Hỗ trợ lãi vẫn cần điều chỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ước tính các ngân hàng giảm lãi vay rất lớn, tới 26.000 tỷ đồng, nhưng con số này đang không dành cho tất cả.
Khách hàng ở các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất - kinh doanh bị thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19 sẽ được ưu tiên giảm lãi vay. Ảnh: Dũng Minh Khách hàng ở các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất - kinh doanh bị thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19 sẽ được ưu tiên giảm lãi vay. Ảnh: Dũng Minh

Lãi vay cá nhân giảm nhẹ

Sau hơn 2 tuần Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, một số ngân hàng giảm lãi suất khoản vay cũ cho cá nhân, phổ biến quanh mức 0,5%/năm.

Cụ thể, Saigonbank giảm 0,5%/năm lãi suất hoặc cao hơn một chút, tuỳ từng trường hợp cụ thể, đối với khách hàng có dư nợ mà nguồn thu nhập trả nợ đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Vietcombank giảm 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng cá nhân tại TP.HCM, Bình Dương và 0,3%/năm với khách hàng tại các tỉnh, thành phố khác ở phía Nam.

Nam A Bank đưa ra chính sách giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay với khách hàng đang có dư nợ, với điều kiện có sử dụng thêm sản phẩm, dịch vụ khác của Ngân hàng.

Trước đó, trong tháng 8/2021, MB miễn, giảm lãi vay 400 tỷ đồng nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có 250 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân với dư nợ khoảng 70.000 tỷ đồng.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, ngay khi dịch Covid-19 xảy ra, các ngân hàng đã dự đoán khách hàng doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn nên chủ động giảm lãi vay trên dưới 1%/năm. Cá nhân bị mất việc, không có thu nhập, giảm lương... được xem xét miễn trả lãi (ngân hàng chỉ thu lại gốc đã vay) hoặc cơ cấu nợ gốc theo hướng chuyển sang năm sau nếu khách hàng có đơn đề nghị.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, với khách hàng cá nhân, nếu đáp ứng được quy định của Thông tư 14, Ngân hàng có thể xóa hoặc miễn lãi vay 1 - 2 tháng. Tuy nhiên, không phải cá nhân nào cũng được xem xét xóa hoặc miễn lãi.

Nhìn chung, việc giảm lãi suất khoản vay cũ và giãn nợ cho cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh chưa được nhiều ngân hàng thực hiện, mà tập trung vào giảm lãi suất đối với khoản vay mới.

Chẳng hạn, Techcombank ưu đãi cho vay mua nhà mới với lãi suất khoảng 7%/năm, Sacombank áp dụng lãi vay khoảng 8,5%/năm. Trong khi đó, MSB giảm lãi suất cho vay 1%/năm so với lãi suất hiện hành cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, mua nhà trong thời gian từ 21/7 - 31/12/2021.

Trước tác động nặng nề của đại dịch, các khách hàng vay mua nhà trước đây đang phải trả mức lãi vay cao, khiến áp lực trả nợ lớn, nên mong muốn ngân hàng giảm lãi suất khoản vay cũ, chứ không phải ưu đãi khoản vay mới.

Ông Minh Tuấn ở quận 12, TP.HCM chia sẻ, hiện ông không còn khả năng chi trả khoản nợ 1,2 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm khi vay mua nhà năm ngoái. Bởi lẽ, tài chính dự phòng của ông đã cạn dần, trong khi thu nhập bị cắt giảm trong thời gian dài giãn cách xã hội. Sức ép phải trả gốc và lãi vẫn đều đặn mỗi tháng, khiến ông không còn đường xoay xở. Kiến nghị ngân hàng giãn nợ, giảm lãi vay được gửi tới ngân hàng từ đầu tháng 9/2021, nhưng hồ sơ đến nay chưa được giải quyết.

Đáng lưu ý, nhiều khách hàng cá nhân vay vốn ngân hàng không thuộc diện tái cơ cấu, giảm lãi vay theo quy định của Thông tư 14 như vay tiêu dùng, mua ô tô... Đơn cử, không ít lái xe công nghệ đang “khóc ròng” vì không thuộc đối tượng giảm lãi và cơ cấu nợ, bởi vay mua xe với mục đích tiêu dùng, chứ không phải xe công nghệ.

Thực tế, lượng hồ sơ của khách hàng xin giãn nợ, giảm lãi vay do tác động bởi dịch bệnh ngày một tăng, song các ngân hàng ưu tiên giải quyết cho doanh nghiệp.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, miễn giảm lãi vay và cơ cấu nợ cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, trong đó có người mua nhà. Phần lớn ngân hàng ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để sớm khôi phục sản xuất - kinh doanh, nhất là ở các lĩnh vực ưu tiên.

Khách hàng cá nhân mong muốn ngân hàng giảm lãi suất khoản vay cũ, chứ không phải ưu đãi khoản vay mới.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/8/2021, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng.

Từ 23/1/2020 đến 31/8/2021, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ lãi vay cho khách hàng khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền lãi mà 16 ngân hàng thương mại cam kết giảm từ 15/7 - 31/8/2021 là 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ 227.009 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23/1/2020 khoảng 520.000 tỷ đồng. Riêng tại khu vực TP.HCM, dư nợ tái cơ cấu, giảm lãi vay cho khách hàng theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 tính đến cuối tháng 8/2021 đạt trên 1,616 triệu tỷ đồng, phần lớn dành cho khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh.

Tổng giám đốc một ngân hàng thừa nhận, khách hàng ở các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất - kinh doanh bị thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19 sẽ được ưu tiên giảm lãi vay, nhằm sớm phục hồi hoạt động. Khách hàng cá nhân gặp khó khăn cũng được ngân hàng xem xét giảm lãi suất khoản vay cũ, nhưng tùy từng mục tiêu sử dụng vốn.

“Việc giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng được xem xét ở nhiều khía cạnh. Vì bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp và thực tế đang phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng, áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng ngày càng lớn. Ngay cả khoản nợ được cơ cấu, ngân hàng cũng phải trích lập đầy đủ trong vòng 3 năm tới”, vị tổng giám đốc ngân hàng nói.

Vì thế, dù lãi suất huy động tiếp tục có xu hướng giảm, nhưng lãi suất khoản vay cũ đối với mục đích mua nhà, tiêu dùng, mua ô tô được giới phân tích tài chính nhận định sẽ khó giảm. Đặc biệt, các ngân hàng đang có áp lực phải giảm lãi suất khoản vay mới, trong khi hạn mức tăng trưởng tín dụng cạn dần và nhu cầu vốn ở lĩnh vực ưu tiên vẫn lớn.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, không nên phân biệt mục đích sử dụng vốn, mà nên chủ động thu xếp nguồn vốn để giảm lãi suất nhằm chia sẻ khó khăn cho người vay. Việc này có thể làm giảm lợi nhuận, nhưng nếu khách hàng mất khả năng trả nợ vì áp lực lãi vay cao thì nợ xấu ngân hàng tăng là khó tránh khỏi, nên trong lúc này cần sự chia sẻ của ngân hàng.

Ngoài ngành ngân hàng, các chuyên gia tài chính cho rằng, các bộ, ngành khác cũng cần vào cuộc hỗ trợ các đối tượng mất khả năng trả nợ do dịch bệnh kéo dài dẫn đến suy giảm, thậm chí mất nguồn thu nhập.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục