Hòa giải kỳ vọng “hạ nhiệt” tranh chấp

(ĐTCK) Theo con số không chính thức được giới nghiên cứu luật đưa ra, có tới 70% vụ việc dân sự hòa giải thành tại nước ngoài, trong khi ở Việt Nam, tỷ lệ này rất thấp. Do đó, sự ra đời của Trung tâm hòa giải đặt tại tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước được kỳ vọng sẽ giúp hạ nhiệt tranh chấp trong năm mới.  

Mở rộng thí điểm Trung tâm hòa giải

Luật sư Hoàng Văn Hướng (Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Hưng) cho biết, hòa giải là nguyên tắc xuyên suốt trong vụ án dân sự, từ giai đoạn tiền tố tụng, trong tố tụng,  quá trình giải quyết sơ thẩm, phúc thẩm, thi hành án dân sự. Bất kể hệ thống pháp luật quốc gia nào cũng tôn trọng tuyệt đối thỏa thuận của các chủ thể. 

Cơ chế hòa giải gồm hòa giải trong tố tụng và hòa giải ngoài tố tụng. Hòa giải ngoài tố tụng được hiểu là những vụ việc chưa phải giải quyết tại tòa án nhưng tòa án vẫn đứng ra là bên trung gian để phân tích pháp luật và các quan hệ để các bên hiểu và hướng tới hòa giải.

Cơ chế hòa giải đem lại nhiều ưu việt như tiết kiệm tiền bạc, công sức; giữ gìn an ninh trật tự xã hội, tình cảm giữa con người với con người, bảo mật bí mật kinh doanh, đời tư của các chủ thể không bị soi mói…

Không chỉ giới làm luật mà phần lớn luật sư, chuyên gia pháp lý đều ủng hộ Ðề án đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính mà Tòa án nhân dân tối cao đang triển khai.

Sau thời gian thí điểm tại Hải Phòng đạt nhiều kết quả khả quan, Tòa án nhân dân tối cao ban hành kế hoạch tiếp tục mở rộng thí điểm Trung tâm hòa giải tại 16 tỉnh, thành trên cả nước với mục tiêu chuyên nghiệp hóa hòa giải, đối thoại tại tòa án. 

Kỳ vọng “hạ nhiệt” tranh chấp

Trong một phiên tòa dân sự tranh chấp đất đai diễn ra tại Tòa án nhân dân TP. Hà Nội, giữa cái nóng của đợt nắng kỷ lục năm 2018, cảnh sát mặc sắc phục ngồi hàng ghế cuối xen kẽ những người tham gia tố tụng. Lực lượng cảnh sát túc trực suốt phiên tòa diễn ra liên tục trong 2 ngày.

Ðây là hình ảnh rất hiếm gặp bởi lẽ thông thường xét xử vụ án dân sự không có mặt lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa. Chỉ tại một số ít phiên tòa có tính chất đặc biệt căng thẳng, Hội đồng xét xử sẽ yêu cầu sự có mặt của cảnh sát bảo vệ để gìn giữ an ninh trật tự, phòng ngừa người tham gia tố tụng có lời nói và hành động quá khích.

Thời gian tới, hình ảnh này sẽ không còn thấy nếu các bên đạt được biên bản hòa giải thành. Kết quả hòa giải thành sẽ được tòa án công nhận và có hiệu lực ngay khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Theo báo cáo sơ kết của Tòa án nhân dân tối cao, tính đến ngày 18/5/2018, sau 2 tháng triển khai, 10 trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa đã đi vào hoạt động.

Các tòa án đã nhận 1.077 đơn khởi kiện, đưa ra hòa giải, đối thoại 893 đơn, trong đó hòa giải, đối thoại thành 600 vụ việc (tỷ lệ 67,2%). Trong số đó có nhiều vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính phức tạp, bức xúc kéo dài đã được các hòa giải viên, đối thoại viên có nhiều kinh nghiệm, kiên trì tiến hành nên đã thành công.

Ðơn cử trong vụ việc tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp, thông qua quá trình hòa giải, bên vay, bên cho vay và bên có tài sản đảm bảo đã đạt được thỏa thuận về khoản nợ, lãi suất, phương án trả nợ.

Các bên có đơn yêu cầu đến tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án. Nội dung thỏa thuận giữa các các bên hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với nhà nước hoặc người thứ ba, nên Tòa án nhân dân huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng công nhận kết quả hòa giải thành. 

Cần đảm bảo quyền lợi người thứ ba

Mặc dù Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã quy định, điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án là thỏa thuận của các bên không trốn tránh nghĩa vụ người thứ ba (Ðiều 417); tuy nhiên, trên thực tế vẫn nảy sinh trường hợp các bên cố tình giấu giếm thông tin.

Chẳng hạn trong vụ việc xảy ra tại tỉnh Bình Dương, đương sự là một chủ đầu tư chuyên xây dựng nhà xưởng cho thuê rồi đem nhà xưởng thế chấp ngân hàng.

Doanh nghiệp không trả được nợ và bị ngân hàng khởi kiện siết nợ, xử lý tài sản đảm bảo. Có 6 nhà đầu tư bị ảnh hưởng nhưng đến khi xét xử phúc thẩm, doanh nghiệp mới cung cấp thông tin còn cho 2 nhà đầu tư khác thuê nhà xưởng. Tòa án cấp phúc thẩm đã phải hủy bản án sơ thẩm để đảm bảo quyền lợi của tất cả nhà đầu tư.

Rõ ràng vụ việc đã được thụ lý theo trình tự tố tụng, tòa yêu cầu các bên xuất trình đầy đủ chứng cứ nhưng đương sự che giấu, không cung cấp chứng cứ, do đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bên thứ ba. Tương tự, kết quả hòa giải thành có thể ảnh hưởng đến người khác mà vẫn được thi hành như một bản án. Tuy nhiên, trường hợp như trên hiện chưa được tòa án hướng dẫn cụ thể.

Luật sư Nguyễn Văn Thái (Công ty luật hợp danh Bross và cộng sự) cho rằng, cơ chế giải quyết của Trung tâm trọng tài thương mại - VIAC có cơ chế hòa giải và VIAC cũng có Trung tâm hòa giải.

Mặc dù hoạt động khởi kiện có ảnh hưởng đến người lợi của bên thứ ba nhưng VIAC quy định bên thứ ba chỉ có tư cách là người làm chứng. Nếu thấy quyền lợi bị ảnh hưởng, bên thứ ba có thể khởi kiện vụ án khác. VIAC chỉ giải quyết trong phạm vi yêu cầu khởi kiện và trong phạm vi hợp đồng.

“Quyết định của VIAC có giá trị như bản án và được thi hành, nếu có ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ ba thì tòa án cũng phải có cơ chế tương tự như VIAC. Nếu quyết định hòa giải thành ảnh hưởng đến quyền lợi bên thứ ba thì bên thứ ba khởi kiện vụ án khác. Nếu không khởi kiện vụ án khác mà phải hủy bản án thì các bên có thể yêu cầu giám đốc thẩm”, luật sư Thái đề xuất.

Ðiều 212. Tòa ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự

1. Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện Kiểm sát cùng cấp.

2. Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.

3. Trong trường hợp quy định tại khoản 4 Ðiều 210 của bộ luật này mà các đương sự có mặt thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trường hợp thỏa thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận này chỉ có giá trị và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản. 

Ðiều 213. Hiệu lực của quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự

1. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

2. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.

Ðỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục