Hiện nay, nhiều doanh nghiệp giao kết hợp đồng xây dựng thường chú trọng vào yếu tố yêu cầu kỹ thuật, điều kiện nghiệm thu, bảo hành công trình, bảo hiểm… mà quên mất việc thỏa thuận lãi suất chậm thanh toán. Điều này có thể gây ra những thiệt thòi không đáng có trong bối cảnh tình trạng dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư chây ỳ trả nợ và nhà thầu bị giữ lại 10% giá trị hợp đồng trong thời gian bảo hành công trình.
Mặt khác, qua thực tiễn xét xử tại tòa án, cách tính lãi suất trong hợp đồng xây dựng hiện vẫn chưa thống nhất. Có bản án vẫn áp dụng cách tính lãi suất theo mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Bộ luật Dân sự, nơi lại áp dụng cách tính lãi theo ngân hàng thương mại mà bên nhận thầu mở tài khoản theo luật chuyên ngành (Nghị định 48/2010/NĐ-CP). Trong đó, cách tính lãi thứ 2 được sử dụng phổ biến hơn. Điển hình như bản án tranh chấp hợp đồng xây dựng giữa Công ty TNHH MTV Xây lắp hóa chất (CCIC) và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Đại Thành.
Năm 2010, CCIC là một trong những doanh nghiệp trúng thầu dự án nhà máy may sản phẩm dệt kim chất lượng cao do Công ty TNHH MTV Dệt Kim Đông Xuân là chủ đầu tư. CCIC ủy quyền cho chi nhánh thực hiện hợp đồng. Đầu năm 2011, Chi nhánh CCIC ký hợp đồng với Công ty Đại Thành trị giá 8,28 tỷ đồng để thi công xây dựng trần tôn lạnh, sơn bả, cửa kính khung nhôm các loại, hệ thống cấp điện cho dây chuyền may, cấp nước, chống nóng mái khu văn phòng chống thấm, chống hắt mái xưởng may 1. Quá trình thực hiện hợp đồng, hai bên thực hiện 4 lần nghiệm thu và đối chiếu công nợ.
Đến tháng 10/2011, công trình nhà máy may chính thức đưa vào sử dụng. Năm 2014, Công ty Đại Thành và Chi nhánh CCIC tổng hợp giá trị quyết toán sau kiểm toán là 8,23 tỷ đồng. Tuy nhiên, Chi nhánh CCIC mới chỉ thanh toán được 6,8 tỷ đồng, còn nợ 1,39 tỷ đồng. Sau nhiều lần đôn đốc bất thành, Chi nhánh CCIC vẫn chây ỳ trả nợ, buộc Công ty Đại Thành khởi kiện ra tòa án.
Ngoài tiền nợ gốc, Công ty Đại Thành yêu cầu đối tác phải trả lãi suất nợ quá hạn từ ngày chốt công nợ (ngày 1/11/2014) đến ngày mở phiên tòa sơ thẩm (28/7/2017). Tổng số tiền gốc và lãi là hơn 1,9 tỷ đồng. Cấp sơ thẩm đã chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty Đại Thành. Không đồng tình với phần tính lãi suất nợ quá hạn, Chi nhánh CCIC kháng cáo lên cấp phúc thẩm Tòa án nhân dân TP.Hà Nội.
Công ty cho rằng, các bên không thỏa thuận lãi suất trong hợp đồng. Trường hợp công ty chưa thanh toán hết nợ gốc thì đồng nghĩa không phải trả tiền lãi suất. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử xác định, vụ việc này là tranh chấp hợp đồng xây dựng, không phải tranh chấp dân sự nên phải áp dụng Luật Xây dựng và các văn bản liên quan để giải quyết vụ án.
Theo Khoản 3, Điều 81 - Luật Xây dựng, người có trách nhiệm thanh toán, quyết toán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về công việc của mình và phải bồi thường thiệt hại do hậu quả của việc thanh toán, quyết toán chậm hoặc sai so với quy định. Điểm c, Khoản 1, Điều 27 - Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 về hợp đồng trong hoạt động xây dựng quy định quyền của bên nhận thầu thi công xây dựng.
Theo đó, bên nhận thầu được quyền yêu cầu bên giao thầu thanh toán các khoản lãi vay do chậm thanh toán theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng, được quyền đòi bồi thường thiệt hại khi bên giao thầu chậm bàn giao mặt bằng và các thiệt hại khác do lỗi của bên giao thầu gây ra.
Tại Điểm d, Điều 42 - Nghị định 48 cũng nêu rõ, bên giao thầu chậm thanh toán phải bồi thường cho bên nhận thầu theo lãi suất quá hạn áp dụng cho ngày đầu tiên chậm thanh toán do ngân hàng thương mại mà bên nhận thầu mở tài khoản.
Bản án ngày 14/3/2018, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội xác định, CCIC chậm thanh toán nên phải bồi thường cho Công ty Đại Thành theo lãi suất ngân hàng thương mại mà Công ty Đại Thành mở tài khoản là 10,5%/năm. Do đó, tòa án tuyên chấp nhận yêu cầu buộc CCIC phải thanh toán cho Công ty Đại Thành 1,9 tỷ đồng.
Tính đến ngày 29/12/2017, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành 16 án lệ về các lĩnh vực hành chính, hình sự, kinh doanh thương mại… và đặc biệt trong đó có án lệ về xác định lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường đối với hợp đồng mua bán hàng hóa. Khá nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải có thêm án lệ xác định lãi suất chậm thanh toán trong hợp đồng xây dựng để thống nhất cách giải quyết khi xảy ra tranh chấp.