khoảng cách trên - mà một số nhà quan sát xem là sự trì hoãn - đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về sự bất đồng trong nội bộ đảng, trong bối cảnh nước này đang gặp nhiều khó khăn do tác động từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, kinh tế phát triển chậm lại và cuộc khủng hoảng chính trị tại Hong Kong.

Vào mùa xuân năm ngoái, một hội nghị bổ sung đã được tổ chức ngay trước kỳ họp thường niên của quốc hội Trung Quốc để các nhà lãnh đạo của đảng phê chuẩn một sửa đổi hiến pháp nhằm bỏ giới hạn nhiệm kỳ cho vị trí chủ tịch nước.

Hội nghị tuần tới sẽ là dịp để Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra các chính sách nhằm hoạch định đường hướng tương lai của đất nước.

Chương trình nghị sự chính là “thảo luận các vấn đề quan trọng liên quan tới việc làm thế nào để duy trì và tăng cường hệ thống xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc và đạt tiến triển trong việc hiện đại hóa năng lực và hệ thống quản trị nhà nước”.

Tuyên bố từ cuộc họp của Bộ Chính trị Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 24/10 cho biết việc hiện đại hóa quản trị nhà nước cần nhằm cải thiện các thể chế và hệ thống để hỗ trợ chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc. Tuyên bố cũng đưa ra các mốc quan trọng từ bây giờ tới năm 2049 để đạt được mục tiêu đó.

Hội nghị Trung ương dự kiến sẽ tiết lộ những thay đổi đối với tư cách thành viên của các đại biểu, với hai thành viên dự khuyết sẽ được bổ sung vào các vị trí trống.

Cựu chủ tịch ủy ban chứng khoán Trung Quốc Lưu Sỹ Dư, người bị điều tra tham nhũng, và ông Trịnh Hiểu Tùng, người đứng đầu văn phòng liên lạc của Trung Quốc tại Macau chết do bị ngã hồi năm ngoái, dự kiến sẽ được thay thế bằng ông Ma Zhengwu, chủ tịch tập đoàn quản lý tài sản nhà nước Chengtong Group, và Chuẩn đô đốc hải quân Ma Weiming.


Theo dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục