Tái cấu trúc ngân hàng tái khởi động vào quý III

(ĐTCK) Tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã đạt được nhiều thành tựu, song chừng đó là chưa đủ. Theo các chuyên gia, để tăng hiệu quả của việc tái cơ cấu, các TCTD cần tiếp tục đổi mới quản trị doanh nghiệp và nâng cao nghiệp vụ kiểm soát rủi ro theo thông lệ quốc tế, đồng thời cải thiện chất lượng dịch vụ, sản phẩm và năng lực cạnh tranh.
Tái cấu trúc ngân hàng tái khởi động vào quý III

Cơ bản xử lý các TCTD yếu kém

Nhìn lại quá trình tái cơ cấu hệ thống TCTD thời gian qua, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh ngoại hối và trái phiếu của HSBC nhận định, cải cách nền kinh tế là điều cần thiết nhằm đảm bảo sự tăng trưởng ổn định, bền vững của Việt Nam và tái cơ cấu hệ thống các TCTD là một phần quan trọng trong tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo đó, từ năm 2011, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, hệ thống ngân hàng đã bộc lộ nhiều yếu kém, rủi ro tích lũy nhiều năm, một số TCTD gặp khó khăn về thanh khoản, nợ xấu cao, có nguy cơ đổ vỡ và đe dọa sự an toàn của hệ thống TCTD. Để khắc phục tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kịp thời xây dựng và ban hành Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015.

“Sau thời gian thực hiện tái cơ cấu, hệ thống các TCTD đã cải thiện được tính thanh khoản, đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ, giảm sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thương mại, giúp các ngân hàng tăng sức cạnh tranh”, ông Khoa cho biết.

Cụ thể, đến cuối tháng 12/2015, hệ thống các TCTD đạt tỷ lệ an toàn vốn 13% và đáp ứng đầy đủ các tỷ lệ về khả năng chi trả và nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Thanh khoản được cải thiện nhờ NHNN điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, nợ xấu của hệ thống được xử lý. Đây là điều kiện quan trọng giúp hệ thống ngân hàng mở rộng hoạt động tín dụng, đồng thời giảm mặt bằng lãi suất để từng bước hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhận định về lộ trình tái cơ cấu hệ thống TCTD, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, tiến trình này đã ghi nhận những kết quả đáng kể, nhiều ngân hàng thương mại yếu đã được sáp nhập. Đặc biệt, 3 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém đã được NHNN mua lại với giá 0 đồng và trở thành những ngân hàng thương mại nhà nước, hoạt động đến nay dần đi vào ổn định.

Các ngân hàng hiện đang hoạt động cũng đã chứng tỏ nỗ lực tiếp tục cải thiện tình hình sức khỏe tài chính và hiệu quả kinh doanh qua kế hoạch tăng vốn, tăng cường quản lý rủi ro và tính tuân thủ quy định nội bộ, cũng như quy định pháp luật, cải thiện bộ máy quản trị, điều hành và những chương trình đào tạo cho cán bộ quản lý và nhân viên.

Đáng chú ý, tình trạng sở hữu chéo và lợi ích nhóm trong ngành ngân hàng đã được cải thiện rất nhiều. Những vi phạm luật pháp và việc lợi dụng ngân hàng của mình như là sân sau của các ông chủ ngân hàng đã được đưa ra trước pháp luật để xử lý. Nhiều vụ gian lận trong ngân hàng từ hội sở đến chi nhánh và phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm đã được các cơ quan điều tra phát hiện và tiến hành đưa ra tòa.

Tăng chất cho tái cơ cấu

TS Hiếu cho rằng, những điều chỉnh trên mang tính giảm thiểu các hiện tượng tiêu cực, còn về những cải thiện mang tính tích cực như sự hoàn thiện hệ thống ngân hàng với số lượng ngân hàng hợp lý và chuẩn mực hơn, quản trị rủi ro theo các chuẩn mực cao và tuân thủ các quy định của NHNN mà không tìm cách lách luật và lợi dụng kẽ hở của các quy định luật pháp, cũng như tăng cường hiệu quả kinh doanh qua các chỉ tiêu tài chính vẫnchưa thể hiện rõ nét. Đặc biệt, vấn đề xử lý nợ xấu toàn ngành và thông qua VAMC còn rất chậm do những vướng mắc về pháp lý, việc xử lý tài sản bảo đảm và việc mua bán nợ trên một thị trường rộng mở mới chỉ dừng ở mức độ đề xuất, dự thảo, chưa đi vào thực hiện.

Đồng quan điểm này, ông Khoa cho rằng, hoạt động tái cấu trúc mới đạt được những kết quả nhất định ban đầu trên các khía cạnh mua bán sáp nhập, hợp nhất; ổn định tạm thời thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Để tăng hiệu quả của việc tái cơ cấu, có một số vấn đề chúng ta cần đẩy mạnh, bao gồm: nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động thanh tra giám sát, triển khai áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về an toàn hoạt động ngân hàng, các TCTD cần tiếp tục đổi mới quản trị doanh nghiệp và nâng cao nghiệp vụ kiểm soát rủi ro theo thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm và năng lực cạnh tranh.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát, NHNN cho biết, trên cơ sở tổng kết đánh giá kết quả triển khai Đề án 254 trong giai đoạn 2011 - 2015, NHNN hiện đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Đề án tiếp tục tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 (dự kiến Đề án này sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2016).

Một số giải pháp trọng tâm dự kiến nêu tại Đề án này là tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại TCTD theo mục tiêu, định hướng phát triển hệ thống các TCTD đến năm 2020; xử lý kiên quyết, dứt điểm các TCTD yếu kém, đặc biệt chú trọng nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý, giám sát, cơ chế hỗ trợ cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được NHNN mua lại; triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nêu tại Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD nhằm duy trì bền vững tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; kết hợp xử lý nợ xấu với triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD…

“Năm 2016, NHNN vẫn tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp cơ cấu lại các TCTD, xử lý nợ xấu gắn với việc triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường; thực hiện phân loại các khoản nợ đã mua từ TCTD để có biện pháp xử lý nợ xấu một cách hiệu quả”, ông Hưng thông tin.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục