Héo hắt nguồn điện mới

0:00 / 0:00
0:00
Trong số gần 4.300 MW nguồn điện mới được liệt kê sẽ bổ sung vào hệ thống năm 2023, chỉ có Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II (1.200 MW) và BOT Vân Phong (1.432 MW) là các nguồn lớn, còn lại toàn là thủy điện nhỏ từ 150 MW trở xuống.
Tính tới cuối năm 2022, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II đã phát điện được 450 triệu kWh. Tính tới cuối năm 2022, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II đã phát điện được 450 triệu kWh.

Chưa rành mạch số liệu

Tại Quyết định 2976/QĐ-BCT phê duyệt kế hoạch cung cấp và vận hành hệ thống điện năm 2023, trong danh sách 4.298 MW nguồn điện mới vào vận hành năm 2023 có nhắc tới Nhiệt điện Thái Bình II với 2 tổ máy có tổng công suất 1.200 MW, Nhiệt điện BOT Vân Phong cũng có 2 tổ máy với tổng công suất 1.432 MW. Ngoài ra, còn có 12 dự án khác là thủy điện loại trên 30 MW được liệt kê tên cụ thể, với tổng công suất 809 MW; còn lại là 857 MW thủy điện nhỏ không được liệt kê tên chi tiết.

Đáng chú ý, trong các nguồn điện mới vào năm 2023, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II được tính công suất đặt vào năm 2022, nhưng tới năm 2023 mới xem là phát điện thương mại chính thức với kế hoạch là tháng 1-2/2023. Tính tới cuối năm 2022, nhà máy này đã phát điện được 450 triệu kWh.

Đối với Thủy điện Hồi Xuân có 3 tổ máy với tổng công suất 102 MW, tuy được ghi “sẽ vào vận hành năm 2023”, nhưng trên thực tế, từ năm 2020, tức là cách đây 4 năm, năm nào cũng được ghi “sẽ vào vận hành”, dù mất hút.

Trước đó, tại Quyết định 3063/QĐ-BCT phê duyệt kế hoạch vận hành hệ thống năm 2022 có liệt kê 3.407 MW nguồn điện mới sẽ vào vận hành trong năm 2022. Theo đó, Quyết định có ghi tổ máy 2 của Nhiệt điện Sông Hậu I công suất 600 MW (vận hành tháng 3/2022) và Nhiệt điện Nghi Sơn II gồm 2 tổ máy với tổng công suất 1.330 MW.

Còn lại có 1.132 MW là thủy điện nhỏ được tính toán sẽ huy động được nhờ điều kiện nước cụ thể. Có 4 dự án thủy điện khác được ghi tên cũng chỉ có tổng công suất 345,6 MW, nhưng bao gồm cả Thủy điện Hồi Xuân (102 MW).

Trong khi đó, tại Quyết định 3598/QĐ-BCT phê duyệt kế hoạch vận hành hệ thống năm 2021 liệt kê 6.438 MW điện mới vào vận hành đã đưa cả 2 tổ máy của Nhiệt điện Sông Hậu I với tổng công suất 600 MW x 2 vào vận hành tháng 10/2021. Ngoài ra, có liệt kê tổ máy 2 của Nhiệt điện BOT Hải Dương công suất 600 MW vào vận hành tháng 5/2021.

Trước đó, Quyết định 3733/QĐ-BCT về kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2020 cũng liệt kê cả 2 tổ máy điện của Nhiệt điện BOT Hải Dương vào vận hành trong tháng 10/2021. Ngoài ra, năm 2020 và năm 2021 đều liệt kê 2 tổ máy của Thủy điện Thượng Kom Tum sẽ vào vận hành.

Đáng nói là, các mức công suất nguồn điện mới được bổ sung hàng năm theo phê duyệt kế hoạch vận hành này cũng được xem là chỉ dấu để nhận biết mức độ đáp ứng điện cho nền kinh tế có gì cần lưu ý để lên kế hoạch sẵn sàng.

Mất hút nguồn điện mới

Điểm bất ngờ là, trong phê duyệt kế hoạch vận hành điện từ năm 2020 đến 2023 không xuất hiện các nguồn điện mới được xây dựng bởi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Điểm đáng lo ngại khác là, danh sách các nguồn điện mới sẽ được bổ sung của năm 2022 và 2023 đã bộc lộ sự không đa dạng về nguồn phát, cũng như giảm sút về công suất. Cụ thể, trong 4.298 MW công suất mới dự kiến vào năm 2023, chỉ có 2 dự án lớn được liệt kê là Nhiệt điện Thái Bình II (1.200 MW) và Nhiệt điện Vân Phong I (1.432 MW), còn lại là các dự án thủy điện và một nhà máy điện rác Sóc Sơn 30 MW.

Năm 2022, trong tổng số 3.407 MW nguồn điện mới, chỉ có 3 tổ máy nhiệt điện than với tổng công suất khoảng 2.000 MW, còn lại chỉ là các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa.

Hiện trên hệ thống có khoảng 4.500 MW thủy điện nhỏ, nhưng việc huy động công suất nguồn phát này hàng năm rất thất thường, vì phụ thuộc hoàn toàn vào việc có mưa hay không. Đơn cử, năm 2020, các nhà máy thủy điện nhỏ loại này được lên kế hoạch phát khoảng 724 MW. Năm 2021 không có liệt kê nào về đóng góp của thủy điện nhỏ. Tới năm 2022 thì liệt kê sẽ phát khoảng 1.200 MW và năm 2023 dự kiến có 857 MW phát được.

Điểm bất ngờ nữa là, trong phê duyệt kế hoạch vận hành điện từ năm 2020 đến 2023 không xuất hiện các nguồn điện mới được xây dựng bởi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đây được xem là điều rất nguy hiểm cho hệ thống, vì hiện tại EVN vẫn được coi là chủ lực trong đảm bảo cấp điện cho nền kinh tế.

Mặc dù việc đa dạng nguồn vốn đầu tư các dự án điện mới là rất cần thiết, nhưng sự mất hút của EVN cho thấy lỗ hổng đáng lo ngại cho cấp điện thời gian tới. Đáng nói là, dù trông chờ các nguồn vốn tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài trong xây nhà máy điện mới, thì hiện tại, không có tín hiệu khả quan nào để hàng loạt dự án điện đã được phê duyệt chủ trương đầu tư bước sang thực hiện đầu tư trên thực địa.

Đơn cử, Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu được cấp phép đầu tư từ tháng 1/2020 nhưng tới giờ vẫn còn nhiều điểm nghẽn trong quá trình đàm phán chưa được tháo gỡ, dù các kiến nghị đã được gửi tới Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ với thời gian tính theo năm. Dự án LNG Nhơn Trạch 3&4 cũng chưa có lối thoát để ký được hợp đồng mua bán điện.

Nếu tính cả Dự án điện khí LNG Bạc Liêu và Dự án điện Nhơn Trạch 3&4, thì có tổng cộng 16 dự án điện khí LNG với tổng công suất 23.900 MW đã nằm trong Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh được Bộ Công thương thẳng thắn ghi chú: “Khó khăn trong đàm phán hợp đồng mua bán điện và thu xếp vốn thực hiện dự án”.

Với thực tế điện khí LNG khó, điện gió ngoài khơi đang ở nơi xa, các dự án điện mặt trời, điện gió dở dang đang hoang mang với khung giá mua điện thấp mới được ban hành, không biết nguồn điện mới để bổ sung cho nền kinh tế sẽ chờ trông vào đâu?

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục