Các nhà phân tích cũng cảnh báo các nhà đầu tư không nên kỳ vọng vào một điểm uốn (inflection point) đối với đồng đô la vì bất kỳ sự sụt giảm nào của đồng đô la đều có khả năng tạm dừng để tiếp tục duy trì xu hướng tăng.
Các nhà phân tích cũng tái khẳng định quan điểm rằng, tài sản của Trung Quốc sẽ ít chịu tác động của việc Mỹ tăng lãi suất hơn, trong khi Ấn Độ và Đông Nam Á dễ bị tổn thương hơn.
Hôm thứ Tư (27/7), các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản và dự đoán lãi suất "sẽ tiếp tục tăng" nhưng không đưa ra hướng dẫn cụ thể về mức độ thắt chặt sẽ đi đến đâu. Chứng khoán Mỹ tăng điểm và đồng đô la suy yếu sau quyết định này.
Marvin Loh, chiến lược gia vĩ mô cấp cao tại State Street Global Markets cho biết: “Còn quá sớm để báo hiệu tất cả đều rõ ràng”.
Dưới đây là một số nhận xét về diễn biến tiếp theo đối với thị trường châu Á:
Luôn phòng thủ
Dwyfor Evans, Trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại State Street Global Markets cho biết: “Ở châu Á, chúng tôi vẫn đang trong chế độ phòng thủ, một phần là do thắt chặt chính sách, nhưng cũng có bối cảnh dòng vốn tiêu cực. Đối với chứng khoán, chúng tôi có những lo ngại về tăng trưởng đối với Hàn Quốc và có quan điểm tích cực về thị trường Đài Loan nhờ lợi nhuận cao, nhưng chúng tôi cũng phòng hộ rủi ro trước đồng TWD và vẫn thiên về đồng USD dài hạn so với các đồng tiền châu Á”.
Hartmut Issel, người đứng đầu bộ phận tín dụng và cổ phiếu khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại UBS Wealth Management cho biết: “Trong 6 tháng tới, tôi chắc chắn đồng ý rằng, cần phải có một chút loại tài sản phòng thủ trên khắp châu Á. Khu vực có thể sẽ làm theo hầu hết những gì Mỹ đã làm trong điều kiện thắt chặt hơn”.
Thị trường tín dụng châu Á
Theo Thu Ha Chow, người đứng đầu khu vực thu nhập cố định châu Á tại Robeco Singapore, các tài sản rủi ro, bao gồm cả tín dụng châu Á có thể được hưởng lợi khi thị trường thu nhập cố định có thể được ưa chuộng trở lại.
“Với chênh lệch lợi suất mở rộng gần đây trên thị trường tín dụng châu Á, chúng tôi nhận thấy giá trị của một số công ty phát hành lãi suất cao của Ấn Độ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, thép và viễn thông. Chúng tôi cho rằng, những ngành này có khả năng chống chịu tốt hơn trước suy thoái kinh tế nhưng cũng có khả năng tăng giá. Chúng tôi tiếp tục thận trọng đối với các nhà phát hành trái phiếu là chính phủ, đặc biệt là các quốc gia thị trường cận biên”, Thu Ha Chow nói.
Khu vực ASEAN phục hồi
Tai Hui, chiến lược gia thị trường khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại J.P. Morgan Asset Management cho biết: “Việc các nhà đầu tư bắt đầu thấy chu kỳ tăng giá sẽ kết thúc có thể khiến chúng ta lạc quan. Điều này được phản ánh bởi các cổ phiếu tăng trưởng vượt trội so với các cổ phiếu giá trị. Lợi suất trái phiếu cũng giảm với đường cong lợi suất phẳng hơn. Chúng tôi kỳ vọng điều này cũng sẽ tích cực đối với các tài sản châu Á nói chung với tiềm năng cải thiện khẩu vị rủi ro trong ngắn hạn. Chúng tôi vẫn lạc quan về câu chuyện phục hồi trong nước ở châu Á, đặc biệt là ASEAN”.
Câu chuyện Trung Quốc
Jian Shi Cortesi, Giám đốc đầu tư tại GAM Investment Management ở Zurich cho biết, Trung Quốc ít bị tổn thương hơn trước các đợt tăng lãi suất của Mỹ.
“Đối với Trung Quốc, chúng tôi coi các chính sách trong nước là động lực quan trọng hơn nhiều so với lãi suất của Mỹ. Ấn Độ dễ bị tổn thương bởi lãi suất cao hơn của Mỹ, điều này có thể dẫn đến dòng vốn chảy ra ngoài, làm giảm giá đồng rupee của Ấn Độ, kéo dài lạm phát nhập khẩu và thúc đẩy nhiều đợt tăng lãi suất trong nước. Các thị trường Đông Nam Á có xu hướng hoạt động kém hơn trong các chu kỳ tăng lãi suất”, theo Jian Shi Cortesi.
Đồng yên
“Đối với USD/JPY, chúng tôi cho rằng cặp tỷ giá này đang tìm thấy vùng thoải mái trong khoảng 135 - 140”, các chiến lược gia của TD Securities cho biết.
Đồng thời, các chiến lược gia này cho biết thêm: “Cặp tỷ giá này vẫn nhạy cảm với việc định giá lãi suất cuối cùng của Fed, nhưng các quan chức vẫn chưa xác định được nơi mà cuối cùng có thể hạ cánh. Chúng tôi không nghĩ rằng có rủi ro giảm giá đáng kể do bối cảnh chênh lệch tỷ giá vẫn có lợi cho USD. Đối với đồng đô la, chúng tôi nghĩ rằng nó thích hợp để áp dụng một lập trường trung lập vào lúc này. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng đây là một đồng đô la tạm dừng xu hướng tăng hơn là một điểm uốn".
Hàn Quốc phục hồi
Heo Pil-Seok, Giám đốc điều hành tại Midas International Asset Management ở Seoul cho biết: “Sẽ có một chút cải thiện trong tâm lý nhà đầu tư và bất kỳ sự phục hồi nào sẽ không bền vững trong dài hạn. Tốt nhất đây sẽ là một đợt phục hồi ngắn vì kết quả lợi nhuận doanh nghiệp quý II không cao và quý III thậm chí có thể tồi tệ hơn với bộ dữ liệu kinh tế vĩ mô còn xấu hơn nữa”.
Rủi ro tỷ giá các thị trường mới nổi
Nancy Davis, người sáng lập và quản lý danh mục đầu tư tại Quadratic Capital Management cho biết: “Đồng đô la mạnh và tỷ giá cao hơn ở Mỹ có xu hướng khiến đồng tiền quốc gia mới nổi giảm giá. Điều đó có thể là tiêu cực đối với các quốc gia châu Á có khoản nợ bằng USD cao nhưng lại có lợi cho các quốc gia có xuất khẩu mạnh vì những quốc gia đó sẽ có xu hướng cạnh tranh hơn".