Hóa giải tình trạng thiếu điện

0:00 / 0:00
0:00
1,4 tỷ USD là con số ước tính mà Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra mới đây về phí tổn kinh tế do các đợt mất điện vào tháng 5 và 6/2023 gây ra với Việt Nam.
Hóa giải tình trạng thiếu điện

Con số 5.400 MW nguồn cung điện thiếu hụt để đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh trong tháng 5/2023 cũng được WB nhắc tới.

Cho dù tình trạng thiếu điện trên diện rộng mới diễn ra trong năm 2023, nhưng các năm trước đó vẫn có những thời điểm hệ thống điện phải sa thải phụ tải đột ngột vào những lúc thời tiết nắng nóng cực đoan hay sự cố.

Cụ thể, tại một số thời điểm trong giai đoạn cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2021, ngành điện đã phải tiết giảm 500-1.500 MW phụ tải. Thậm chí, theo tính toán mới nhất, nguồn điện cần bổ sung mới hàng năm là 4.000 - 5.000 MW, song công suất bổ sung được trên thực tế vẫn thấp hơn so với nhu cầu, dẫn đến miền Bắc có thể thiếu tối đa gần 2.000 MW công suất trong các năm 2024 - 2025.

Để đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục và ổn định trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản chỉ đạo một loạt vấn đề như khai thác tối đa, hiệu quả nguồn khí tự nhiên trong nước để sản xuất điện; cung cấp đủ than, khí cho các nhà máy nhiệt điện và điều hành nguồn nước đối với các nhà máy thủy điện…

Bên cạnh đó là đầu tư xây dựng Dự án Đường dây truyền tải 500 kV từ Quảng Trạch ra các tỉnh Bắc Bộ (đến Phố Nối), đảm bảo phải hoàn thành trong tháng 6/2024 để tăng cường năng lực truyền tải ra các tỉnh phía Bắc vào thời gian cao điểm nắng nóng của năm 2024.

Các giải pháp khác, như khẩn trương ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu và cơ chế mua bán điện trực tiếp, hay sửa đổi Quyết định 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân theo hướng cho phép điều chỉnh giá điện theo thực tế… cũng được nhắc tới.

Dẫu vậy, cần phải thấy rõ là, các giải pháp như đảm bảo cân đối nhiên liệu cho hệ thống nhà máy điện sẵn có, hay lập lịch vận hành ở trạng thái tối ưu sẽ dễ triển khai hơn so với việc xử lý những vấn đề liên quan đến đầu tư mới hay bài toán giá điện.

Mong muốn vận hành Đường dây 500 kV đoạn Quảng Trạch - Phố Nối dài hơn 500 km vào tháng 6/2024 đòi hỏi phải có những nỗ lực vượt bậc, bởi tới nửa cuối tháng 8 năm nay, chủ trương đầu tư và dự án đầu tư chưa được phê duyệt; công tác giải phóng mặt bằng không ít cung đoạn đi qua rừng tự nhiên hay liên quan đến dân chưa hoàn tất.

Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện theo hướng căn cứ vào thực tế cũng được xem là sẽ gặp thách thức không nhỏ khi lần tăng giá điện gần nhất (ngày 4/5/2023) diễn ra cách lần điều chỉnh liền kề trước đó trên 4 năm.

Đối với các nguồn điện mới và lớn như điện gió ngoài khơi, điện khí LNG nhập khẩu hay điện khí từ nguồn khai thác trong nước, câu chuyện lớn nhất vẫn là không dễ đàm phán được hợp đồng mua bán điện khi giá điện bình quân bán ra cho nền kinh tế thấp hơn so với giá mà các dự án này nhắm tới hoặc đề xuất.

Với thực tế Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện chỉ còn nắm 15% công suất nguồn điện của hệ thống, việc huy động các thành phần kinh tế tư nhân trong và ngoài nước tham gia phát triển nguồn điện là tất yếu. Song do EVN (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) vẫn là người mua duy nhất điện của các nhà máy khác, cũng như vẫn là bên bán chính cho các hộ tiêu thụ hiện nay, thì việc mua điện giá cao, bán giá thấp sẽ nhanh chóng gây lỗ, tiến tới mất vốn nhà nước. Đây là những hậu quả mà không phải ai liên quan cũng muốn đối mặt.

Việc sửa đổi một số cơ chế, chính sách liên quan đến ngành điện cũng đã được đặt ra, nhưng điều này cũng dẫn tới một số thay đổi về cơ cấu tổ chức của ngành điện hiện nay, trong đó có việc chuyển hẳn Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia về Bộ Công thương.

Như vậy, để cơ cấu tổ chức mới được vận hành suôn sẻ như kỳ vọng, thì việc xây dựng chính sách, cơ chế đòi hỏi phải làm bài bản, thận trọng, tránh tình trạng “ông chẳng, bà chuộc” khi vận hành hệ thống điện do chịu sự quản lý của nhiều cơ quan khác nhau.

Gánh nặng các công việc sắp tới đòi hỏi Bộ Công thương phải nỗ lực không hề nhỏ, nhất là trong bối cảnh lãnh đạo Bộ hiện không có chuyên ngành sâu về điện hay năng lượng và một số cục, vụ liên quan đang thực hiện kiểm điểm trách nhiệm liên quan theo các kết luận thanh tra chuyên ngành trong thời gian gần đây.

Hoàng Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục