Hình mẫu Vành đai 3 TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng “thần tốc” tại dự án đường Vành đai 3 TP.HCM được xem là kiểu mẫu để Thành phố nhân rộng ra các dự án hạ tầng giao thông khác.
Đường Vành đai 3 TP.HCM nút giao Bình Dương - Tân Vạn. Ảnh: Lê Toàn Đường Vành đai 3 TP.HCM nút giao Bình Dương - Tân Vạn. Ảnh: Lê Toàn

Mấu chốt từ đơn giá đất

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đi qua 4 địa phương, bao gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An với ổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng. Đây là công trình giao thông quan trọng, mang tính chất kết nối các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Liên quan đến tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án, một vị lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, tính đến tháng 12/2022, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi đều rà soát hồ sơ pháp lý, đo đạc đạt 100% khối lượng công việc.

Tại TP. Thủ Đức, dù số lượng thủ tục hồ sơ và công việc lớn, nhưng cũng đạt kết quả tích cực. Ông Hồ Thanh Phong, Phó Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP. Thủ Đức cho biết, công tác giải phóng mặt bằng của dự án ban đầu gặp không ít khó khăn khi địa hình thu hồi đất phức tạp. Một số chủ sử dụng đất đã chuyển nhượng qua nhiều đời chủ, không phải người dân địa phương nên rất khó tìm thông tin chủ sử dụng, mời phối hợp thực hiện các công tác đo đạc, kiểm đếm, bổ sung hồ sơ, xác minh, xác nhận nguồn gốc… Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về quản lý đất đai của địa phương không đáp ứng yêu cầu chính xác thông tin chủ sử dụng đất.

“Dù vậy, công tác này vẫn được đảm bảo nhờ diện tích đất thu hồi đều là đất nông nghiệp và đa số đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặt khác, do giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư được địa phương tính sát giá thị trường nên tỷ lệ người dân đồng thuận giao mặt bằng cao”, ông Phong nói.

Được biết, tổng chi phí dự kiến cho công tác giải phóng mặt bằng của dự án Vành đai 3 TP.HCM vào khoảng 18.100 tỷ đồng. Theo dự toán do UBND TP. Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi lập, đơn giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư được tạm tính như sau: Đơn giá bồi thường đất ở từ 18,720 triệu đồng/m2 đến 40,149 triệu đồng/m2; đất trồng cây lâu năm có đơn giá bồi thường và hỗ trợ chuyển đổi nghề từ 3,840 triệu đồng/m2 đến 8,208 triệu đồng/m2; đất trồng cây hàng năm từ 3,2 triệu đồng/m2 đến 6,0 triệu đồng/m2.

Đơn giá bồi thường nêu trên chỉ là tạm tính, khi chính thức triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chính quyền 4 địa phương nói trên sẽ ký hợp đồng với đơn vị tư vấn độc lập thẩm định đơn giá đất cụ thể để trình Hội đồng thẩm định giá đất Thành phố và UBND Thành phố phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất làm cơ sở tính giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cũng chia sẻ rằng, đoạn Vành đai 3 đi qua địa bàn Thành phố có hơn 90% là đất nông nghiệp nên thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng. Hơn nữa, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cùng các địa phương nơi tuyến đường đi qua đã chặt chẽ từ khâu điều tra xã hội học tới rà soát pháp lý dự án, giá đền bù... Các trường hợp bị ảnh hưởng được tạo điều kiện định cư bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ sau khi giao đất.

Cần được nhân rộng

Đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Nhà Bè. Ảnh: Lê Toàn

Đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Nhà Bè. Ảnh: Lê Toàn

Trong quá trình triển khai các dự án hạ tầng giao thông, bồi thường và hỗ trợ tái định cư là công đoạn khó khăn nhất. Lý do là ngoài phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, các cấp chính quyền còn phải thực hiện song song phương án hỗ trợ, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, ban hành quyết định thu hồi đất…

Chính vì vậy, việc giải phóng mặt bằng “thần tốc” để thực hiện dự án Vành đai 3 TP.HCM được lãnh đạo các địa phương cũng như giới chuyên gia trong ngành đánh giá là “kiểu mẫu”, cần tiếp tục phát huy trong các giai đoạn tiếp theo và nhân rộng ra các dự án đầu tư công khác.

Thực tế, những năm qua, TP.HCM luôn là địa phương đi đầu về công tác phát triển, chỉnh trang đô thị; triển khai thực hiện nhiều dự án về giao thông, xây dựng các khu chế xuất - khu công nghiệp, khu công nghệ và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác. Cũng vì thế mà công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng luôn được quan tâm nhất.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác này vẫn còn tồn tại một số bất cập, đó là một số quy định mới thay thế chưa theo kịp thực tế phát triển của địa phương, dẫn đến không ít dự án bị chậm trễ, gây bức xúc, khiếu kiện.

Chẳng hạn, tại dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), thời gian thi công chỉ 6 tháng, nhưng công tác đền bù phải chờ 1-2 năm. Hay như dự án cải tạo kênh A41 thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất, có nhiều hộ dân khiếu nại về việc chủ đầu tư tự ý “nắn chỉnh” tim kênh; thiết kế độ rộng của vỉa hè đường trên kênh quá rộng so với quy định; bồi thường giá đất chỉ bằng 35-40% so với giá thị trường; một số người lấn chiếm hành lang kênh, lòng kênh vẫn được công nhận chủ quyền để đền bù 100%...

Chia sẻ tại chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” do HĐND TP.HCM tổ chức mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay, quan điểm của Thành phố là đời sống của người dân phải bằng hoặc tốt hơn sau khi tái định cư. Tuy nhiên, việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư cần dựa trên nền pháp lý chung cộng với một số chính sách có thể linh hoạt được, phù hợp với khả năng của Thành phố, chứ không thể có một chính sách riêng.

“Đây là điều cần được giải quyết đồng bộ từ chủ trương, chính sách đến thể chế, hành lang pháp lý và Thành phố sẽ có ý kiến góp ý về vấn đề này để đưa vào dự thảo sửa đổi Luật Đất đai đang được lấy ý kiến rộng rãi, cũng như cụ thể hóa Nghị quyết 18 của Trung ương về vấn đề đất đai”, ông Mãi nói và cho biết thêm, UBND Thành phố và các sở, ngành đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp để giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư tiệm cận được với giá thị trường. Bên cạnh đó, Thành phố cũng có chính sách đặc thù để bù đắp khoảng chênh lệch này.

Theo các chuyên gia, khi dự án hạ tầng giao thông được đẩy nhanh tiến độ sẽ tạo cú huých cho kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng nơi dự án đi qua. Bởi hiện nay, xu hướng người dân dịch chuyển ra các khu đô thị vệ tinh gần khu vực trung tâm ngày càng rõ nét. Nhiều chủ đầu tư lớn đã và đang triển khai các dự án bất động sản tầm cỡ ở khu vực vùng ven, lượng dân cư hiện hữu đông đúc, hạ tầng giao thông hoàn thiện và được quy hoạch phát triển bài bản.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills chia sẻ, hạ tầng giao thông TP.HCM đã và đang đi đúng hướng, trở thành vùng lõi trung tâm và hướng tới phát triển vùng ven, qua đó thúc đẩy chính sách giãn dân từ trung tâm ra vùng ngoại ô. Để thực hiện được điều này, việc phát triển hạ tầng giao thông kết nối rất quan trọng, đây sẽ là động lực phát triển kinh tế giữa các địa phương cũng như giải quyết được bài toán gia tăng dân số đô thị, đặc biệt là tạo cú huých cho thị trường bất động sản phát triển.

“Để thu hút được khách hàng, dân cư về ở tại dự án, đòi hỏi phải có những tiện ích đi kèm. Ngoài các tiện ích cơ bản như điện, nước, trung tâm y tế, trường học…, hạ tầng giao thông có tính liên kết vùng đóng vai trò vô cùng quan trọng cho việc phát triển các dự án bất động sản khu vực vùng ven TP.HCM”, ông Khương nhấn mạnh.

Việt Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục