Tội phạm kinh tế diễn biến phức tạp
Theo đánh giá của ông Lê Hồng Quang, Phó chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, năm 2018, tình hình tội phạm có liên quan đến hoạt động kinh tế có nhiều diễn biến phức tạp, xuất hiện một số phương thức phạm tội mới, đặc biệt là hiện tượng lợi dụng công nghệ cao để thực hiện và che giấu hành vi phạm tội. Các hoạt động tội phạm này xâm phạm đến tài sản, gây thiệt hại tiền của lớn cho người dân cũng như nhiều tổ chức khác.
Thống kê của các tòa án cho thấy, năm 2018, các tòa án đã xét xử sơ thẩm 256 vụ án với 602 bị cáo phạm tội tham nhũng. So với năm 2017, số lượng người bị xét xử tăng thêm 186 cá nhân.
Các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn đều có tính chất nghiêm trọng, phức tạp và thu hút sự quan tâm của dư luận người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Đơn cử, các vụ án xảy ra hoặc có liên quan đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các công ty con, các hành vi vi phạm quy định về kinh tế, quản lý tài chính của Nhà nước đã dẫn đến nhiều thiệt hại từ vài chục tỷ đồng cho đến hàng nghìn tỷ đồng tùy từng vụ án.
Các vụ án lớn, nghiêm trọng trong lĩnh vực ngân hàng vẫn tiếp tục được đưa ra xét xử như vụ án ở Oceanbank, DongAbank...
Đáng chú ý là vụ án nghiêm trọng lợi dụng công nghệ cao xảy ra tại Phú Thọ vào đường dây đánh bạc nghìn tỷ. Nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán bị liên đới trong vụ án này. Tuy nhiên, giai đoạn 1 của vụ án mới chỉ dừng lại việc xem xét trách nhiệm của các bị cáo chính.
Tòa án kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ trách nhiệm các ngân hàng trong việc thực hiện các giao dịch chuyển tiền qua các tài khoản cá nhân với số lượng lớn, xem xét trách nhiệm của các công ty, tập đoàn có liên quan hành vi rửa tiền; sai phạm trong việc cho thuê chỗ đặt máy chủ để vận hành game bài Rikvip/Tipclub của một số đơn vị, công ty viễn thông...
Tranh chấp đầu tư tài chính ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn
Theo báo cáo của Tòa án nhân dân Tối cao, năm 2018, các tòa án đã giải quyết 1.379.709 vụ trong tổng số 1.438.845 vụ án đã thụ lý (đạt tỷ lệ 95,9%).
Đối với lĩnh vực án dân sự, kinh doanh thương mại..., đã thụ lý 439.546 vụ việc và đã giải quyết được hơn 88%, vượt chỉ tiêu đề ra. Riêng đối với các vụ việc dân sự, tranh chấp hợp đồng vay tài sản chiếm tỷ trọng lớn với gần 39.000 vụ, các tranh chấp liên quan đến đất đai rất lớn, tổng số lượng khoảng 30.000 vụ.
Riêng đối với tranh chấp kinh doanh thương mại, các vụ án kinh doanh thương mại mà tòa án phải thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là 15.439 vụ việc, tăng 1.423 vụ việc. Tranh chấp chủ yếu là trong lĩnh vực đầu tư tài chính, ngân hàng (chiếm 32,77%), mua bán hàng hóa (chiếm 21,32%).
Trong những năm qua, tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại thường bị kéo dài vì nhiều nguyên nhân, cả từ phía đương sự cũng như từ thủ tục tố tụng dân sự. Năm 2018, các tòa án đã nỗ lực hạn chế các vụ án quá hạn, chỉ còn 28 vụ quá hạn do lỗi chủ quan của tòa án. Nhưng nhìn chung, thời gian giải quyết vụ việc vẫn kéo dài, tốn kém chi phí, thời gian.
Một cơ chế giúp giải quyết tranh chấp dân sự hiệu quả là hòa giải, đối thoại. Tòa án nhân dân Tối cao đã bắt đầu thí điểm đổi mới, tăng cường công tác hòa giải trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Riêng tại Hà Nội, đã thành lập 16 trung tâm đối thoại, hòa giải. Tại Hải Phòng, từ thời điểm thí điểm thực hiện mô hình vào tháng 3/2018, đến nay đã thực hiện hòa giải thành công 76,2% số vụ việc được chuyển sang.
Với việc đẩy mạnh công tác hòa giải, đối thoại, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, công tác này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác xét xử của các tòa án.
Các tòa án cũng đã thụ lý 240 đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, trong đó, ra quyết định không mở thủ tục phá sản đối với 43 trường hợp, ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với 95 trường hợp.
Tòa án đã tuyên bố phá sản 37 trường hợp, đình chỉ 17 trường hợp, các trường hợp còn lại đang được tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.