Thực hiện quy định tại Điều 51 Luật Ngân hàng Nhà nước 2010, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Cơ quan Thanh tra) thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có nhiều nỗ lực và đạt được những thành công nhất định trong việc triển khai thanh tra trên cơ sở rủi ro đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là TCTD).
Tuy nhiên, để triển khai sâu rộng trên toàn hệ thống thanh tra, giám sát sát ngân hàng, NHNN và hệ thống các TCTD cần tiếp tục hoàn thiện các yêu cầu cơ bản.
NHNN chuẩn bị cơ sở pháp lý, xây dựng đội ngũ thanh tra giỏi
Thứ nhất, phải có cơ sở pháp lý đầy đủ và đồng bộ.
Cơ sở pháp lý là điều kiện không thể thiếu cho hoạt động thanh tra nói chung và thanh tra trên cơ sở rủi ro nói riêng. Để thực hiện thanh tra trên cơ sở rủi ro hiệu quả, cần phải có hệ thống văn bản pháp luật phù hợp với đặc thù của hoạt động thanh tra trên cơ sở rủi ro. Các văn bản quy phạm pháp luật cần quy định thống nhất về hệ thống quản trị rủi ro của các TCTD, phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro, đảm bảo sự toàn diện, đồng bộ, phù hợp với tình hình hoạt động của các TCTD, đặc thù của mỗi loại hình TCTD và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế́. Do vậy, việc nghiên cứu xây dựng lộ trình ban hành Luật Giám sát an toàn hoạt động ngân hàng; các quy định tối thiểu về quản trị rủi ro của TCTD là yêu cầu cấp thiết để tạo một khung pháp lý đầy đủ bên cạnh Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Thanh tra.
NHNN đóng vai trò chủ đạo trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý về thanh tra trên cơ sở rủi ro, phối hợp với Thanh tra Chính phủ rà soát lại các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động thanh tra để xem xét tính đặc thù của thanh tra chuyên ngành ngân hàng (thanh tra trên cơ sở rủi ro) nhằm xây dựng, ban hành/hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản pháp quy cho phù hợp với đặc thù của thanh tra ngân hàng. Ngoài ra, TCTD là các đối tượng được thanh tra cũng cần đóng góp và tham gia ý kiến (nếu cần) trong quá trình xây dựng khuôn khổ pháp lý về thanh tra trên cơ sở rủi ro của cơ quan quản lý.
Thứ hai, mô hình tổ chức, hoạt động của cơ quan chịu trách nhiệm thanh tra, giám sát ngân hàng phải đảm bảo sự thống nhất và khoa học.
Mô hình phổ biến các cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, tài chính thế giới thường áp dụng gồm 4 khâu: cấp phép; ban hành quy chế; thanh tra, giám sát; xử phạt, thu hồi giấy phép. Trong đó, hoạt động thanh tra, giám sát được thực hiện trên cơ sở hợp nhất. Mô hình tổ chức của hệ thống thanh tra, giám sát phải được tổ chức thống nhất theo ngành dọc từ trung ương đến địa phương; có sự phối hợp giữa cơ quan giám sát trong nước và nước ngoài trong hoạt động thanh tra, giám sát. Sự phân tán hay bất hợp lý liên quan đến cơ cấu tổ chức của hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng.
Thứ ba, phải đảm bảo chất lượng hoạt động giám sát và công cụ hỗ trợ tiên tiến.
Phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro đòi hỏi công tác giám sát phải thực sự là nguồn thông tin hữu hiệu, với những dữ liệu chính xác, đầy đủ, kịp thời và đáng tin cậy cho công tác thanh tra. Hoạt động giám sát phải có khả năng cảnh báo sớm và xác định trọng tâm, trọng điểm cho các cuộc thanh tra đối với từng TCTD. Bộ tiêu chí/chỉ số giám sát cụ thể về định tính và định lượng, phù hợp với từng loại hình TCTD và từng loại rủi ro phải được xây dựng làm căn cứ xây dựng hồ sơ rủi ro cho mỗi TCTD.
Hiện nay, để hỗ trợ cho công tác thanh tra trên cơ sở rủi ro, nhiều cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng trên thế giới sử dụng phương pháp giám sát theo CAMELS với 3 loại báo cáo chủ yếu sau: (i) Báo cáo đánh giá xếp hạng từng TCTD dựa trên các chỉ tiêu CAMELS (còn gọi là báo cáo giám sát vi mô); (ii) Báo cáo giám sát vĩ mô; (iii) Báo cáo cảnh báo sớm.
Ngoài ra, triển khai thanh tra, giám sát rủi ro cần có hệ thống công cụ hỗ trợ. Đó là quy trình thanh tra, giám sát rủi ro và sổ tay thanh tra rủi ro. Sổ tay thanh tra rủi ro là cẩm nang nghiệp vụ giúp cán bộ thanh tra nghiên cứu, ứng dụng khi thanh tra từng nghiệp vụ cụ thể, đặc biệt là việc đánh giá hoạt động quản trị, điều hành, môi trường kiểm soát nội bộ, hệ thống thông tin quản lý, hệ thống quản trị rủi ro của các TCTD, hỗ trợ các tiêu chí đánh giá về mức độ rủi ro, xu hướng rủi ro và rủi ro tổng thể;...
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong thanh tra trên cơ sở rủi ro là một đòi hỏi bắt buộc, đặc biệt khi hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng triển khai thực hiện các yêu cầu, nguyên tắc về thanh tra, giám sát ngân hàng của Ủy ban Basel.
Thứ tư, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực
Để thực hiện tốt phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro, chất lượng nguồn nhân lực hoạt động thanh tra, giám sát phải được đảm bảo. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), yêu cầu bắt buộc khi thực hiện phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro là phải có nhiều thanh tra viên giỏi. Một thanh tra viên giỏi cần phải có đủ 5 phẩm chất: (i) Hiểu rõ về cơ cấu tổ chức và hồ sơ rủi ro của ngân hàng; (ii) Phải có suy luận và chủ động tìm hiểu; (iii) Phải đánh giá tổng thể về toàn bộ ngân hàng trên cơ sở hợp nhất; (iv) Phải “có khả năng thích ứng”; (v) Khả năng “thuyết phục” tốt để đối tượng thanh tra chấp nhận những đánh giá và kiến nghị của mình.
Xét trên toàn hệ thống thanh tra, giám sát, cần có đội ngũ thanh tra viên, giám sát viên có đủ trình độ, nghiệp vụ về ngân hàng và phương pháp thanh tra; hiểu được mức độ phức tạp của các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; đưa ra phân tích, đánh giá chính xác về những rủi ro tiềm ẩn mà TCTD đang và sẽ gặp phải. Do vậy, cần phải xây dựng đội ngũ chuyên gia chuyên sâu về quản trị rủi ro, từng loại rủi ro và đủ kỹ năng thực hiện thanh tra trên cơ sở rủi ro.
TCTD cần cải thiện năng lực quản trị, đầu tư công nghệ
Để hoạt động thanh tra trên cơ sở rủi ro đạt hiệu quả, ngoài những yêu cầu mà NHNN phải đáp ứng, TCTD cũng cần phải chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ các điều kiện về năng lực quản trị rủi ro hiệu quả; trình độ công nghệ thông tin hiện đại và nguồn nhân lực phù hợp để đón nhận phương pháp thanh tra mới này.
Thứ nhất, về năng lực quản lý rủi ro. Theo thông lệ quốc tế, để nhận dạng, đo lường, giám sát và xử lý tốt các loại rủi ro, TCTD phải có một hệ thống quản trị rủi ro hiệu quả được thể hiện qua bốn nội dung cơ bản: (i) Giám sát tích cực của Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên/Ngân hàng mẹ/Ban điều hành; (ii) Chính sách/quy trình/thủ tục/hạn mức được xây dựng đầy đủ và phù hợp; (iii) Hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ hoạt động hiệu quả; (iv) Hệ thống thông tin quản lý (MIS) đầy đủ, kịp thời và hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ hiệu quả hoạt động nghiệp vụ.
Cơ cấu tổ chức quản lý rủi ro theo mô hình 3 cấp: (i) Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên (Ủy ban Quản lý rủi ro), Ngân hàng mẹ; (ii) Ban điều hành (giám đốc rủi ro, Ủy ban Quản lý tài sản nợ và tài sản có (ALCO) và (iii) Khối quản lý rủi ro theo nguyên tắc độc lập 3 chức năng: chức năng kinh doanh, chức năng quản lý rủi ro và chức năng đánh giá độc lập.
Theo đó, các TCTD tối thiểu phải có hệ thống quản trị rủi ro đối với 4 loại rủi ro cơ bản là rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản và rủi ro hoạt động. Như vậy, năng lực quản trị rủi ro của TCTD được tăng cường là một tiền đề cần thiết cho NHNN khi triển khai thực hiện phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro trong toàn hệ thống.
Thứ hai, về công nghệ thông tin. Nền công nghệ thông tin hiện đại là điều kiện không thể thiếu để áp dụng/hỗ trợ hoạt động quản trị rủi ro, triển khai các mô hình, công cụ quản lý rủi ro theo khuyến nghị của Ủy ban Basel. Do vậy, TCTD cần phải xây dựng một hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến (hệ thống ngân hàng lõi - core banking, hệ thống ngân hàng điện tử, hệ thống thanh toán, chuyển tiền nội bộ, hệ thống báo cáo,...) để đảm bảo các yêu cầu về cung cấp thông tin nội bộ và báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ ba, về nguồn nhân lực. Con người đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai công tác quản trị rủi ro. TCTD cần xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hiểu biết về quản trị rủi ro và đạo đức nghề nghiệp nhằm hạn chế tối đa những rủi ro trong hoạt động ngân hàng; có kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên sâu.
Ngoài ra, TCTD cần triển khai thực hiện nghiêm túc Basel II theo lộ trình của NHNN. Nếu thực hiện thành công Basel II sẽ tạo tiền đề cho việc triển khai phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro trong toàn hệ thống cũng như từng bước giúp NHNN (Cơ quan Thanh tra) hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thanh tra trên cơ sở rủi ro.