Hoạt động sản xuất tại các nhà máy châu Á suy giảm do cung, cầu yếu hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoạt động của các nhà máy sản xuất ở châu Á tiếp tục suy yếu trong tháng 7 trong bối cảnh chuỗi cung ứng phức tạp kéo dài và nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Hoạt động sản xuất tại các nhà máy châu Á suy giảm do cung, cầu yếu hơn

Theo S&P Global, chỉ số sản xuất (PMI) của Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong tháng 7.

Chỉ số PMI tháng 7 của Hàn Quốc giảm xuống 49,8 từ mức 51,3 trong tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020. Các đơn đặt hàng mới giảm và suy yếu nhiều nhất trong gần 2 năm, trong khi khối lượng đầu ra giảm với tốc độ nhanh nhất trong 9 tháng do thiếu nguyên liệu và chi phí tăng.

Chỉ số PMI tháng 7 của một số quốc gia châu Á.

Chỉ số PMI tháng 7 của một số quốc gia châu Á.

Chỉ số PMI của Đài Loan (Trung Quốc) trong tháng 7 đã giảm xuống 44,6 từ 49,8 trong tháng 6, trong khi sản lượng giảm xuống 40,2 từ 45,9 vào tháng 6. Chỉ số PMI, sản lượng và đơn đặt hàng mới ở mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020.

Annabel Fiddes, Giám đốc kinh tế của S&P Global Market Intelligence cho biết: “Các công ty sản xuất ở Đài Loan đã vẽ nên một bức tranh ngày càng ảm đạm về điều kiện kinh tế vào đầu quý III. Sản lượng và hoạt động kinh doanh mới đều giảm với tốc độ mạnh nhất kể từ giai đoạn đầu của đại dịch vào tháng 5/2020 và điều này thường liên kết với điều kiện kinh tế toàn cầu yếu hơn”.

Dữ liệu mới đây cũng cho thấy hoạt động nhà máy của Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 7, đảo ngược đà kinh tế đang hồi phục trước đó khi các đợt bùng phát Covid-19 lẻ tẻ ảnh hưởng đến sự phục hồi. Chỉ số PMI đã giảm xuống 49 trong tháng 7 từ 50,2 trong tháng 6, thấp hơn so với ước tính trung bình 50,3 trong một cuộc khảo sát của Bloomberg về các nhà kinh tế trước đó.

Một thước đo khu vực tư nhân cũng cho thấy sụt giảm trong hoạt động sản xuất mới khi chỉ số sản xuất Caixin Media và IHS Markit PMI của Trung Quốc giảm từ 51,7 xuống 50,4 trong tháng 7 do các đơn đặt hàng mới giảm.

Sự trượt dốc của các cường quốc xuất khẩu ở châu Á là một lời cảnh báo rõ ràng về việc nhu cầu toàn cầu đang hướng đến đâu khi các ngân hàng trung ương đang nhanh chóng tăng chi phí đi vay để kiểm soát lạm phát tăng vọt. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong tuần trước đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu và cảnh báo về nguy cơ suy thoái gia tăng.

Ở những quốc gia khác trong khu vực, chỉ số PMI trong tháng 7 của Việt Nam, Philippines và Nhật Bản đã giảm, trong khi Thái Lan và Indonesia tăng.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục