Tiền mặt không còn là “vua” tại Trung Quốc

(ĐTCK) Một xã hội không sử dụng tiền mặt có rất nhiều lợi ích, bao gồm cả việc các chi phí lưu thông tiền trở nên rẻ hơn.
Tiền mặt không còn là “vua” tại Trung Quốc

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều cửa hàng, quán ăn tại Trung Quốc chỉ chấp nhận thanh toán bằng các ứng dụng trên điện thoại di động như Alipay, những người lớn tuổi, khách du lịch từ nước ngoài hoặc những người dân tới từ các khu vực còn khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính gặp nhiều khó khăn hơn khi muốn thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng.

Một xã hội không sử dụng tiền mặt có rất nhiều lợi ích, bao gồm cả việc các chi phí lưu thông tiền trở nên rẻ hơn. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra rào cản giữa những người có thể thanh toán không dùng tiền mặt và những người không thể.

Trường hợp tại Hema, chuỗi siêu thị thực phẩm tươi sống đặc biệt là minh chứng rõ rệt nhất cho vấn đề này. Ðây là các cửa hàng được mở bởi gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group Holding, với mục tiêu tạo ra trải nghiệm mua sắm mới kết hợp cả online và cửa hàng truyền thống.

Khách hàng có thể mua thực phẩm tươi sống tại cửa hàng, hoặc mua online và được vận chuyển tận nơi. Hệ thống các cửa hàng đồng thời đóng vai trò là nhà kho.

Một vấn đề duy nhất, khách hàng chỉ có thể thanh toán bằng ứng dụng thanh toán Alipay của Alibaba, hoặc thông qua ứng dụng khác trên điện thoại di động. Ðiều này giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nguồn lực, nhưng nhận về chỉ trích về việc từ chối sử dụng tiền mặt. Trước diễn biến này, chính quyền Trung Quốc đã can thiệp buộc Hema phải thiết lập các quầy thu ngân.

Tại Trung Quốc, việc thanh toán qua smartphones hay mã QR đã trở nên thông dụng. Có 2 dịch vụ thanh toán phổ biến nhất là Alibay và WeChat Pay do Tencent Holdings điều hành. Theo một nghiên cứu gần đây, 98% người dân sử dụng smartphones tại các đô thị sử dụng thiết bị này để thanh toán.

Với xu hướng này, ngày càng có nhiều cửa hàng ngừng chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt, bởi vừa giảm bớt rủi ro tiền giả, vốn từng rất nan giải tại Trung Quốc, vừa tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân công và những rắc rối của việc sổ sách.

Tuy nhiên, sự chuyển hướng sang không dùng tiền mặt cũng nhận nhiều chỉ trích bởi một bộ phận người dân chưa được tiếp cận với các dịch vụ tài chính, hay thích sử dụng tiền mặt hơn. Năm 2017, Trung Quốc ước tính có 772 triệu người sử dụng internet, tương đương 56% dân số. Nhưng ở khu vực nông thôn, vẫn có rất nhiều người chưa thể kết nối mạng.

Bên cạnh đó, việc tiền mặt ít được chấp nhận cũng gây ra nhiều khó khăn cho ngành du lịch. Nếu muốn thanh toán bằng Alipay hoặc các ứng dụng thanh toán trên di động khác, du khách cần phải có tài khoản ngân hàng tại Trung Quốc, đồng thời sở hữu điện thoại có đăng ký để nhận các thông báo dịch vụ.

Du khách được yêu cầu cung cấp chi tiết nhiều thông tin cá nhân, bao gồm cả số hộ chiếu nếu muốn nhận được khoản tín dụng ban đầu giới hạn ở 1.000 Nhân dân tệ (145 USD).

Ðây là lý do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã thông báo quy định trừng phạt mạnh tay với các cửa hàng bán lẻ từ chối tiền mặt. Trong 5 tháng thực hiện, có hơn 603 trường hợp chịu phạt. Tuy nhiên, theo phản ánh của giới truyền thông, việc thanh toán bằng tiền mặt tại quốc gia này vẫn rất khó khăn, khi không có nhiều nhà hàng chấp nhận hợp tác.

Lam Phong - Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục