Ông Nguyễn Văn Dũng, Ủy viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc HNX cho biết, việc ghi nhận và tôn vinh những thành viên tiêu biểu là cần thiết để động viên, khích lệ sự đóng góp của các CTCK đối với hoạt động của Sở.
Được biết, HNX đã xây dựng bộ tiêu chí toàn diện đánh giá khối CTCK. Những CTCK đạt được tiêu chí như thế nào mới được gọi là tiêu biểu, thưa ông?
Trong quá trình vận hành, khối CTCK đã đóng góp rất nhiều cho thị trường và họ xứng đáng được ghi nhận và tôn vinh theo quan điểm của Sở. CTCK tiêu biểu phải là công ty hoạt động hiệu quả, có tình hình tài chính lành mạnh, tuân thủ tốt các nghĩa vụ thành viên và có tinh thần tích cực phối hợp với Sở trong các chương trình đào tạo, phổ biến kiến thức cho nhà đầu tư cũng như các hoạt động phát triển thị trường. Trên cơ sở đó, HNX đã xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá các CTCK thành viên qua 4 tiêu chí: thị phần giao dịch của các CTCK; mức độ an toàn tài chính qua việc áp dụng một số chỉ tiêu của mô hình CAMELS; tuân thủ nghĩa vụ của các thành viên; tính tích cực phối hợp với Sở trong các hoạt động phát triển thị trường.
Căn cứ vào các tiêu chí, HNX tiến hành chấm điểm đối với toàn bộ CTCK thành viên và lựa chọn những CTCK có số điểm cao nhất để vinh danh. Tùy theo yêu cầu và tính chất vinh danh của từng năm mà số lượng CTCK khác nhau.
Nhìn một cách tổng thể, ông đánh giá như thế nào về hoạt động của khối CTCK trong năm 2014?
Tính đến ngày 14/11/2014, trên thị trường cổ phiếu niêm yết tại HNX, bình quân khối lượng giao dịch đạt 68,54 triệu CP/phiên, giá trị giao dịch đạt 876 tỷ đồng/phiên, tăng 63% về khối lượng và 167% về giá trị so với năm 2013. Thanh khoản thị trường UPCoM trong 10 tháng đầu năm 2014 tăng 11 lần so với cùng kỳ năm trước, bình quân giá trị giao dịch đạt 23,4 tỷ đồng/phiên.
Sự sôi động của thị trường đã giúp các CTCK hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, hoạt động giao dịch của khối CTCK trong năm 2014 trên toàn thị trường cổ phiếu niêm yết tập trung chủ yếu vào các CTCK lớn, có nhiều khách hàng, các CTCK nhỏ phát sinh giao dịch thấp. Theo thống kê của Sở, về thị phần môi giới cổ phiếu tại HNX, Top 10 và Top 20 công ty có thị phần lớn nhất trong 10 tháng đầu năm 2014 chiếm lần lượt là 57,2% và 80,2% thị phần chung.
Số liệu báo cáo của các CTCK thành viên cho thấy, doanh thu của các CTCK thành viên tăng nhiều hơn mức tăng của chi phí nên lợi nhuận tăng mạnh. Tổng doanh thu của các CTCK trong 9 tháng đầu năm 2014 tăng 41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu môi giới chiếm 27% tổng doanh thu. Mức phân hóa doanh thu giữa các CTCK ngày càng tăng, Top 10 công ty có doanh thu lớn nhất chiếm 58%; Top 20 công ty có doanh thu lớn nhất chiếm gần 82% tổng doanh thu của các CTCK.
HNX đã chia sẻ, hỗ trợ khối CTCK phát triển như thế nào, thưa ông?
Trong thời gian qua, Sở đã thực hiện hàng loạt chương trình để hỗ trợ khối CTCK phát triển. Trước hết, đối với hoạt động công bố thông tin của CTCK, chúng tôi đã áp dụng công nghệ thông tin vào công bố thông tin: Sở đã hoàn thiện, phát triển hệ thống CIMS thành viên để áp dụng quy trình công bố thông tin tự động đẩy trực tiếp thông tin từ CTCK (CIMS) lên website của Sở. CTCK sẽ chủ động hơn trong việc quản lý thông tin công bố, đồng thời giảm thiểu rủi ro vi phạm về công bố thông tin. Đối với hoạt động giao dịch của CTCK, Sở đã chuyển đổi đường truyền dự phòng Megawan bằng đường truyền cáp quang với khả năng chuyển đổi tự động một cách linh hoạt giữa 2 đường truyền trong trường hợp có sự cố. Điều này góp phần đảm bảo hoạt động giao dịch tại các CTCK diễn ra thông suốt, liên tục, được các CTCK đánh giá cao.
Sở cũng đã tham gia tích cực trong công cuộc tái cấu trúc thành viên. Cụ thể, Sở phối hợp với những CTCK có dự định hợp nhất để xây dựng phương án chuyển đổi, hợp nhất một cách an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, không gây ra xáo trộn trong hoạt động kinh doanh và giao dịch của CTCK tham gia hợp nhất. Đến nay, CTCK MBS và CTCK VIT; CTCK Quốc tế Việt Nam và CTCK Đại Tây Dương đã thực hiện hợp nhất thành công.
Ngoài ra, để gia tăng chất lượng dịch vụ của các CTCK, Sở đã kết hợp với các CTCK tổ chức nhiều chương trình đào tạo nhà đầu tư như chuỗi chương trình đào tạo ETF với các CTCK SSI, Bảo Việt, VNDirect, VPBS.
Nhiều nhà đầu tư nhìn vào thị phần để lựa chọn CTCK mở tài khoản. Thị phần là một tiêu chí quan trọng, nhưng liệu có đủ để phản ánh mức độ an toàn, lành mạnh của các CTCK?
Theo quan điểm của tôi, thị phần của CTCK thể hiện chủ yếu thông qua hoạt động môi giới giao dịch. Trong khi đó, mức độ an toàn, lành mạnh của CTCK thể hiện qua nhiều yếu tố, trong đó an toàn tài chính chiếm vai trò trọng yếu. Bên cạnh đó, quản trị công ty cũng góp phần vào việc xây dựng CTCK an toàn, lành mạnh.
Trước năm 2013, HNX từng lấy thị phần làm tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá chất lượng một CTCK. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, nếu chỉ chạy đua để tăng thị phần, CTCK có thể có các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh khi cung cấp dịch vụ tài chính cho nhà đầu tư vượt quá quy định của pháp luật. Đó cũng là lý do để HNX xây dựng một bộ tiêu chí đầy đủ và khá riêng biệt để chấm điểm và đánh giá khối CTCK theo hướng chất lượng, công bằng hơn.