Theo một nhà quản lý trong lĩnh vực tiền tệ, trong nửa cuối năm 2014, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) giữa các công ty tài chính sẽ được đẩy mạnh bên cạnh M&A của các tổ chức tín dụng. Nhưng khác với ngân hàng, M&A các công ty tài chính sẽ nhanh chóng kết thúc vào cuối năm. Bởi lẽ, quy mô công ty tài chính thường nhỏ, vốn điều lệ chỉ từ 500 - 1.000 tỷ đồng, quy mô nhân sự chỉ bằng một chi nhánh của ngân hàng. Trong khi đó, theo kế hoạch của NHNN, trong năm nay sẽ tiến hành tái cơ cấu toàn bộ các công ty tài chính để tạo ra các định chế cho vay tiêu dùng lành mạnh hơn. Vì thế, việc các ngân hàng mua lại công ty tài chính và chuyển đổi thành công ty cho vay tiêu dùng nhằm hiện thực hóa chiến lược bán lẻ sẽ “nóng” dần.
“Bản chất của các công ty tài chính trước đây, vốn huy động không có, trong khi cho vay chủ yếu là trung, dài hạn. Do đó, các công ty tài chính sẽ khó có thể duy trì hoạt động, mà phải bán lại cho ngân hàng để tái cấu trúc chuyển thành công ty cho vay tiêu dùng”, vị lãnh đạo trên nói.
Thực tế thời gian qua cho thấy, đã có không ít ngân hàng mua lại công ty tài chính để hiện thực hóa chiến lược bán lẻ như: HDBank mua lại SGVF, VPBank mua lại Công ty tài chính Vinacomin. Ngoài ra, SHB, MaritimeBank cũng lên kế hoạch mua lại công ty tài chính trong thời gian tới.
Khi mua lại các công ty tài chính, các ngân hàng sẽ tận dụng được nguồn vốn huy động để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ. Tiềm năng để phát triển tín dụng tiêu dùng nhỏ lẻ của thị trường hiện nay còn khá lớn.
Lãnh đạo HDBank cho biết, sau khi mua lại SGVF và sáp nhập thêm DaiA Bank, Ngân hàng đã đẩy mạnh tái cấu trúc, sắp xếp lại và đẩy mạnh hoạt động cho vay nhỏ lẻ.
Ông Maxim Chernuschenko, Giám đốc Khối Tín dụng tiêu dùng kiêm Phó giám đốc VPBank Chi nhánh TP. HCM cho biết, từ đầu năm, Ngân hàng đã gia tăng mức dư nợ tín dụng lên gần 27% và đạt được hơn 6.800 tỷ đồng. Theo ông Maxim, trong bất cứ giai đoạn nào của nền kinh tế, tín dụng tiêu dùng có vai trò kích cầu và thúc đẩy tiêu thụ. Đặc biệt với Việt Nam, một nước có dân số trẻ, có rất nhiều nhu cầu và cơ hội để phát triển lĩnh vực này. Đối với người dân, tín dụng tiêu dùng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, hỗ trợ tài chính phục vụ cho việc mua sắm, du lịch, giáo dục và nhiều nhu cầu cấp thiết khác. Ở góc độ doanh nghiệp, tín dụng tiêu dùng giúp các doanh nghiệp địa phương nâng cao doanh số thông qua các chương trình liên kết bán hàng hấp dẫn.
Lợi nhuận kỳ vọng từ các công ty tài chính là khá lớn, do chênh lệch giữa lãi suất cho vay tiêu dùng và huy động hiện nay lên đến 5 - 6%/năm nên dự báo tiếp tục có nhiều ngân hàng mua lại công ty tài chính để đẩy mạnh chiến lược bán lẻ.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay, chi phí quản lý đối với cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ có thể gấp 3 lần đối với hoạt động bán sỉ, nhưng tỷ suất sinh lời rất lớn, trong khi rủi ro phân tán. Thực tế, có những sản phẩm đạt tỷ suất sinh lời 30 - 40%, bởi chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay đối với khách hàng cá nhân rất lớn, trong khi chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay đối với doanh nghiệp chỉ có 2 - 2,5%/năm, thậm chí phải cho vay dưới giá trước tình hình tín dụng hầu như không tăng trưởng hiện nay.
Trong năm qua, HDFinance (được HDBank chuyển từ SGVF) đóng góp 79 tỷ đồng lợi nhuận vào tổng lợi nhuận 396 tỷ đồng trước thuế sau khi trích lập dự phòng của HDBank. Chiến lược của HDFinance là tiếp tục đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy, nhu cầu vốn tiêu dùng của người dân Việt Nam rất lớn, nhưng để “gõ” được cửa ngân hàng vay tiêu dùng là điều xa vời đối với những những người lao động phổ thông như công nhân, trong khi đó, các công ty tài chính đang tấn công mạnh vào các đối tượng khách hàng này. Chẳng hạn, Home Credit cho vay với món nhỏ, thậm chí 5 - 10 triệu đồng, nhưng hiệu quả thu lại rất lớn, nhờ lãi suất cao. Con số lợi nhuận trước thuế hơn 700 tỷ đồng của Home Credit trong năm qua là khá ấn tượng khi so với kết quả lợi nhuận của nhiều ngân hàng thương mại trong nước.
Tại Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu cho phép đối với các công ty tài chính được giới hạn ở mức 8%. Giới hạn này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo tính ổn định và tăng trưởng bền vững của ngành tài chính. Theo lãnh đạo một công ty tài chính, đối với ngân hàng, khi tỷ lệ nợ xấu 4 - 5% tổng dư nợ đã có khả năng đối mặt với rủi ro cao. Ngược lại, với cho vay tiêu dùng, khi con số này tăng lên 15%, công ty tài chính vẫn hoạt động tốt.
Mua lại công ty tài chính là cơ hội tăng trưởng đối với ngân hàng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ngân hàng cũng phải thận trọng khi chạy đua mua lại công ty tài chính nhằm đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, hiện thực hóa chiến lược ngân hàng bán lẻ, vì rủi ro nợ xấu sẽ gia tăng. Số liệu đưa ra từ NHNN Chi nhánh TP. HCM cho biết, đến cuối năm 2013, nợ xấu của khối công ty tài chính, cho thuê tài chính cao nhất hệ thống, lần lượt là 21,96% và 37,53%.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cho rằng, việc các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng hiện nay là giải pháp để góp phần kích cầu, nhưng cũng phải thận trọng. Số liệu của NHNN Chi nhánh TP. HCM cho thấy, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 6/2014 chiếm 4,84% tổng dư nợ. Trong đó, nợ xấu lĩnh vực phi sản xuất chiếm khoảng 25% tổng dư nợ và nợ xấu trong các khoản vay tiêu dùng vẫn lớn.