Lãi vay giảm chưa như mong muốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Để giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng phải tiết giảm chi phí và cắt giảm lợi nhuận, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn mong muốn giảm thêm.
4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối thực hiện giảm lãi vay ở mức cao so với mặt bằng chung. 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối thực hiện giảm lãi vay ở mức cao so với mặt bằng chung.

Lãi suất giảm từ 0,5 - 3%/năm

Các ngân hàng đã và đang điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, tập trung vào khách hàng doanh nghiệp. So với cuối tháng 7/2021, lãi suất cho vay tại các ngân hàng hiện có mức giảm từ 0,5 - 3%/năm, nhất là ở 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối gồm Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank.

Cụ thể, sau khi thực hiện giảm lãi suất từ 0,5 - 1%/năm cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ 15/7 - 31/12/2021, Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất cho vay 0,3 - 0,5%/năm cho khách hàng ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam đến hết 31/12/2021. Trước đó, Vietcombank đã hỗ trợ giảm lãi cho khách hàng với tổng giá trị hơn 5.400 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021.

Agribank giảm lãi vay tới 2,5%/năm cho các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 và xem xét miễn, giảm lãi chưa trả đối với các khoản nợ từ 15/7/2021 trở về trước.

Số tiền do giảm lãi suất của 16 ngân hàng ước khoảng 24.000 tỷ đồng.

Tại BIDV, không chỉ giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm và một số nhóm khách hàng được được giảm lãi vay tới 2%/năm từ ngày 15/7 - 31/12/2021, Ngân hàng còn triển khai 2 gói cho vay mới với lãi suất ưu đãi. Gói 1 có quy mô 1.000 tỷ đồng, lãi suất giảm 0,5 - 1,5%/năm dành cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam. Gói 2 có quy mô 30.000 tỷ đồng, áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn (tối đa 12 tháng), lãi suất thấp hơn 1,5%/năm so với thông thường.

Theo Phó tổng giám đốc Sacombank, ông Phan Đình Tuệ, Ngân hàng đã giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19. Đồng thời, Sacombank triển khai gói tín dụng có quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng (đến hết tháng 12/2021) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Ước tính, số tiền giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng của nhà băng này lên đến 1.000 tỷ đồng, gần bằng một nửa lợi nhuận đạt được trong năm 2020.

Nhiều ngân hàng khác như ACB, MB, Sacombank, HDBank, VPBank, Nam A Bank, Viet Capital... cũng tích cực vào cuộc để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với mức giảm lãi vay từ 0,5 - 2,5%/năm.

Thực tế, Ngân hàng Nhà nước kêu gọi tất cả các ngân hàng thương mại miễn, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng hiện mới có 16 ngân hàng cam kết thực hiện gồm Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV, MB, Techcombank, SHB, VPBank, VIB, TPBank, LienVietPostBank, SeABank, MSB, Sacombank, ACB, HDBank, với tổng số tiền giảm lãi suất khoảng 24.000 tỷ đồng.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, các ngân hàng thương mại phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai biện pháp hỗ trợ như đã tự nguyện cam kết về giảm lãi vay. Để giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng phải tiết giảm chi phí và cắt giảm lợi nhuận. Đây được xem là đợt cắt giảm lợi nhuận lớn nhất mà các ngân hàng cam kết thực thi nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn vì dịch bệnh.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan quản lý sẽ theo dõi chặt chẽ việc thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay, đồng thời mong muốn nhận được phản ánh của khách hàng về những ngân hàng chưa thực hiện để có biện pháp xử lý.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, giảm lãi suất cho vay sẽ tác động lên lợi nhuận của ngân hàng và khó đạt mục tiêu lợi nhuận năm 2021, nhưng đây là lúc ngân hàng thể hiện sự chia sẻ khó khăn với khách hàng và nền kinh tế. Do đó, tùy theo tiềm lực, mỗi ngân hàng cần chủ động thu xếp nguồn vốn giảm lãi suất cho vay, qua đó kích cầu tín dụng tăng trưởng trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

Lãi vay vẫn cao so với sức chịu đựng

Tổng giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất hàng thực phẩm cho hay, so với đầu năm nay, lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm, cùng với đó là các khoản nợ vay được tái cơ cấu, giãn thời gian... Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất hiện nay vẫn còn cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch kéo dài. Nếu so với mặt bằng lãi suất huy động thì lãi suất cho vay quá cao, ngân hàng nên xem xét giảm thêm.

Trong khi đó, bà Nguyễn Bích Thủy, chủ một doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất, chế biến nông sản ở Đồng Nai chia sẻ, hợp đồng tín dụng sắp đáo hạn, nhưng diễn biến khó lường của dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu, khả năng doanh nghiệp sẽ không có đủ tiền để trả lãi vay ngân hàng, dù được hỗ trợ lãi vay khoảng 0,7%/năm, xuống còn 7%/năm. Nếu không trả nợ đúng hạn, ngân hàng sẽ điều chỉnh nhóm nợ từ 1 lên 2 - 3, khiến mức độ tín nhiệm tín dụng của doanh nghiệp giảm, sau này phải vay với lãi suất cao.

Về lãi suất huy động, mới đây, không ít ngân hàng có đợt giảm lãi suất từ 0,1 - 0,5%/năm, tùy từng kỳ hạn tiền gửi, dù nguồn vốn huy động tăng trưởng thấp hơn cho vay. Mức lãi suất hiện phổ biến từ 3 - 3,5%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng; 3,7 - 5% cho kỳ hạn dưới 12 tháng và 4,2 - 6% cho kỳ hạn trên 12 tháng. Điều này cho thấy, thanh khoản của hệ thống đang dồi dào, phản ánh rõ nhất qua mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng rất thấp, dưới 1%/năm ở các kỳ hạn ngắn. Lãi suất bình quân liên ngân hàng ngày 31/8 giảm từ 0,1 - 0,3%/năm so với đầu tháng 8, lãi suất kỳ hạn qua đêm chỉ còn 0,63%/năm.

Hơn 1 năm qua kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước đã có 3 lần điều chỉnh lãi suất điều hành, tổng mức giảm là 1,5 - 2%/năm. Việc này nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp và dân cư với chi phí thấp hơn, qua đó giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất cho vay trong quý II/2021 của một ngân hàng có vốn nhà nước chi phối giảm xuống 7,83%/năm, nhưng lãi suất huy động giảm mạnh hơn, trung bình còn 3,68%/năm, nên biên lợi nhuận (NIM) quý II tăng lên 3,2%.

Trong khi đó, không chỉ với doanh nghiệp, mà phân khúc khách hàng đang phải chịu áp lực trả lãi vay phải kể đến các cá nhân do thu nhập sụt giảm vì dịch. Nhiều cá nhân vay mua nhà cạn dần nguồn tài chính trả nợ gốc và lãi hàng tháng. Mức lãi suất mà hầu hết cá nhân vay mua nhà, tiêu dùng phải trả dao động từ 10 - 13%/năm.

Phần lớn các ngân hàng thương mại ưu tiên hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Do đó, phân khúc tín dụng cá nhân vốn có biên lãi ròng lớn (chênh lệch huy động và cho vay lên đến 4 - 6%/năm) khó có thể được ngân hàng giảm lãi suất như đối với doanh nghiệp.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn nhận định, trước bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biễn phức tạp, việc giảm thêm lãi suất cho vay không chỉ để hỗ trợ khách hàng hồi phục và phát triển kinh doanh, mà còn nhằm thúc đẩy nhu cầu tín dụng, giúp các ngân hàng hạn chế rủi ro nợ xấu gia tăng. Tuy nhiên, so với trước khi làn sóng Covid-19 xảy ra, lãi vay đã phần nào giảm nên không dễ kỳ vọng sẽ giảm thêm nhiều trong thời gian còn lại của năm 2021.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục