Hoàn thiện nền tảng pháp lý và cơ sở hạ tầng để thúc đẩy thực hiện đấu thầu qua mạng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoạt động đấu thầu qua mạng đang ngày càng phát huy tính hiệu quả và tiện ích, giúp nâng cao tính minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
Hoàn thiện nền tảng pháp lý và cơ sở hạ tầng để thúc đẩy thực hiện đấu thầu qua mạng

Đây là nhận định của Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại Hội nghị Đấu thầu qua mạng vừa diễn ra sáng 14/10 tại Hà Nội.

Số liệu công bố tại Hội nghị của Trung tâm Đấu thầu qua mạng Quốc gia cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, số lượng gói thầu đấu thầu điện tử đạt 67.672, chiếm 84,9% số gói thầu thực hiện với tổng giá trị đạt 198.585 tỷ đồng, chiếm 51,8%.

Cũng trong 9 tháng, đã có 36.628 bên mời thầu, 111.799 nhà thầu đăng ký tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, trong đó có 27.710 nhà thầu đăng ký tham gia đấu thầu điện tử. Về thông tin đấu thầu đăng tải trên hệ thống, có 368.283 kế hoạch lựa chọn nhà thầu, 90.741 thông báo mời thầu được đăng tải.

Theo đánh giá của Cục Quản lý đấu thầu, các con số này cho thấy hoạt động triển khai đấu thầu qua mạng trong 9 tháng đầu năm 2020 đã có những chuyển biến rất tích cực, vượt xa so với chỉ tiêu được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/2020/ NQ – CP và lộ trình quy định tại Thông tư 11/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đến hết năm 2020, tỷ lệ về số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng phải đạt 60% và tỷ lệ về giá trị gói thầu đấu thầu qua mạng phải đạt 25%.

Đáng chú ý, cùng với việc tiết kiệm chi phí, rút ngắn đáng kể thời gian lựa chọn nhà thầu từ 5 - 8 ngày so với đấu thầu truyền thống, đấu thầu qua mạng cũng giúp công tác lựa chọn nhà thầu của nhiều chủ đầu tư diễn ra suôn sẻ trong giai đoạn cả nước thực hiện giãn cách xã hội do Covid -19.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho biết, các gói thầu đấu thầu qua mạng càng thu hút nhiều nhà thầu tham dự càng có tỷ lệ tiết kiệm cao. Trong đó tỷ lệ giảm giá cao nhất trong lĩnh vực xây lắp là 50%; lĩnh vực hàng hóa là 76%. Đặc biệt, có gói thầu dịch vụ phi tư vấn giá 238 triệu đồng, giá trúng thầu là 18 triệu đồng, giảm giá 92%.

“Với những hiệu quả và tiện ích vượt trội, Cục Quản lý đấu thầu sẽ tiếp tục hoàn thiện khung quy định pháp lý cũng như có các cải tiến về hạ tầng mạng đấu thầu quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như các bên liên quan trong thực hiện đấu thầu qua hình thức này", ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu khẳng định.

Theo ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm Đấu thầu qua mạng, trong năm 2020, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã có những bước cải tiến lớn như triển khai tiện ích cho bên mời thầu, nhà thầu có thể nộp hồ sơ đăng ký trực tiếp trên Hệ thống.

Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cũng cho phép nhà thầu kê khai dữ liệu về năng lực, kinh nghiệm khi tham gia đấu thầu qua mạng. Đồng thời, mở rộng phạm vi áp dụng đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn một giai đoạn hai túi hồ sơ…

“Không dừng lại ở đó, hiện Cục Quản lý đấu thầu đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật cho đấu thầu qua mạng và hoàn thiện hạ tầng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hiện tại, góp phần tạo cơ sở pháp lý và nền tảng cho việc triển khai thực thi đấu thấu qua mạng thuận lợi trong thời gian tới”, ông Hùng thông tin.

Đại diện Trung tâm Đấu thầu qua mạng cũng cho biết trong quý III/2021, Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia sẽ đưa vào vận hành mạng đấu thầu quốc gia qua mạng tổng thể theo hình thức PPP, góp phần hoàn chỉnh hệ thống đấu thầu qua mạng đáp ứng tiêu chuẩn và thông lệ tốt của quốc tế theo hình thức này.

Liên quan đến hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động đấu thầu qua mạng, ông Tuấn Anh cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 05/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04 quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia có hiệu lực từ 1/9/2020.

Với việc cải tiến, bổ sung các mẫu hồ sơ thầu như Mẫu 08: Mẫu E-HSMT áp dụng đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn lựa chọn nhà thầu theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ.

Thông tư đã giúp cập nhật và sửa đổi những quy định hiện hành để gia tăng hiệu quả của đấu thầu qua mạng, đồng thời hủy bỏ những nội dung không còn phù hợp với thực tiễn triển khai. Cùng với Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT và Thông tư số 05/2018/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến nay, đã góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho việc thực thi đấu thầu qua mạng.

Theo số liệu của Cục Quản lý Đấu thầu, trong 9 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng tại các bộ, ban ngành Trung ương đã gia tăng một cách tích cực.

Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông xếp thứ nhất với 372 gói thầu đấu thầu qua mạng chiếm tỷ lệ 96,6% với tổng giá trị 651,5 tỷ đồng. Văn phòng Quốc hội xếp thứ hai với 96 gói thầu, đạt tỷ lệ 96,15%, tổng giá trị 121,3 tỷ đồng. Xếp thứ ba là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với 349 gói thầu, đạt tỷ lệ 96,1%, tổng giá trị 511,8 tỷ đồng.

Đối với các địa phương, 3 địa phương có tỷ lệ gói thầu đầu thầu qua mạng có nhà thầu tham dự cao nhất là Điện Biên với tỷ lệ 76%, Yên Bái 74%, Tuyên Quang 73%.

Về số lượng, Thanh Hóa đứng đầu với 935 gói thầu được đấu thầu qua mạng, chiếm tỷ lệ 95,8% và tổng giá trị là 3.949,5 tỷ đồng. Bình Phước đứng thứ hai với 541 gói thầu, chiếm tỷ lệ 93,6%, tổng giá trị 3.658,1 tỷ đồng. Đồng Nai đứng thứ ba với 238 gói thầu, chiếm tỷ lệ 92,6%, tổng giá trị 2.544,8 tỷ đồng.

Trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đứng đầu là Tổng công ty Thép Việt Nam với 25 gói thầu được đấu thầu qua mạng, đạt tỷ lệ 96,2%; trong khi đó, Tập đoàn Điện lực đứng đầu về giá trị gói thầu đấu thầu qua mạng giá trị lên tới 36.161,9 tỷ đồng.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục