Bộ Tư pháp đang giải quyết nhiều vụ tranh chấp đầu tư quốc tế

Trong năm 2019, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đại diện pháp lý cho Chính phủ trong giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế.
Trụ sở Bộ Tư pháp. Trụ sở Bộ Tư pháp.

Theo báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2019 của Bộ Tư pháp, Bộ này được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 222 nhiệm vụ, đã hoàn thành 180 nhiệm vụ và đang tiếp tục thực hiện 42 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn.

Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các Bộ, ngành và các cơ quan tư pháp địa phương đã tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành đàm phán, ký Hiệp định tương trợ tư pháp dân sự với Hungary; nghiên cứu, xây dựng các hiệp định với Ấn Độ, Thái Lan. Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc thực thi Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp, ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại; đã tiếp nhận, xử lý 2.624 hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự do các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam gửi đi nước ngoài (tăng gần 37% so với năm 2017); 1.177 hồ sơ của cơ quan thẩm quyền nước ngoài gửi tới Việt Nam (tăng gần 50%).

Bộ Tư pháp cũng đã đàm phán và cấp 22 ý kiến pháp lý; tham gia xử lý các vấn đề pháp lý của 40 dự án đầu tư lớn.

Trong công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các địa phương liên quan giải quyết 4 vụ tranh chấp đầu tư.

Đang phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu hồ sơ để giúp Chính phủ giải quyết đối với 2 vụ việc khác; tham gia với Bộ Công thương xử lý một số vụ tranh chấp thương mại tại WTO và hỗ trợ một số địa phương giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với chính quyền địa phương.

“Việc góp ý, thẩm định một số điều ước, thoả thuận quốc tế, trong một số trường hợp, còn chậm. Hiệu quả phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế ở một số địa phương chưa cao, còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng tranh chấp. Hiệu quả tham gia Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế chưa được như mong muốn”- Bộ Tư pháp nhìn nhận về những hạn chế.

Trong năm 2019, Bộ này sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đại diện pháp lý cho Chính phủ trong giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế; chú trọng việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng pháp luật quốc tế và phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế cho các Bộ, ngành, địa phương và công chức của Bộ Tư pháp.

Đồng thời chủ động và tích cực trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế toàn cầu và khu vực mà Việt Nam là thành viên.


Theo Dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục