Hệ thống ngân hàng Trung Quốc khát vốn

(ĐTCK) Trong thập kỷ qua, Trung Quốc chủ yếu dựa vào tăng trưởng tín dụng để tạo động lực thực hiện các mục tiêu kinh tế đầy tham vọng. Tuy nhiên, hiện tại, các nhà băng tại quốc gia này đã bắt đầu cảm thấy “cơn đau nhức” khi chịu thêm một số ràng buộc và cần phải huy động nhiều vốn hơn cho thời gian tới.
Hệ thống ngân hàng Trung Quốc khát vốn

Với 267.000 tỷ nhân dân tệ (39.400 tỷ USD) tổng tài sản, sở hữu 4 ngân hàng lớn nhất thế giới tính theo tài sản, hệ thống ngân hàng Trung Quốc không hoạt động tách biệt. Do đó, bất cứ "cơn đau" nào của các nhà băng cũng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc nói riêng, nền kinh tế toàn cầu nói chung.

Trong năm 2018, các ngân hàng lớn tại Trung Quốc đã tăng vốn, hoặc thông báo kế hoạch tăng vốn với số tiền 343 tỷ nhân dân tệ, theo báo cáo của Nomura Holdings Inc. Con số này thấp hơn rất nhiều so với ước tính của UBS Group AG, khi tổ chức tài chính này nhận định, hệ thống ngân hàng Đại lục cần từ 1.000 - 3.000 tỷ nhân dân tệ để đảm bảo an toàn hoạt động và có nền tảng xử lý các khoản nợ xấu. Chưa kể, 4 nhà băng lớn nhất cần đáp ứng các tiêu chuẩn Basel cho tới năm 2024.

Hiện tại, vấn đề khó khăn đối với các ngân hàng Trung Quốc là việc phải chịu các áp lực đối lập. Dù nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, với tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2018 đạt 6,8%, 6,7% trong quý II và 6,5% trong quý III, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn nổi trội với tốc độ 13,5%. Đáng chú ý, kể từ đầu năm 2016, tăng trưởng cho vay đạt tới 41%, nhưng các khoản tiền gửi chỉ gia tăng 29%, nên không khó hiểu khi các chuyên gia ngày càng lo ngại về vấn đề cân bằng huy động - cho vay đối với hệ thống ngân hàng.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), tỷ lệ an toàn vốn tối thiếu (CAR) của các nhà băng đã được cải thiện từ mức 13,4% năm 2016 lên 13,8% năm 2018, nhưng theo các chuyên gia, mức độ cải thiện ít ỏi này nhiều khả năng là nhờ “sự khéo léo” trong báo cáo hơn là thực chất.

Với việc nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, chính quyền Bắc Kinh đang học cách điều chỉnh các nhà băng để vừa tiếp tục thúc đẩy hoạt động cho vay, đẩy mạnh đầu tư hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát các khoản nợ, cũng như hệ thống "ngân hàng trong bóng tối" (shadow
banking) nhằm phần nào hạn chế rủi ro cho nền kinh tế. Tuy nhiên, với việc tăng trưởng của các khoản vay mới đang cao hơn 20% so với các khoản tiền gửi mới năm 2018 và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2019, hệ thống nhà băng Đại lục đang rất khát vốn. PBOC nhận thức rõ điều này và đã thực hiện hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các nhà băng ít nhất 4 lần năm 2018.

Hệ thống ngân hàng và giới chức Trung Quốc cần thiết lập một kế hoạch để huy động thêm vốn. Theo đó, cuối tuần trước, PBOC thông báo đã hỗ trợ hoạt động huy động vốn của các nhà băng bằng việc phát hành trái phiếu vĩnh viễn (không có ngày đáo hạn).

Do không có ngày đáo hạn nên tổ chức phát hành này sẽ không thu hồi trái phiếu và coi như người nắm giữ trái phiếu sẽ sở hữu một "khoản cho vay" được coi là vĩnh viễn và hưởng lãi suất mãi mãi. Đa phần trái phiếu vĩnh viễn được phát hành hiện nay thuộc loại trái phiếu bổ sung, nó đáp ứng nhu cầu về vốn cho tổ chức nào đó mà việc thanh toán những khoản nợ này không quy định quá nghiêm ngặt.

Trên thực tế, những trái phiếu loại này có thể thanh toán được, tức là người nắm giữ chúng vẫn có thể thu hồi lại khoản tiền của mình, nhưng lần yêu cầu trả nợ đầu tiên ít nhất phải là 10 năm kể từ ngày phát hành.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục