Nội dung trên được ông Hà chia sẻ tại buổi giới thiệu về đợt chào bán cổ phần tại Sabeco diễn ra chiều ngày 29/11 do Bộ Công thương tổ chức.
Tại buổi giới thiệu, nhiều nhà đầu tư đã đặt câu hỏi về việc Tổng công ty có nới room nước ngoài hơn mức 49% trước khi tiến hành đấu giá cạnh tranh hay không? Bởi nếu giữ nguyên room ngoại ở mức 49% và loại trừ lượng cổ phần nhà đầu tư nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua thì còn 15% vốn SAB chưa chắc các nhà đầu tư trong nước hấp thụ được hết. Điều này có thể làm ảnh hưởng tới sự thành công của đợt chào bán.
Trả lời những thắc mắc trên của nhà đầu tư, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng cục công nghiệp Bộ Công Thương cho biết, trong quá trình xem xét bán vốn, Chính phủ đã cân nhắc và căn cứ trên quy định pháp luật Việt Nam hiện nay thì chưa mở room cho nhà đầu tư nước ngoài tại SAB.
Bên cạnh đó, những câu hỏi của nhà đầu tư liên quan đến mức giá khởi điểm 320.000 đồng/CP, mức PE đang giao dịch hơn 45 lần, cao hơn nhiều so với các công ty nhãn hiệu bia nổi tiếng khác... sẽ ảnh hưởng đến khả năng thành công của đợt chào bán cũng đã được đại diện Bộ Công thương trả lời. Hay thanh khoản của cổ phiếu SAB rất thấp, đôi lúc như có dấu hiệu đẩy giá. Bộ Công thương có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?
Theo ông Hoài, đây là mức giá mà thị trường chấp nhận và Bộ Công thương cũng tuân thủ theo luật pháp quy định khi lựa chọn giá khởi điểm. Tùy thuộc vào kết quả của đợt bán vốn, nếu bán chưa hết số cổ phần chào bán, Bộ Công thương sẽ báo cáo Thủ tướng cho các đợt bán tiếp theo.
Về các giao dịch bất thường, SAB là cổ phiếu vốn hóa lớn, có tác động nhất đến thị trường chứng khoán nên Bộ Công thương đã thành lập tổ giám sát bao gồm nhiều thành viên đến từ Bộ Công thương, Bộ Công an… để giám sát quá trình giao dịch cổ phiếu trên thị trường nhằm phát hiện những dấu hiệu bất thường. Tổ giám sát sẽ theo dõi trực tiếp các diễn biến, phối hợp với các ban ngành để tạo sự ổn định và minh bạch cho giá cổ phiếu.
Chia sẻ bên lề buổi roadshow, ông Nguyễn Hữu Tuấn, đại diện liên danh tư vấn cho biết, trong 2 đợt roadshow tại Anh và Singapore, thành phần tham gia trên 100 nhà đầu tư lớn, trong đó nhà đầu tư nhỏ nhất đang quản lý khối tài sản khoảng 30 tỷ USD, nhà đầu tư lớn nhất quản lý tài sản 6.000 tỷ USD, đến từ nhiều ngành nghề, có cả các công ty quản lý quỹ.
Ban tổ chức đã sắp xếp các cuộc gặp gỡ trực tiếp, riêng biệt từng nhà đầu tư để có thời gian cho các này tìm hiểu thông tin chi tiết về SAB.
Theo đó, ông Tuấn cho rằng mức giá thị trường mang yếu tố cung cầu nhiều. Đối với nhà đầu tư tham gia đợt chào bán thì có lẽ phần lớn họ đã có cơ sở quyết định.
Bản thân ngành nghề hoạt động của SAB là F&B- ngành được đánh giá triển không riêng tại Việt Nam với mức tăng trưởng cao. Riêng Việt Nam, có nhiều lợi thế như quy mô 100 triệu dân, văn hóa uống bia của Việt Nam và thương hiệu rất lâu đời Sabeco.
Mục tiêu năm 2018: thị phần tăng lên 42-43%
Theo tài liệu SAB cung cấp, năm 2018, SAB đặt kế hoạch doanh thu 35.981 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.806 tỷ đồng, tăng lần lượt 4% và 2% so với cùng kỳ năm trước. Cổ tức dự kiến 35%.
Cở sở của kế hoạch dựa trên dự báo tình hình kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm 2017 và tiếp tục tăng trên 6% giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh đó, ngành bia cũng có triển vọng tích cực và với vị thế dẫn đầu thị phần trên 40% năm 2016 và năng lực sản xuất hiện tại của Sabeco vào khoảng 1,8 tỷ lít/năm.
Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc Sabeco cho biết, ở phân khúc trung bình, Sabeco chiếm 40% thị phần và 20% thị phần trung và cao cấp.
Nhiều ý kiến lo ngại dân số Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số già đi, sẽ tác động không tích cực đến tình hình tiêu thụ bia, tuy nhiên theo ông Nam, quy mô dân số năm 2017 tăng 4,3% và dự kiến tăng 4,1% trong năm 2018.
Đồng thời, ở khu vực nông thôn, với mức thu nhập ngày được cải thiện hơn nên có sự dịch chuyển từ sử dụng rượu tự nấu sang bia nhiều hơn. Đây là động lực để SAB phát triển, đa dạng sản phẩm và gia tăng thêm thị phần.
Ông Nam cho biết thêm, trong năm 2017, SAB cũng cho ra mắt sản phẩm bia mới là Saigon Gold thuộc phân khúc cao cấp. Dự kiến năm 2018 sẽ cho ra tiếp 1-2 sản phẩm mới; thay đổi cơ cấu bán hàng và tấn công thị trường kỳ vọng lấy thêm thị phần từ các đối thủ.
Mục tiêu trong năm 2018, thị phần SAB khoảng 42-43%, trong phân khúc cao cấp thêm khoảng vài %. Giai đoạn 2018-2020, sản lượng tiêu thụ bia khoảng 4,4-4,6 tỷ lít/năm.
Năm 2018, SAB đặt kế hoạch doanh thu 35.981 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.806 tỷ đồng, tăng lần lượt 4% và 2% so với cùng kỳ năm trước. Cổ tức dự kiến 35%.
Ngoài ra, ông Nam chia sẻ, thị trường bia không thể tăng như tăng trưởng kinh tế. Với các nước Đông Nam Á, thị trường bia tăng rồi đi ngang, sau đó giảm. Ở Việt Nam, thị trường có thể tiếp tục tăng trưởng đến năm 2020 – 2022, sau đó sẽ đi giống với chu kỳ trong khu vực. Tức còn 5 năm nữa để tăng trưởng, SAB đã tính toán kỹ và sẽ gia tăng sản lượng bằng 2 cách là tăng thị phần tự nhiên và tăng từ việc lấy thêm thị phần của đối thủ.
Liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt tăng hàng năm 5% và đến năm 2018 dừng ở mức 65%, mức tăng này được đánh giá tăng hơn tốc độ tăng doanh thu nên nhiều nhà đầu tư bày tỏ lo ngại.
Tuy nhiên, theo Ban Lãnh đạo SAB, trong quá trình xây dựng kế hoạch kinh doanh Tổng công ty đã đưa vào tính toán những yếu tố này và có nhiều phương án để xử lý. Ngoài ta, Sabeco cũng có nhiều lợi thế khác biệt hơn so với các đối thủ, chẳng hạn giá bán sản phẩm sát với giá trị thực - lợi thế mà không có đối thủ nào có được.