Vụ án này xảy ra từ năm 2010, nhưng đến năm 2016, các đối tượng bị bắt theo lệnh truy nã. Năm 2016, cơ quan điều tra phục hồi quyết định khởi tố bị can, chuyển tội danh từ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sang tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Quá trình xét xử làm rõ, năm 2009, Công ty Gia Lộc ký hợp đồng với Chi nhánh Xây lắp dầu khí Hà Nội – Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam. Hợp đồng có nội dung về việc thuê thiết bị thi công công trình san lấp mặt bằng khu vực nhà máy thuộc Dự án Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn giai đoạn 1. Mặc dù hợp đồng đã thực hiện xong và không được gia hạn, Công ty Gia Lộc không được thi công, song Thiều Thị Bản tìm đối tác nhận thầu san lấp mặt bằng dự án giai đoạn 2.
Do được Giám đốc ủy quyền sử dụng con dấu Công ty, Thiều Thị Bản ký hợp đồng hợp tác liên doanh với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thương mại Thịnh An do ông Đỗ Danh Khánh làm Giám đốc. Điều kiện kèm theo là Công ty Thịnh An phải nộp tiền bảo lãnh 1 tỷ đồng.
Ngày 8/9/2009, hai bên ký kết hợp đồng nội dung san lấp mặt bằng dự án, từ cốt +3,5m đến +6,1m; cam kết ngày 30/11/2009 sẽ ký kết hợp đồng chính thức liên doanh nhận thầu.
Thực chất, Công ty Thịnh An không có chức năng san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, để hưởng 2% giá trị hợp đồng, Công ty Thịnh An ký hợp đồng hợp tác thi công với Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Toàn Đức. Tin tưởng, Công ty Toàn Đức nhận thầu san lấp giai đoạn 2 dự án, với khối lượng đất san lấp là 1 triệu m3, giá trị hợp đồng tạm tính là 80 tỷ đồng.
Công ty Toàn Đức nộp cho Công ty Thịnh An 1 tỷ đồng tiền bảo lãnh hợp đồng.
Đến hạn, Công ty Toàn Đức không được triển khai thi công vì thực tế, Công ty Gia Lộc không được nhận thầu dự án nên các hợp đồng hợp tác và liên danh đều không được thực hiện.
Mặt khác, cùng thời điểm trên, Công ty Gia Lộc ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại Nam Việt san lấp mặt bằng Cụm công nghiệp cầu cảng Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, trị giá 78,4 tỷ đồng.
Theo thỏa thuận, Công ty Gia Lộc có trách nhiệm đầu tư tài chính ban đầu. Ngày 12/11/2009, Thiều Thị Bản, đại diện Công ty Gia Lộc đã ký hợp đồng liên danh với Công ty Thịnh An thực hiện san lấp mặt bằng. Khi kiểm tra thực trạng thi công, Công ty Thịnh An phát hiện dự án thi công chậm nên quyết định rút lui khỏi dự án trên.
Qua xác minh, Công ty Nam Việt cho biết, quá trình thực hiện hợp đồng trên sau 1 tháng, Công ty Gia Lộc đã tự ý tạm dừng thi công. Công ty chỉ giao dịch với Nguyễn Gia Tự, không biết, không giao dịch với Thiều Thị Bản.
Ông Đỗ Danh Khánh cho biết, trước khi ký hợp đồng, Bản và Tự khẳng định, Công ty sẽ được thi công công trình. Sau khi đi thực địa, ông tin tưởng nên ký hợp đồng và nộp 3 tỷ đồng. Trong đó, có khoản 1,5 tỷ đồng là tiền chi phí cho Công ty Gia Lộc, nhưng không có phiếu thu.
Quá trình giao dịch, Thiều Thị Bản đã trả lại cho ông 50 triệu đồng. Tuy nhiên, do không có giấy tờ về số tiền trên nên cơ quan điều tra chỉ xem xét việc Thiều Thị Bản và Nguyễn Gia Tự có hành vi gian dối, chiếm đoạt của ông số tiền 1,5 tỷ đồng.
Bị cáo Thiều Thị Bản khai nhận, việc ký hợp đồng và nhận tiền của Công ty Thịnh An do tin tưởng Giám đốc Nguyễn Gia Tự. Bị cáo Nguyễn Gia Tự cho Bản xem hợp đồng thể hiện Công ty được ký hợp đồng san lấp mặt bằng giai đoạn 2 với chủ đầu tư.
Về phần dân sự, Công ty Toàn Đức yêu cầu Công ty Thịnh An phải có trách nhiệm trả lại 1 tỷ đồng.
Ngoài mức hình phạt trên, Hội đồng xét xử cũng tuyên phạt các bị cáo có nghĩa vụ bồi thường số tiền chiếm đoạt 1,5 tỷ đồng.