M&A được hiểu đúng bản chất là một hoạt động bình thường trong đời sống kinh tế, là một phương thức để phát triển, tái cơ cấu doanh nghiệp, thâm nhập hay rời bỏ thị trường của một ông chủ nào đó…, thay vì chỉ là những thương vụ có phần bí ẩn mà bên mua lại hay thâu tóm doanh nghiệp thường ở trong bóng tối.
Có một số xu hướng M&A chủ đạo thời gian gần đây. Thứ nhất là mua lại doanh nghiệp để tăng trưởng về quy mô, phát triển ngành hàng mới như Massan mua cổ phần của Vinacafe Biên Hòa, Vĩnh Hảo; PAN mua lại các công ty trong ngành nông nghiệp, thủy sản… Thứ hai là mua bán các dự án bất động sản diễn ra với số lượng tương đối lớn. Theo đó, các chủ đầu tư muốn rút chân khỏi lĩnh vực bất động sản, sẽ bán dự án cho bên mua là những chủ đầu tư bất động sản có thương hiệu, có năng lực triển khai dự án hoặc các chủ đầu tư khác có tiềm lực tài chính. Xu hướng M&A phổ biến thứ ba có tính chất phục vụ “sửa sai”. Trước đây, nhiều doanh nghiệp tham gia góp vốn lẻ tẻ ở nhiều doanh nghiệp khác thì nay thực hiện tái cơ cấu, phải bán phần vốn góp ở các doanh nghiệp ngoài ngành kinh doanh chính hay hoạt động không hiệu quả, hoặc mua thêm vốn để nắm quyền chi phối ở những doanh nghiệp cần thiết.
Sau năm 2013, trong báo cáo thường niên của nhiều doanh nghiệp khẳng định, M&A đã đóng góp vào tăng trưởng và phát triển, góp phần không nhỏ trong kết quả kinh doanh của năm. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp cho biết, sẽ thực hiện M&A trong thời gian tới nhằm đạt mức tăng trưởng cao trong trung và dài hạn.
Trong giai đoạn 2008 - 2013, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam có sự tăng trưởng nhanh, từ mốc 1 tỷ USD lên mốc 5 tỷ USD. Hiện tại, nhu cầu M&A trên thị trường vẫn đang rất cao ở cả bên cung và cầu. Thị trường khó khăn, áp lực cạnh tranh tăng cao là động lực thúc đẩy cung M&A gặp cầu M&A nhiều hơn. Hoạt động M&A được dự báo sẽ sôi động hơn trong giai đoạn tới, qua đó sẽ góp phần sắp xếp, chuyển dịch nguồn lực vốn và tài sản trong xã hội được sử dụng hiệu quả hơn.