Hết cách, Trung Quốc tính dùng thuế Tobin chặn dòng tiền tháo chạy

(ĐTCK) Bloomberg đưa tin từ một nguồn giấu tên cho biết, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang soạn thảo quy định về việc đánh thuế đối với các giao dịch ngoại hối, nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ.
Hết cách, Trung Quốc tính dùng thuế Tobin chặn dòng tiền tháo chạy

Thuế đối với các giao dịch ngoại hối, hay còn gọi là thuế Tobin, ban đầu sẽ được giữ ở mức 0 nhằm giúp giới chức có thêm thời gian nâng cao chất lượng của quy định. Việc đánh thuế đối với hoạt động chuyển tiền được xem là bước đi quyết liệt nhất mà chính quyền Trung Quốc thực hiện để ngăn chặn tình trạng dòng tiền tháo chạy, cũng như tình trạng đầu cơ khi đồng nhân dân tệ mất giá, sau khi PBoC liên tục can thiệp vào thị trường nhằm hỗ trợ đồng nội tệ.

Việc áp dụng thuế Tobin có thể làm phức tạp thêm kế hoạch của Trung Quốc khi nhân dân tệ đã trở thành đồng tiền dự trữ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Quy định này vẫn cần sự chấp thuận của Chính phủ và vẫn chưa rõ thời gian có hiệu lực, nguồn tin trên cho biết.

Đồng nhân dân tệ đã giảm 4,5% kể từ khi bất ngờ phá giá vào tháng 8/2015, gây bất ngờ cho thị trường tài chính toàn cầu và bóp cò cho dòng tiền tháo chạy khỏi Đại lục. Bloomberg Intelligence ước tính 1 nghìn tỷ USD đã rời khỏi quốc gia này trong năm 2015. Qũy dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc cũng giảm xuống 513 tỷ USD trong năm ngoái, năm giảm đầu tiên kể từ khi các số liệu được công bố.

Ước tính 1 nghìn tỷ USD đã rời khỏi quốc gia này trong năm 2015. Qũy dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc cũng giảm xuống 513 tỷ USD trong năm ngoái, năm giảm đầu tiên kể từ khi các số liệu được công bố

“Thuế Tobin sẽ làm tổn hại tới tâm lý thị trường và khiến giới đầu tư hoảng loạn hơn, khi nó cho thấy các biện pháp hiện kiểm soát dòng vốn hiện tại không đủ sức để ngăn chặn dòng tiền tháo chạy”, Andy Ji, chiến lược gia và nhà kinh tế học tại Commonwealth Bank of Australia cho biết. 

Thuế Tobin được đặt theo tên nhà kinh tế học người Mỹ James Tobin, người đã đề nghị việc áp thuế đối với giao dịch ngoại hối nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ tiền tệ vào năm 1972.

Lịch sử đã ghi nhận một số chính phủ sử dụng phương pháp này, không phải tất cả trong số đó đều thành công và phần lớn để lại những hậu quả không lường trước được.

Lam Phong (Theo Bloomberg)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục