Hiện thực hóa triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam - CHLB Đức

0:00 / 0:00
0:00
Chuyển đổi năng lượng và lao động là hai lĩnh vực hợp tác rất triển vọng mà Việt Nam và CHLB Đức mong muốn thúc đẩy trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, chiều nay (24/1), Tổng thống CHLB Đức Frank-Walter Steinmeier và đoàn doanh nghiệp lớn tháp tùng sẽ trao đổi với đại diện các doanh nghiệp Việt Nam về triển vọng hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước.

“Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn hàng đầu đối với các doanh nghiệp Đức, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các tập đoàn lớn để triển khai chiến lược giảm thiểu rủi ro trong đầu tư và kinh doanh toàn cầu”, ông Vũ Quang Minh, Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức cho hay.

Theo Đại sứ Vũ Quang Minh, những năm gần đây, quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - CHLB Đức tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là từ sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Olaf Scholz vào tháng 11/2022.

Tin cậy chính trị tiếp tục được tăng cường thông qua nhiều cuộc tiếp xúc cấp cao và các cấp. Đức duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á.

Đặc biệt, hai bên đã có nhiều bước tiến mới nhằm tiếp tục tăng cường mạnh mẽ sự tin cậy trong mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, trong đó có việc thực hiện thành công các kế hoạch hành động triển khai Đối tác Chiến lược các giai đoạn và vừa qua là ký thỏa thuận Kế hoạch hành động triển khai Đối tác Chiến lược giai đoạn 2023 - 2025, ký kết và triển khai một số khuôn khổ hợp tác mới như Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác quốc phòng…, cũng như tích cực trao đổi đoàn các cấp.

Về hợp tác kinh tế, kim ngạch thương mại song phương cả năm 2023 đạt trên 11 tỷ USD tính theo số liệu của Việt Nam và 17,12 tỷ USD theo số liệu của Cơ quan Thống kê Liên bang Đức - Destatis (tính đến hết tháng 11/2023).

Tính đến ngày 31/12/2023, có 464 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của Đức vào Việt Nam còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 2,74 tỷ USD, trong đó riêng trong năm 2023, có thêm 33 dự án đầu tư mới với tổng vốn 340 triệu USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 37 dự án đầu tư vào Đức còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 283,3 triệu USD.

Về hợp tác phát triển, hai nước đã kết thúc thành công đàm phán chính phủ hàng năm về viện trợ phát triển chính thức (ODA), qua đó Đức cam kết viện trợ không hoàn lại 61 triệu euro cho Việt Nam cho giai đoạn 2024 - 2025. “Đây là những con số ấn tượng trong bối cảnh cả thế giới gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - thương mại vài năm qua do hậu quả của dịch bệnh và xung đột” Đại sứ Vũ Quang Minh nói.

Khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của Đức tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam Guido Hildner cho biết, Đức mong muốn tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế và chính trị. Trong đó, năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, công nghiệp chế tạo, dịch vụ, hậu cần, giáo dục… là những ưu tiên hợp tác của cả hai bên.

Hai lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Việt Nam và Đức trong thời gian tới là chuyển đổi năng lượng và lao động. Là một trong những quốc gia phát triển thiết lập quan hệ Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Đức muốn hỗ trợ Việt Nam hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo và loại bỏ các nguồn năng lượng hóa thạch và than đá.

Về hợp tác trong lĩnh vực lao động, hai bên đang rất quan tâm việc đào tạo nghề và đưa lao động lành nghề Việt Nam sang làm việc tại Đức trong bối cảnh Đức đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động này.

Đại sứ Guido Hildner khẳng định, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống CHLB Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân là điểm nhấn trong quan hệ song phương trong năm 2024. “Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao mới”, ông nói.

Thanh Huyền
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục