Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trăn trở với mục tiêu tập hợp sếu đầu đàn

0:00 / 0:00
0:00
Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam gồm 21 thành viên đầu tiên là đại diện các doanh nghiệp đầu ngành Việt Nam.
Cuộc họp đầu tiên của Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam tại Hạ Long, sáng 8/3/2024 Cuộc họp đầu tiên của Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam tại Hạ Long, sáng 8/3/2024

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Công ty vàng bạc đá quý PNJ, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái... có nhiều trăn trở trong cuộc làm việc đầu tiên của Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, kể từ khi ra mắt cách đây gần một năm, vào ngày 26/4/2023 - nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

“Khi tham gia Hội đồng này, mỗi thành viên đều thấy áp lực”, ông Trần Bá Dương, đồng Chủ tịch Hội đồng chia sẻ.

Một mặt, các doanh nhân sẽ phải phát triển tốt doanh nghiệp của mình, một mặt phải là tấm gương của doanh nghiệp hàng đầu trong thúc đẩy, phát triển cộng đồng doanh nghiệp, tham gia tham vấn chính sách để có môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, để có thêm nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong các ngành, lĩnh vực.

Tuy nhiên, chia sẻ với các thành viên tham gia cuộc họp đầu tiên của Hội đồng, ông Trần Bá Dương cũng cho rằng, áp lực này cũng là động lực để các doanh nhân nhìn nhận trách nhiệm, vai trò của mình. Nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế buộc các doanh nghiệp phải xác định rõ yêu cầu của cạnh tranh, hợp tác và cùng phát triển, yêu cầu liên kết trong phát triển sẽ rất quan trọng.

“Từng doanh nghiệp sẽ nhìn nhận rõ thế mạnh của mình, xác định phải điều chỉnh thế nào, làm gì để tồn tại và phát triển trong bối cảnh hội nhập. So với nhiều nước, các hiệp hội, doanh nghiệp của chúng ta chưa có được những cam kết chặt chẽ, hợp tác trong làm ăn... Nên chăng, Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam xác định rõ trách nhiệm xây dựng được các doanh nghiệp đầu ngành”, ông Dương chia sẻ với các thành viên đầu tiên của Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Trước đó, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng là đồng Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh, việc tổ chức hoạt động của Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam nằm trong chủ trương, đường lối của Đảng. Ông nhắc đến mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam của Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong đó, xác định phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn...

“Thực hiện mục tiêu này là trách nhiệm, sứ mệnh của Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam", ông Công nhấn mạnh.

Ngay từ khi ra đời, tầm nhìn và sứ mệnh của Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu được xác định là phát triển các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam làm các trụ cột trong xây dựng cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia thịnh vượng. Hội đồng là có sứ mệnh tập hợp, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, hình thành đội ngũ doanh nghiệp dẫn dắt các ngành, góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế.

Theo các thành viên, nhiệm vụ quan trọng và được ưu tiên của Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam nghiên cứu, đề xuất các chính sách mới, mang tính đột phá để hình thành, phát triển lực lượng doanh nghiệp dân tộc hàng đầu quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp nói chung...

Theo quy chế đang được thành viên Hội đồng thảo luận, thành viên Hội đồng là các doanh nghiệp có vị thế, thuộc nhóm 10 doanh nghiệp của một số ngành, lĩnh vực kinh doanh. Nếu doanh nghiệp hoạt động đa ngành thì có ít nhất 1 ngành nằm trong top 10. Đây cũng phải là có quy mô doanh nghiệp lớn, đáp ứng các tiêu chí cụ thể về vốn chủ sở hữu, doanh thu, lợi nhuận, lao động...

Đặc biệt, Hội đồng hướng tới các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề có vai trò quan trọng trong nền kinh tế hoặc đối với đời sống nhân dân, đồng thời là các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia gánh vác trách nhiệm dẫn dắt đối với sự phát triển của ngành, là các doanh nghiệp kinh doanh tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm xã hội.

Cá nhân người lãnh đạo đại diện doanh nghiệp tham gia Hội đồng phải có uy tín tốt trong ngành, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, gương mặt trong thực hiện 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam.

Hội đồng là cơ quan của Ban chấp hành VCCI, có chức năng tập hợp, liên kết, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp lớn, đầu ngành Việt Nam, mở rộng mối quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế, phát huy vai trò của các doanh nghiệp đầu ngành trong phát triển cộng đồng doanh nghiệp và góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.

Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam gồm 21 thành viên đầu tiên là đại diện các doanh nghiệp đầu ngành Việt Nam

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Chủ tịch Tập đoàn Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch FPT Trương Gia Bình là 3 đồng Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Hội đồng được thành lập trên cơ sở Nhóm công tác Doanh nghiệp đầu ngành đã được Ban Chấp hành VCCI thành lập từ ngày 26/5/2022, do ông Trần Bá Dương làm Trưởng Nhóm.

Các doanh nghiệp thành viên đầu tiên gồm BIDV, BRG, Geleximco, VNPT, Tập đoàn TH, Tập đoàn Phú Thái, Tập đoàn Công nghiệp Cao su VIệt Nam, PNJ, CMC, Tổng công ty Kinh Bắc, Tập đoàn Doji, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần Đồng Tâm, Viettravel, Hanel, Tập đoàn TBS...

Khánh Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục