Lãi suất cho vay ở Mỹ thấp nhất 10 năm qua là 2,5-4,6%/năm
Gần đây, một số doanh nghiệp lên tiếng đề nghị ngân hàng giảm lãi suất 3-5%/năm trên cơ sở so sánh lãi suất của nhiều nước trên thế giới tiệm cận mức 0%, lãi suất của Mỹ là 0,25%/năm. Tuy vậy, trao đổi với báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ quốc gia cho rằng, đây là sự nhầm lẫn.
Cụ thể, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, mức lãi suất 0,25%/năm mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) áp dụng là lãi suất cho vay giữa Ngân hàng Trung ương Mỹ với các ngân hàng nhỏ để bù đắp thiếu hụt dự trữ bắt buộc chứ không phải là lãi suất cho vay giữa ngân hàng thương mại với người dân, doanh nghiệp.
Ở Mỹ, tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 10%, Trung Quốc là 8,9%. Có nghĩa là, ngân hàng thương mại (NHTM) tại Mỹ huy động 100 đồng thì phải nộp lại dự trữ bắt buộc cho Ngân hàng trung ương 10 đồng (không có lãi suất hoặc có lãi suất rất thấp như Việt Nam). Vào cuối tháng, cuối quý, NHTM nào chưa nộp đủ dự trữ bắt buộc thì Ngân hàng trung ương cho vay qua đêm với lãi suất 0,25%/năm và tối đa không quá 3 đêm. Nếu qua 3 đêm mà chưa nộp đủ dự trữ bắt buộc thì NHTM phải vay trên thị trường liên ngân hàng (vay các ngân hàng lớn với lãi suất cao hơn nhiều, có thể lên tới 1,5-2,5%/năm) để nộp đủ cho Ngân hàng trung ương.
Như vậy, lãi suất 0,25% mà Fed công bố không phải là lãi suất tiền gửi tiết kiệm, lại càng không phải là lãi suất mà các NHTM cho doanh nghiệp và dân chúng vay. Lãi suất điều hành của Fed chỉ có tác động gián tiếp đến lãi suất huy động và lãi suất cho vay qua thị trường liên ngân hàng.
Lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng các yếu tố cơ bản là chi phí huy động vốn và chi phí hoạt động.
Như đã nói ở trên, theo quy định, NHTM ở Mỹ huy động được 100 đồng thì phải dự trữ bắt buộc 10 đồng, trích lập dự phòng thanh khoản 20 đồng nữa và chỉ còn 70 đồng để cho vay. Như vậy, 70 đồng này phải gánh chi phí lãi suất huy động của cả 100 đồng.
Ví dụ, lãi suất huy động là 2% thì huy động 100 đồng, ngân hàng phải trả 2 đồng cho người gửi tiền nhưng chỉ được lấy 70 đồng cho vay. Với 70 đồng này, ngân hàng phải cho vay lãi suất tối thiểu 3% (3%x70 đồng= 2,1 đồng) thì mới hòa vốn. Tất nhiên, các ngân hàng thương mại lớn còn có nhiều khoản tiền gửi thanh toán lãi suất thấp, nên họ có thể cho vay thấp hơn 3%.
Ngoài ra, ngân hàng còn phải gánh chi phí hoạt động lớn, dao động từ 2-4%, thậm chí có nhiều nước cao hơn.
Như vậy, tính một cách sợ bộ, NHTM cho vay bằng lãi suất huy động bình quân (tiền gửi tiết kiệm + tiền gửi thanh toán…) cộng với phí hoạt động ngân hàng (gọi là biên lãi suất giữa tiền gửi và cho vay). Vì thế lãi suất cho vay ở Mỹ tùy thuộc vào lãi suất tiền gửi; cấp độ rủi ro và kỳ hạn cho vay nó dao động trong khoảng từ 2,5-4,6%/năm, là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Cũng cần lưu ý là lãi suất tiền gửi phụ thuộc rất lớn vào kỳ vọng lạm phát mà lạm phát ở Mỹ đã 2,5%.
Giảm lãi suất tiền gửi, cẩn trọng "bẫy thanh khoản"
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, ở Việt Nam, lạm phát bình quân hiện nay khoảng 3,5% (lạm phát kỳ vọng năm nay là 4%). Nếu lãi suất tiền gửi bằng với lạm phát hoặc bằng với kỳ vọng lạm phát thì lãi suất thực bằng không vì đồng tiền mất giá 4%/năm. Nếu lãi suất tiền gửi tiết kiệm là 5%/năm thì lãi suất thực xuống 1%. Trong trường hợp lãi suất tiền gửi bằng không hoặc âm, thì người gửi có xu hướng rút tiền về để kinh doanh ngoài ngân hàng như chứng khoán, mua trái phiếu, mua vàng, mua ngoại tệ, mua bất động sản…
Khi đó, hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế rơi vào cái gọi là “bẫy thanh khoản”, có thể bị rút tiền ồ ạt. Đây là giới hạn cuối cùng của giảm lãi suất huy động để cân nhắc về chính sách.
Thực tế, lãi suất tiền gửi hiện nay của Việt Nam đã rất gần giới hạn này. Một số ngân hàng nhỏ đã thấy áp lực thanh khoản khá lớn, họ thường đặt lãi suất huy động khá cao từ 6-7%, kỳ hạn trên 1 năm. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do giãn, hoãn nợ, nên nợ “giãn, hoãn” không thu về được để cho vay tiếp, do đó cần có tiền gửi bổ sung để đảm bảo tăng trưởng tín dụng bình thường bình quân 12-13%/năm.
Theo tính toán của TS. Lê Xuân Nghĩa, cơ hội để giảm tiếp lãi suất tiền gửi là rất thấp, khoảng 0,5% (khá mạo hiểm) và vì vậy cơ hội giảm lãi suất cho vay cũng khá thấp, khoảng 0,5-1% tùy điều kiện của từng ngân hàng, không thể giảm 3%-5% như doanh nghiệp mong muốn.
Có một thực tế là một năm rưỡi qua, các ngân hàng thương mại công bố lợi nhuận rất lớn, từ 12-20% vốn điều lệ (ROE); thực chất đây là lợi nhuận có bao gồm cả các khoản giãn, hoãn nợ (nợ xấu) mà chưa phải trích lập dự phòng rủi ro. Nói cách khác, đây là lợi nhuận dự tính thu được (lãi dự thu), không phải là tiền thật 100%. Cổ đông ngân hàng phấn khởi, ngân sách tăng thu nhưng đều là thu từ nợ xấu chưa hạch toán nội bảng.
Nếu theo tiêu chuẩn kế toán quốc tế (IAS), nợ xấu mất vốn bị hạch toán trừ vào vốn điều lệ (Vốn cấp I) thì thực chất là đang ăn vào vốn. Khi dịch Covid-19 đi qua, hết hạn giãn, hoãn nợ, nợ xấu sẽ tăng đột biến trên nội bảng, trích lập dự phòng rủi ro tăng cao, lợi nhuận dự thu giảm mạnh, nhiều ngân hàng có thể rơi vào tình trạng “tài chính hậu kỳ bất lực” nguy hiểm, như đã từng xảy ra vào những năm đầu của thập kỷ qua.
Hỗ trợ doanh nghiệp, cần có sự ra tay của Chính phủ
"Chúng tôi rất mong doanh nghiệp Việt Nam, kể cả kinh tế hộ gia đình, có được sự hỗ trợ của Chính phủ mạnh mẽ và hiệu quả như các nước khác đã làm (Mỹ, châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á) với khối lượng tiền trên 10 ngàn tỷ USD, chiếm 10% - 20% thậm chí 30% GDP của các nước này", TS Lê Xuân Nghĩa bày tỏ.
Song, theo ông, không chính phủ nào có tiền dư thừa lớn nhường ấy cả, họ đều phải vay để tài trợ doanh nghiệp, vay từ dân, vay từ ngân hàng trung ương (thông qua trái phiếu chính phủ) dưới những cách gọi khác nhau, như “Ngân hàng trung ương mua tài sản”, “Mở rộng bảng cân đối tài sản của ngân hàng trung ương” hoặc “Nới lỏng định lượng”… Tất cả các nước đều dùng chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp. Họ gần như không dám sử dụng hệ thống ngân hàng thương mại vào việc này.
Ở Việt Nam, theo TS Lê Xuân Nghĩa, nếu thực hiện đúng theo chỉ thị của Ngân hàng trung ương thì các ngân hàng thương mại đã làm được điều vượt quá thông lệ quốc tế rồi, và do đó, rủi ro tiềm ẩn đối ngân hàng, đối với tiền gửi và lòng tin của người gửi tiền là khá lớn.
Ngân hàng thương mại thực chất cũng là một doanh nghiệp, kinh doanh bằng tiền và lòng tin của người gửi tiền. Sự an toàn của các ngân hàng thương mại chính là để ổn định lòng tin của dân chúng, ổn định toàn bộ kĩnh tế vĩ mô và uy tín quốc tế của một quốc gia. Vì vậy, tiền gửi và lòng tin của người gửi đều được tất cả các nước bảo hiểm đặc biệt.