Bước đột phá từ gói thầu sữa học đường
Ngày 14/10/2019, Gói thầu Mua sắm sữa tươi tiệt trùng cho trẻ em mẫu giáo và học sinh lớp 1 giai đoạn học kỳ 1 năm học 2019 - 2020 trên địa bàn 10 quận, huyện của TP.HCM đã hoàn thành việc mở hồ sơ đề xuất tài chính trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Thông qua đấu thầu rộng rãi, các nhà thầu có thực lực đã bước vào cuộc cạnh tranh gay gắt về giá.
Gói thầu nêu trên do Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM làm bên mời thầu.
Theo đó, có hai nhà thầu vượt qua bước đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật để vào bước đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính, gồm: Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty CP Thực phẩm sữa TH (TH Milk).
Theo hồ sơ mời thầu (E-HSMT), gói thầu nêu trên sẽ thực hiện ở địa bàn 10 quận, huyện của TP.HCM, gồm: Quận 9, Quận 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh, với 255.880 trẻ tham gia.
Dự kiến, kinh phí thực hiện trong năm 2018 - 2020 là 1.134 tỷ đồng, trong đó ngân sách Thành phố chi hơn 348 tỷ đồng (30%), cha mẹ học sinh đóng góp trên 547 tỷ đồng (50%) và doanh nghiệp cung cấp sữa đóng góp 239 tỷ đồng (20%).
Vinamilk trúng gói thầu này với tỷ lệ tiết kiệm khá cao. Tháng 11/2019, những hộp sữa đầu tiên do nhà thầu này cung cấp đã đến tay các em học sinh của TP.HCM.
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM có lẽ là bên mời thầu đầu tiên tổ chức đấu thầu qua mạng lựa chọn nhà thầu cung cấp sữa học đường. “Đơn giản vì chúng tôi mong muốn lựa chọn hình thức đấu thầu cạnh tranh nhất, minh bạch nhất để chọn được nhà thầu đủ năng lực nhất cung cấp sữa cho trẻ em TP.HCM”, đại diện Trung tâm chia sẻ.
Cũng từ năm 2019, 100% các gói thầu do bên mời thầu này tổ chức đều lựa chọn nhà thầu qua mạng.
Hiệu ứng đồng bộ từ Thông tư số 11
Trong năm 2019, các bên mời thầu, các đơn vị tư vấn đấu thầu chuyên nghiệp đều ưu tiên áp dụng đấu thầu qua mạng khi thực hiện các gói thầu mua sắm tập trung. Có thể kể đến Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang sẵn sàng tổ chức đấu thầu qua mạng cho những gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế giá trị lớn.
“Khi đã có sự chuẩn bị kỹ về nhân sự, về hạ tầng mạng, không có cớ gì để chậm trễ trong việc triển khai đấu thầu qua mạng, đặc biệt là trong mua sắm tập trung. Bởi áp dụng cả hai mô hình này, tức là tăng gấp đôi giá trị về tính minh bạch, công khai và hiệu quả kinh tế theo tinh thần của Luật Đấu thầu”, ông Trần Ngọc Tính, Giám đốc Ban cho biết.
Đại diện Công ty CP Tư vấn Nam Sài Gòn cho biết, khi làm bên mua thầu cho các gói thầu mua sắm tập trung, đơn vị này thường tư vấn cho các chủ đầu tư nên áp dụng đấu thầu qua mạng vì nhiều lý do.
Thứ nhất, thu hút sự tham gia của đông đảo nhà thầu.
Thứ hai, hiện các quy định, hướng dẫn về đấu thầu qua mạng đã gần như hoàn thiện, các bên không gặp bất kỳ khó khăn nào khi triển khai.
Năm 2019, tại Tây Ninh, đơn vị này đã giúp chủ đầu tư tổ chức thành công việc lựa chọn nhà thầu qua mạng tại gói thầu mua sữa học đường.
Ngày 1/2/2020, Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả có hiệu lực.
Với sự ra đời của Thông tư số 11, việc áp dụng đấu thầu qua mạng trong mua sắm tập trung mới thực sự đi vào đúng lộ trình, bài bản.
Theo lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng, việc triển khai mua sắm tập trung sắp tới sẽ tăng cường áp dụng theo hình thức lựa chọn nhà thầu này. Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025 sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng toàn bộ (100%) gói thầu mua sắm tập trung.
Ông Võ Thành Trung, Phó giám đốc Ban Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Thông tư số 11 sẽ có tác dụng rất lớn để các bên mời thầu chuẩn bị, lên kế hoạch áp dụng đấu thầu qua mạng theo lộ trình đề ra. Từ lộ trình này, Ban sẽ có kế hoạch thực hiện để hoàn thành chỉ tiêu nêu tại Thông tư.