Triển vọng 3 tân binh “tỷ USD” Vietnam Airlines, Masan Consumer, Vinatex trên UPCoM

(ĐTCK) Tuần đầu năm mới, UPCoM chào đón 3 doanh nghiệp lớn lên sàn là Vietnam Airlines, Masan Consumer, Vinatex, trong đó 2 doanh nghiệp đầu có giá trị vốn hóa hàng tỷ USD.
Lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán bấm nút khai trương cổ phiếu Vietnam Airlines và Vinatex lên sàn UPCoM ngày giao dịch đầu năm 2017 Lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán bấm nút khai trương cổ phiếu Vietnam Airlines và Vinatex lên sàn UPCoM ngày giao dịch đầu năm 2017

Vietnam Airlines: lợi nhuận/vốn chủ sở hữu 6 - 10% là hiệu quả

Ngày 3/1/2017, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN) đăng ký giao dịch hơn 1,2 tỷ cổ phiếu, với giá tham chiếu 28.000 đồng/CP (đóng cửa phiên giao dịch 4/1 đạt 45.000 đồng/CP).

HVN vừa công bố kết quả kinh doanh dự kiến năm 2016 ở mức cao kỷ lục. Theo đó, tổng doanh thu hợp nhất ước đạt trên 76.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2015 và hoàn thành 95,56% kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt gần 2.500 tỷ đồng, tăng 140% so với năm 2015 và hoàn thành 107% kế hoạch.

Trong đó, Công ty mẹ ước đạt gần 59.100 tỷ đồng tổng doanh thu và gần 1.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 5,6 lần so với năm 2015 (282 tỷ đồng) và 9,3 lần so với năm 2014 (172 tỷ đồng).

Ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho biết, năm vừa qua, lợi nhuận cao của HVN có được nhờ yếu tố thuận lợi là tỷ giá ổn định và giá dầu thấp.

Theo ông Minh, thị trường hàng không Việt Nam đang phát triển trong xu thế chung của khu vực Đông Nam Á, đó là sự đi lên mạnh mẽ của lĩnh vực vận tải hàng không chi phí thấp. Ở Việt Nam, mảng hàng không giá rẻ phát triển rất nhanh, hiện chiếm trên 40% thị phần, tạo áp lực lên hạ tầng vận tải hàng không, dẫn tới doanh nghiệp đối mặt với bài toán phát triển hài hòa với sự phát triển của hạ tầng sân bay.

Dù có sự cải thiện vượt bậc về doanh thu và lợi nhuận trong năm qua, nhưng Chủ tịch HVN cho hay, kinh doanh vận tải hàng không có rất nhiều yếu tố bất định, ngoài sự kiểm soát của Ban quản trị. Do đó, trong lĩnh vực hàng không, khó có thể kỳ vọng tăng trưởng 20 - 30%, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức 6 - 10% đã là chỉ số rất hiệu quả. 

Vinatex: Tổng cầu đi xuống, Vinatex vẫn tăng trưởng xuất khẩu 5%

Cùng chào sàn với HVN trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2017, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã chứng khoán VGT) đưa 500 triệu cổ phiếu VGT lên sàn với giá tham chiếu 13.500 đồng/CP.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), giá tham chiếu 13.500 đồng/CP của VGT tương ứng với P/E là 15,3 lần, P/B 0,9 lần và P/S 0,5 lần. Các chỉ số định giá này cao hơn so với mức trung bình ngành của các công ty dệt may đã niêm yết. Tuy nhiên, BVSC cho rằng, mức giá chào sàn trên đáng để xem xét cho danh mục đầu tư dài hạn. Bởi lẽ, dệt may vẫn là ngành mà Việt Nam có lợi thế so sánh tương đối trong khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, Vinatex là thương hiệu lớn, có chuỗi cung ứng khép kín, sẽ được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, Vinatex đang sở hữu khối tài sản đất đai có giá trị lớn.

Tại lễ khai trương giao dịch, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex chia sẻ, thị trường dệt may quốc tế năm 2016 có nhiều biến động, nhu cầu thị trường thấp, nhưng Vinatex duy trì tăng trưởng trên 5%, cải thiện thị phần cả ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản trong điều kiện tổng cầu đi xuống.

Mặc dù còn nhiều bất định về thị trường cũng như chưa rõ về tương lai của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng doanh nghiệp dệt may Việt Nam tự tin sẽ tiếp tục là ngành nghề kinh doanh có nhiều tiềm năng và sức hút trên thị trường.

Ông Trường kỳ vọng, việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán sẽ mở cánh cửa huy động vốn, giúp Tập đoàn tiếp cận các nhà đầu tư tương lai nhằm hoàn chỉnh chuỗi cung ứng sản phẩm hiệu quả.

9 tháng đầu năm 2016, Vinatex đạt doanh thu thuần 11.287 tỷ đồng và lãi trước thuế 510,6 tỷ đồng, tăng lần lượt 1,3% và 24% so với cùng kỳ năm 2015; lợi nhuận sau thuế hơn 455 tỷ đồng, trong đó 256,6 tỷ đồng của cổ đông Công ty mẹ. 

Masan Consumer: giá cao, cổ tức cao

Ngày 5/1, Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, mã chứng khoán MCH) đăng ký giao dịch hơn 538 triệu cổ phiếu (MCH), với giá tham chiếu 90.000 đồng/CP. Mức giá chào sàn này được xem là rất cao trên UPCoM, nhưng không gây bất ngờ khi đây là doanh nghiệp có lợi nhuận cao và trả cổ tức khủng trong các năm qua.

Năm 2017, MCH đặt kế hoạch kinh doanh hợp nhất với chỉ tiêu doanh thu thuần 15.500 - 16.000 tỷ đồng, tăng 6,89 - 10,34% so với kế hoạch năm 2016; lợi nhuận ròng từ 2.900 - 3.100 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với con số dự kiến năm 2016. Trong năm 2017, MCH dự định nâng vốn điều lệ từ 5,381 tỷ đồng lên 5.461 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm 2016, MCH ghi nhận doanh thu thuần 9.100 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015; lãi ròng 1.684 tỷ đồng, giảm 4,15%; EPS đạt 3.177 đồng. Với kết quả này, MCH hoàn thành hơn 63% kế hoạch doanh thu và 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Mặc dù vậy, theo MCH, Công ty thường đạt doanh thu và lợi nhuận lớn vào các tháng cuối năm do sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng trong những tháng giáp Tết, nên Công ty tin tưởng sẽ đạt được kế hoạch năm 2016.

Năm 2017, MCH dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 40 - 50%/mệnh giá. Giai đoạn 2014 - 2016, tỷ lệ cổ tức của MCH lần lượt là 110%, 60%, 56%.              

Nguyễn Gia

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục