Hiệu ứng tân binh đến giai đoạn đặt cược

(ĐTCK) “Hầu hết cổ phiếu, cả lớn và bé, cứ lên sàn là tăng giá mạnh, nhà đầu tư đổ xô đi săn cổ phiếu trên OTC rồi chờ doanh nghiệp lên sàn và bán ra để kiếm lời”. Đó là giai đoạn từ cuối năm 2016 đến nửa đầu năm nay. Gần đây, cổ phiếu mới lên sàn thường có diễn biến giảm giá.
Nếu đặt cược vào hiệu ứng tân binh mà không chọn lọc kỹ mã cổ phiếu thì rủi ro giảm giá sẽ ở mức cao Nếu đặt cược vào hiệu ứng tân binh mà không chọn lọc kỹ mã cổ phiếu thì rủi ro giảm giá sẽ ở mức cao

Giai đoạn thị trường chứng khoán hưng phấn, nhà đầu tư tập trung “săn” cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn trên thị trường tự do (OTC) như Vietjet Air (VJC), Petrolimex (PLX), Xây lắp điện 1 (PC1)…, nhiều người rỉ tai nhau “mua OTC xong lên sàn đều ngon”.

Thực tế cho thấy, cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn này tăng giá mạnh sau khi lên sàn. Các cổ phiếu khác như CTF, HII, GKM, CEE, TNI…, liên tục tăng giá trần, mang lại tỷ suất lợi nhuận cao cho nhà đầu tư mua trên thị trường OTC trước đó và những nhà đầu tư mua được trong những phiên đầu chào sàn.

Sau giai đoạn giá tăng cao, đa số cổ phiếu có diễn biến điều chỉnh mạnh, bởi áp lực xả hàng nhằm hiện thực hóa lợi nhuận. Đây là điều không gây bất ngờ và giá thường duy trì ở mức cao hơn mức giá phiên đầu tiên. Theo đó, chủ yếu những nhà đầu tư đu sóng, mua ở vùng giá đỉnh gặp rủi ro.

Tuy nhiên, trái ngược với kịch bản trên, thời gian gần đây, nhiều tân binh của thị trường chịu cảnh vừa lên sàn đã liên tục giảm giá. Ngay cả cổ phiếu được đánh giá là “bom tấn” của Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán VPB) cũng không tăng giá như kỳ vọng ở ngày giao dịch đầu tiên (17/8) và có 2 phiên giảm liên tiếp sau đó. Hiện cổ phiếu này vẫn được giao dịch ở dưới mức giá tham chiếu trong phiên chào sàn.

Một số cổ phiếu khác chào sàn HOSE trong tháng 7 và 8 đang trải qua chuỗi ngày giảm giá là VND của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, VDS của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, PPH của Tổng công ty Phong Phú, TVT của Tổng công ty Việt Thắng…, trong đó VND và VDS chuyển từ sàn HNX sang.

Theo ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường, Công ty Chứng khoán BSC, giá cổ phiếu VND và VDS giảm mạnh vì kỳ vọng của nhà đầu tư đã được phản ánh trước đó, cả 2 cổ phiếu này đã tăng giá mạnh trên HNX trước khi chuyển sàn.

Trường hợp cổ phiếu dệt may PPH và TVT, cả 2 doanh nghiệp đều có các chỉ số tài chính tương đối ấn tượng so với nhóm doanh nghiệp dệt may trên sàn. Tuy nhiên, PPH và TVT công bố kết quả bán niên 2017 kém tích cực so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm, TVT lãi sau thuế 48,7 tỷ đồng, giảm 23% (cùng kỳ năm ngoái, Công ty có khoản thu nhập khác gần 25,5 tỷ đồng). Với PPH, doanh thu 6 tháng đạt 1.392 tỷ đồng, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 34% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 137,14 tỷ đồng, giảm 38,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giá vốn hàng bán tăng mạnh và phần lãi trong công ty liên kết giảm.

Trên sàn UPCoM, cổ phiếu MLN của Công ty cổ phần Mai Linh Miền Bắc giảm giá sàn trong 3 phiên giao dịch đầu tiên, mất 55,6% giá trị so với giá tham chiếu phiên chào sàn ngày 25/8 vừa qua.

Một số ý kiến cho rằng, MLN lên sàn trong thời điểm khó khăn khi các doanh nghiệp taxi đang bị đánh giá lép vế trước sức ép của Uber, Grab. Kết quả hoạt động của MLN nói riêng và nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống khác không quá tệ, trong khi thị trường taxi còn tiềm năng, nhưng trong cuộc cạnh tranh thời công nghệ số hiện nay, nhà đầu tư chưa nhìn thấy chiến lược dài hơi và tính khả thi.

Diễn biến giảm giá của không ít cổ phiếu chào sàn gần đây khiến nhà đầu tư tỏ ra thận trọng với chiến lược mua cổ phiếu OTC, đón sóng lên sàn. Tuy nhiên, cơ hội không phải đã hết, vẫn có những tân binh tăng giá như PLP của Công ty cổ phần Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê, DS3 của Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 3, VDP của Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương VIDIPHA. Trong đó, PLP đến ngày 31/8 đã có 9 phiên tăng trần liên tiếp, giúp giá cổ phiếu tăng gấp đôi.

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Khối phân tích, Công ty Chứng khoán Bảo Việt, khó có thể kết luận về việc hiệu ứng tân binh đã kết thúc, bởi cổ phiếu mới lên sàn tăng giá hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Giai đoạn trước đây, cổ phiếu của những doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả, hoặc gần như có yếu tố độc quyền trong ngành, nhà đầu tư rất quan tâm, giá thường tăng mạnh sau khi lên sàn.

Thực tế này dẫn đến hiệu ứng tân binh, khiến kỳ vọng của nhà đầu tư được phản ánh vào giá trước khi cổ phiếu lên sàn. Tức là trên sàn OTC, giá cổ phiếu đã tăng mạnh, nếu giá chào sàn cao hơn mức mà nhiều nhà đầu tư khác chấp nhận được, thì cổ phiếu sẽ khó tăng giá.

Bên cạnh đó, ở giai đoạn thị trường điều chỉnh, kém sôi động, cổ phiếu không thuộc các ngành "nóng" và không có thông tin hỗ trợ tích cực, thì khi lên sàn cũng ít nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư.

Về cơ bản, hiệu quả kinh doanh, triển vọng hoạt động của doanh nghiệp và mức giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên vẫn là những yếu tố chính tác động đến diễn biến giá cổ phiếu sau khi chào sàn. Nếu đặt cược vào hiệu ứng tân binh mà không chọn lọc kỹ mã cổ phiếu thì rủi ro giảm giá sẽ ở mức cao, nhất là trong bối cảnh thị trường chung điều chỉnh.

Nguyễn Gia
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục