Hiệu ứng SAB, sự phấn khích sẽ không nhất thời

(ĐTCK) Cuộc đấu giá cổ phần Sabeco (SAB) đã tạo sự phấn khích, lan tỏa rộng và sâu sắc trong cộng đồng nhà đầu tư cũng như trong xã hội.
Hiệu ứng SAB, sự phấn khích sẽ không nhất thời

Trong cuộc đấu giá SAB có sự xuất hiện của một nhà đầu tư cá nhân là anh Ngô Vinh Hiển, mua 20.000 cổ phiếu SAB. Theo chia sẻ của anh Hiển, trước đó anh đã đầu tư vào SAB.

Với một nhà đầu tư cá nhân thì số tiền hơn 6,4 tỷ đồng bỏ ra mua 20.000 cổ phần SAB là rất lớn. Nhưng quan trọng hơn cả là sự nhiệt tình của anh Hiển khi bay từ Hà Nội vào TP.HCM để trực tiếp đấu giá, thay vì bỏ giá tại công ty chứng khoán đại lý.

Có ý kiến cho rằng, sự tham gia của anh Hiển có thể đã được “sắp đặt” để đảm bảo cuộc đấu giá đáp ứng đủ điều kiện có tối thiểu 2 nhà đầu tư tham gia. Mặc dù vậy, cho dù sắp đặt hay không thì việc nhà đầu tư cá nhân này chịu xuất hiện trước công chúng, tiết lộ danh tính, đồng thời khẳng định không liên quan gì đến tổ chức tham gia đấu giá là ThaiBev cho thấy mức độ nhiệt tình của anh với SAB.

Tổng số tiền Nhà nước thu về từ đợt đấu giá 53,59% cổ phần SAB là gần 5 tỷ USD, một con số khiến không chỉ những nhà đầu tư trên thị trường tài chính - chứng khoán cảm thấy ấn tượng, mà cả những người đang đứng ngoài thị trường chứng khoán “giật mình”. Sự kiện này đã thu hút thêm dòng tiền trong dân chảy vào chứng khoán và dự kiến sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư đến với thị trường chứng khoán nhờ hiệu ứng SAB.

Trên thị trường niêm yết, tác động tích cực của sự kiện đấu giá thành công SAB được thể hiện rất rõ. Trong ngày diễn ra cuộc đấu giá, các cổ phiếu trụ cột như VNM, GAS, VIC, VCB, ROS... đều tăng giá. Toàn sàn HOSE, các mã chứng khoán tăng giá chiếm đa số, với 176 mã tăng. Khối ngoại quay trở lại mua ròng các cổ phiếu blue-chips như HPG,VCI, VRE, NLG, VNM, VJC…

Theo nhiều chuyên gia, việc Nhà nước bán thành công 53,59% cổ phần SAB, thu về gần 5 tỷ USD, sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, gia tăng lượng dự trữ ngoại hối (thời điểm tháng 10/2017 là 45 tỷ USD), giúp tỷ giá vốn hay biến động vào cuối năm, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có động thái tăng lãi suất USD, sẽ ổn định hơn.

Bên cạnh đó, lượng tiền VND được bơm ròng ra tương ứng sẽ giúp lãi suất ngân hàng có điều kiện giảm, từ đó thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh. Mặt khác, một phần dòng tiền dự báo sẽ tìm tới kênh đầu tư có mức sinh lợi tốt hơn, trong đó có chứng khoán.

Việc Nhà nước bán SAB ở mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu, tương đương P/E gần 46 lần, là mức định giá cao. Theo đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp khác mà Nhà nước có kế hoạch thoái vốn có thể sẽ trở thành mục tiêu đầu tư của thị trường trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, có rủi ro là giá SAB có thể quay đầu giảm khi kết thúc hiệu ứng. Một diễn biến đáng chú ý trong ngày đấu giá SAB là nhà đầu tư ngoại bán ròng SAB trên sàn niêm yết.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán HSC, một nhà đầu tư chiến lược dài hạn sẽ có cách định giá SAB khác với một nhà đầu tư tài chính. Nhà đầu tư tài chính chủ yếu dựa trên định giá bình quân khu vực trong khoảng thời gian 12 - 18 tháng để làm cơ sở định giá. Đứng trên quan điểm đó thì SAB kém hấp dẫn. HSC ước tính, giá trị hợp lý của cổ phiếu SAB là 187.000 đồng/cổ phiếu, tương đương P/E dự phóng năm 2018 là 22,5 lần.

Hiện cổ phiếu SAB đang có P/E dự phóng năm 2017 là 43,6 lần và chỉ số EV/EBITDA là 32,5 lần, nghĩa là khá đắt (EV là giá trị doanh nghiệp, được tính bằng cách lấy giá trị vốn hóa thị trường cộng tổng nợ, trừ tiền mặt; EBITDA là lợi nhuận trước thuế, chi phí lãi vay và khấu hao. Chỉ số EV/EBITDA cho biết phải mất bao lâu để có thể bù đắp các chi phí của việc mua lại doanh nghiệp nếu EBITDA không thay đổi).

Thực tế, giá cổ phiếu SAB tăng mạnh trong những tháng qua trước kỳ vọng bán vốn nhà nước, từ đó định giá của cổ phiếu ở mức cao. Trong khi đó, triển vọng lợi nhuận có vẻ khả quan nếu dựa trên dự báo của HSC. HSC cho rằng, trong thời gian tới, SAB sẽ tăng trưởng cùng tốc độ tăng trưởng của ngành, nhưng tỷ suất lợi nhuận có thể được cải thiện khi có nhà đầu tư mới.

Với thực tế này, nếu nhiều nhà đầu tư nội và ngoại cùng thoái vốn SAB trên sàn để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới thì sức ép với thị trường là không nhỏ. Trong bối cảnh mặt bằng giá cổ phiếu của thị trường chứng khoán Việt Nam không còn nhiều hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực, cộng với hiệu ứng tâm lý qua đi, Công ty Chứng khoán Sài Gòn cho rằng, thị trường sẽ gặp áp lực điều chỉnh trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, dòng tiền vẫn sẽ ở lại thị trường để tìm kiếm cơ hội đầu tư, bởi niềm tin vào thị trường không phải là sự hưng phấn nhất thời.

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục