Năm 2016 có thể coi là năm Hòa Phát thu được “trái ngọt” từ hoạt động đầu tư của mình, đạt 33.885 tỷ đồng doanh thu và 6.606 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 34% và 89% so với năm 2015, vượt tương ứng 21% và 106% kế hoạch năm 2016. Khối tài sản đầu tư đã sinh lời tốt mang lại hiệu quả kinh tế cao, hệ số ROA và ROE lần lượt là 19,9% và 33,3%, đây là những chỉ số tài chính rất khó để các công ty cùng ngành sản xuất công nghiệp nặng có thể đạt được.
Nhóm ngành thép tiếp tục khẳng định là mảng kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn với tỷ lệ vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận tương ứng là 19% và 120%. Kết thúc năm 2016, sản lượng thép xây dựng tiêu thụ là 1.804.000 tấn, chiếm 22,2% thị phần thép cả nước, sản lượng tiêu thụ ống thép đạt 1/4 tổng lượng tiêu thụ toàn quốc, tương đương 25% thị phần, tiếp tục củng cố vị trí số 1 trên thị trường ống thép Việt Nam.
Các nhóm ngành sản xuất công nghiệp khác và bất động sản giữ vững đà tăng trưởng ổn định, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận trung bình ở mức 10%.
Riêng với nhóm ngành nông nghiệp, là một ngành nghề mới với nhiều khó khăn, song kết thúc năm 2016 đã bắt đầu có lãi. Mặc dù lãi từ nhóm ngành nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu doanh thu lợi nhuận nhưng rất đáng khích lệ vì sản phẩm thức ăn chăn nuôi tiêu thụ gia tăng hàng tháng và sản lượng tiêu thụ cả năm đã vượt kế hoạch đề ra.
Nhìn tổng thể, các chỉ số tài chính của Tập đoàn liên tục cải thiện theo hướng an toàn, vững mạnh. Tổng tài sản toàn Tập đoàn tại 31/12/2016 là 33.227 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn 18.182 tỷ đồng, tài sản dài hạn 15.044 tỷ đồng, lần lượt chiếm 55% và 45% tổng tài sản. So với năm 2015, tỷ trọng tài sản ngắn hạn tăng cao hơn tài sản dài hạn.
Đến ngày 31/12/2016, vốn chủ sở hữu của Hòa Phát là 19.850 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 8.429 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 9.486 tỷ đồng. Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả chiếm 40%, tương đương 13.376 tỷ đồng, tỷ trọng nợ phải trả thấp hơn vốn chủ sở hữu cho thấy, Công ty sử dụng vốn chủ sở hữu vào đầu tư tài sản nhiều hơn dùng đòn bẩy là công cụ nợ, tạo độ an toàn tài chính cao và có hiệu quả kinh doanh tốt hơn. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu tiếp tục giảm, thậm chí hệ số nợ vay ngân hàng/vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm chỉ còn 0,33 lần.
Năm 2016, Hòa Phát đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước 3.435 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2015 và nằm trong Top 30 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Kết quả kinh doanh với hiệu quả cao của Hòa Phát đạt được trong bối cảnh năm vừa qua, kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng GDP 6,21%, thấp hơn mức tăng 6,68% của năm 2015, không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% đề ra. Với ngành thép, việc tăng đầu tư cơ sở hạ tầng và sự ấm lên của thị trường bất động sản làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực, sản lượng thép sản xuất và tiêu thụ toàn thị trường tăng trưởng lần lượt 19,6% và 27,9% so với cùng kỳ năm 2015. Các doanh nghiệp trong ngành cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ giá thép phục hồi và chính sách bảo vệ sản xuất trong nước của Nhà nước.
Tuy nhiên, với Hòa Phát, lợi thế cạnh tranh cốt lõi vẫn là quy trình sản xuất thép khép kín và kinh nghiệm quản lý sản xuất hiệu quả với chi phí thấp.
Với tiềm lực mạnh về mọi mặt, Hòa Phát tự tin triển khai đầu tư dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất với công suất 4 triệu tấn/năm, nâng tổng công suất thép của Hòa Phát từ 2 triệu tấn hiện nay lên 6 triệu tấn/năm, trong đó có 2 triệu tấn thép cuộn cán nóng, 3 triệu tấn thép xây dựng và trên 1 triệu tấn thép dây cuộn chất lượng cao (làm thép rút dây, thép lõi que hàn…). Đây sẽ là dự án đưa Hòa Phát vào chu kỳ tăng trưởng mới.