Hiến kế tăng sức mạnh cho thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Nếu như T+0 là giải pháp phải chờ trong dài hạn, thì UBCK cho biết, sẽ đốc thúc các Sở, các thành viên sớm hoàn thiện các yếu tố cần thiết để triển khai sản phẩm bán cổ phiếu trên đường về hoặc giao dịch trong ngày.
Giải pháp T+0 rất thiết thực với các thành viên TTCK, nhưng thực tế khó triển khai thực hiện trong vài năm tới đây Giải pháp T+0 rất thiết thực với các thành viên TTCK, nhưng thực tế khó triển khai thực hiện trong vài năm tới đây

Tổng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng ở Việt Nam hiện nay chiếm 130% GDP, cao gần gấp đôi so với vốn hóa thị trường chứng khoán (TTCK). Để thị trường tài chính phát triển cân bằng hơn, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho rằng, thị trường cần tăng quy mô và thêm nhiều giải pháp để tăng tính hiệu quả và khẳng định rõ nét vai trò trong nền kinh tế.

Chia sẻ tại cuộc họp bàn giải pháp phát triển TTCK năm 2018, Tổng giám đốc MB đánh giá, TTCK Việt Nam đã ghi một dấu ấn đẹp khi có mức tăng mạnh nhất châu Á (tăng 48% năm 2017).

Xét trên toàn cầu, VN-Index là 1 trong 3 chỉ số chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất, chỉ sau TTCK Mông Cổ (tăng 60%) và TTCK Argentina (tăng 90%).

Giá nhiều cổ phiếu trên sàn tăng mạnh, trong đó giá cổ phiếu MBB đã tăng trên 100% trong năm 2017. Ông Thái tin rằng, giá cổ phiếu này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Sự phát triển của TTCK trong những năm gần đây đã khiến thị trường này khẳng định rõ nét 3 giá trị quan trọng. Theo ông Thái, TTCK đã trở thành phong vũ biểu của nền kinh tế, phản ánh sức khỏe của nền kinh tế một cách nhạy bén và chính xác.

Thị trường đã tăng điểm liên tục ngay từ đầu năm 2017 và đạt đỉnh cao trong 10 năm gần đây, cho thấy đầu tư đang mở rộng và nền kinh tế tăng trưởng. Kết quả là năm 2017 cũng là năm có mức tăng trưởng GDP cao nhất trong 10 năm trở lại đây, đạt 6,81%.

Thứ hai, nền kinh tế có sức hút dòng vốn gián tiếp lớn hơn. Tổng giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài đạt 32,5 tỷ USD, tăng 59% so với năm trước đó.

Thứ ba, TTCK ngày càng thể hiện rõ nét vai trò là kênh huy động vốn cho nền kinh tế, khi thông qua thị trường có hơn 224.000 tỷ đồng được huy động. Nhà đầu tư tham gia ngày càng nhiều, số tài khoản gần chạm mốc 2 triệu tài khoản.

Mặc dù TTCK có sự tăng mạnh về quy mô vốn hóa, đạt trên 70% GDP của năm 2017, nhưng so với các nước trong khu vực châu Á thì quy mô của TTCK Việt Nam còn khá khiêm tốn. Ông Thái chia sẻ, tại TTCK Thái Lan, vốn hóa đạt khoảng 103% GDP, Singapore là 215% GDP, Hong Kong là 995% GDP…

Trong khi đó so sánh ở bình diện khác, tổng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng ở Việt Nam hiện nay chiếm 130% GDP, cao gấp đôi so với vốn hóa TTCK. “Điều này có nghĩa là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc khá lớn vào hệ thống ngân hàng mặc dù vốn hóa thị trường đã tăng gần gấp đôi so với năm 2016”, ông Thái nói.

Hiến kế tăng sức mạnh cho thị trường chứng khoán ảnh 1

TTCK cần phải tiếp tục gia tăng quy mô và đốc thúc vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Thực thi giải pháp này sẽ tránh được rủi ro cho nền kinh tế khi quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. “Bài học 20 năm trước đây, Nhật Bản có khoảng 180 ngân hàng và các định chế tài chính lớn nhỏ.

Huy động vốn trong nền kinh tế chủ yếu thông qua hệ thống ngân hàng. Khi khủng hoảng tài chính xảy ra, các ngân hàng đã không phản ứng đủ nhanh, nợ xấu tăng vọt và phải mất tới 15 năm để giải quyết nợ xấu”, ông Thái nói.

Giải pháp tiếp theo là gia tăng hàng hóa chất lượng cao trên thị trường, cùng với đó cần hạn chế những giao dịch bất thường, những nhà đầu cơ có tổ chức trên sàn giao dịch. Khi quy mô cùng giá trị giao dịch đủ lớn thì vấn đề này sẽ không còn ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường.

Để chứng khoán thanh khoản và an toàn hơn cho nhà đầu tư, Tổng giám đốc MB kiến nghị UBCK và Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam xem xét sớm triển khai thời gian thanh toán T+0, T+1 trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin để gia tăng tính thanh khoản cho thị trường, hấp dẫn nhà đầu tư. Cùng với đó cần mở rộng biên độ trần – sàn để tăng tính tự quyết của các chủ thể tham gia.

Đề xuất này dựa trên lý giải rằng, TTCK Việt Nam đã được 18 tuổi, nới rộng biên độ giao dịch như một biện pháp cởi trói để tiếp tục phát triển mạnh hơn, phản ánh đúng thực chất định nghĩa tự nhiên của khái niệm “cơ chế thị trường”.

Việc nới biên độ còn có thể hạn chế được tình trạng đầu cơ, minh bạch trong giao dịch và chuẩn bị sẵn sàng cho việc được nâng hạng thị trường từ sơ khai lên thị trường mới nổi. Ông Thái nêu ví dụ tại Thái Lan, biên độ ở thị trường chứng khoán là 30%, cao hơn nhiều so với TTCK Việt Nam hiện nay.

Liên quan đến chất lượng DN, Tổng giám đốc MB cho rằng, bên cạnh việc thúc các DN thực hiện quy định về công bố thông tin như trong Thông tư 155, UBCK cần triển khai mô hình tổ chức định mức tín nhiệm cho từng doanh nghiệp niêm yết. Giải pháp này sẽ cải thiện tình trạng tính trung thực và độ tin cậy của các thông tin trên thị trường chưa được đảm bảo như hiện nay.

Về lâu dài, nhà đầu tư khi hoạt động trong môi trường quốc tế cũng dùng thông tin của các tổ chức định mức tín nhiệm để làm công cụ so sánh, đồng thời các tổ chức phát hành cũng dùng bảng xếp hạng tín nhiệm như một chiến lược để huy động vốn. 

Một kiến nghị đáng lưu ý khác là UBCK cần thiết lập mô hình cảnh báo sớm dối với công ty niêm yết. Hiện nay việc quy định hủy niêm yết bắt buộc là một hành động cần thiết để thanh lọc thị trường nhưng sẽ dẫn đến những tổn thất và mất niềm tin vào thị trường. Năm 2017, Sở GDCK TP. HCM hủy niêm yết 4 công ty, Sở GDCK Hà Nội hủy niêm yết 4 công ty do vấn đề tài chính.

“Thực trạng này khiến việc xây dựng một mô hình cảnh báo sớm là cần thiết nhằm giúp các DN có thể có những điều chỉnh cần thiết để tránh rơi vào tình trạng hủy niêm yết bắt buộc”, ông Thái nói.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCK cho biết, Ủy ban luôn muốn lắng nghe những sáng kiến từ thị trường trong mục tiêu xây dựng TTCK hiệu quả hơn, bền vững hơn. Tuy nhiên, thực tế, có những giải pháp khó có thể thực hiện được trong thời gian ngắn, chẳng hạn như câu chuyện T+0, để thực hiện được cần sự đồng bộ của cả hệ thống trong việc giải quyết bài toán kỹ thuật và cả bài toán an toàn tài chính cho toàn thị trường.

Nếu như T+0 là giải pháp phải chờ trong dài hạn, thì UBCK cho biết, sẽ đốc thúc các Sở, các thành viên sớm hoàn thiện các yếu tố cần thiết để triển khai sản phẩm bán cổ phiếu trên đường về hoặc giao dịch trong ngày. Nếu giải pháp này được thực hiện cũng sẽ giúp thanh khoản và tính hiệu quả của thị trường được cải thiện.

Về chất lượng hoạt động của các DN, theo ông Dũng, năm 2018 là năm trọng tâm nhà quản lý sẽ thúc các DN quản trị theo quy định mới tại Nghị định 71/2017/NĐ-CP. Khi chất lượng quản trị tốt hơn, các DN cũng sẽ dễ nhận ra vấn đề từ nội tại và có các giải pháp phòng ngừa khả năng bị đào thải khỏi TTCK.

Về việc hình thành tổ chức định mức tín nhiệm, thực tế khung pháp lý cho loại hình DN này đã được Bộ Tài chính định hình từ năm 2014, đến năm 2017 mới có 1 công ty được cấp phép hoạt động (Công ty Phát Thịnh Rating), nhưng đến nay chưa có hoạt động cụ thể. Việc phát triển dịch vụ định mức tín nhiệm đến các DN niêm yết vì thế cũng sẽ phải chờ thêm thời gian.

Hai giải pháp trọng tâm trong năm 2018 mà UBCK sẽ thực hiện là định hình khung pháp lý mới và tiếp tục những nỗ lực thúc đẩy các DN đại chúng lên sàn để tăng quy mô của TTCK. Cùng với đó, cơ quan này sẽ tăng cường giám sát chất lượng báo cáo tài chính của DN, giám sát chất lượng kiểm toán để thúc đẩy tinh minh bạch và công bằng trên thị trường.

Ngọc Hà

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục