Hệ thống ngân hàng, những xu hướng chuyển đổi lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Diễn biến của dịch bệnh Covid-19 cùng những biến động kinh tế - chính trị toàn cầu đã đặt ngành ngân hàng trên thế giới cũng như tại Việt Nam trước nhiều lựa chọn và xu hướng chuyển đổi lớn.

M&A, hình thành các liên minh chiến lược…

Trong năm 2021, khảo sát của KPMG với hơn 1.300 CEO (tổng giám đốc điều hành) toàn cầu chỉ ra rằng, phần lớn các lãnh đạo có thái độ lạc quan về triển vọng nền kinh tế và doanh nghiệp của mình trong 3 năm tới. Triển vọng về một nền kinh tế toàn cầu mạnh mẽ hơn đang tạo động lực cho các CEO đầu tư vào việc mở rộng và chuyển đổi kinh doanh. 69% nhà điều hành cấp cao lựa chọn các phương pháp liên doanh, mua bán & sáp nhập (M&A) và liên minh chiến lược làm chính sách chính để tăng trưởng cho doanh nghiệp của họ. Đa số (87%) các nhà lãnh đạo toàn cầu nói rằng, họ đang tìm cách thực hiện các thương vụ M&A trong 3 năm tới để giúp phát triển và chuyển đổi doanh nghiệp của mình.

Cùng với xu hướng này, chúng tôi cũng thấy rằng, xu hướng M&A đang và sẽ tiếp tục diễn ra trong hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam. Trong quá trình chuyển đổi, hiện đại hóa mô hình kinh doanh, một số tổ chức tài chính bao gồm cả các ngân hàng, công ty bảo hiểm… cũng đang tìm kiếm những phương thức tương tự để thúc đẩy tăng trưởng phi hữu cơ (inorganic growth).

Đồng thời, các định chế tài chính đang hình thành các liên minh chiến lược, hợp tác với các tập đoàn kinh tế, chuỗi bán lẻ... như Techcombank và Vingroup, HDBank và Saigon Co.op; Vietcombank và Vietnam Airlines; BIDV và VNPT, Mobiphone, những sự kiện hợp tác được đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông, nhằm mở rộng tìm kiếm các kênh phát triển thị trường, tiếp cận đa dạng các nguồn khách hàng mới để cung ứng sản phẩm, dịch vụ.

Đầu tư mạnh hơn cho chuyển đổi số và nguồn nhân lực

Ông Phạm Đỗ Nhật Vinh, Phó tổng giám đốc phụ trách mảng Dịch vụ tài chính, KPMG Việt Nam
Ông Phạm Đỗ Nhật Vinh, Phó tổng giám đốc phụ trách mảng Dịch vụ tài chính, KPMG Việt Nam

Về vĩ mô, cơ quan quản lý đã có nhiều bước tiến nhằm tăng tốc định hướng chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, trong đó Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt vào tháng 5/2021.

Theo đó, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có tối thiểu 50% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, tối thiểu 50% người trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử và tối thiểu 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số. Mục tiêu cơ bản đến năm 2030, các tổ chức tín dụng sẽ có ít nhất 70% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số.

Ở góc độ thị trường, ngay cả các ngân hàng quy mô nhỏ cũng đang cảm nhận sức ép tụt hậu và thu hẹp sân chơi nếu không có những chiến lược đầu tư thích đáng vào chuyển đổi số. Quan sát của KPMG cho thấy, các ngân hàng đang theo đuổi những lựa chọn khác nhau, có ngân hàng lựa chọn phương thức cung cấp các dịch vụ số trên nền tảng hiện hữu, nhưng có ngân hàng theo đuổi mô hình độc lập bằng cách tạo nên một thương hiệu mới cung ứng các dịch vụ ngân hàng số độc lập với thương hiệu và hệ thống hiện hữu.

Cho dù với bất cứ lựa chọn nào, các ngân hàng thấy rằng, một trong những thách thức lớn nhất là có được nguồn nhân lực với những kỹ năng và tư duy mới. Một mặt, các ngân hàng vẫn cần duy trì vận hành những hoạt động kinh doanh hiện tại (Run the Bank), mặt khác xây dựng một nguồn lực mới thúc đẩy triển khai các sáng kiến chuyển đổi (Change the Bank). Do đó, dự đoán xu hướng tập trung ngân sách đầu tư vào đào tạo kỹ năng số và đổi mới phương thức quản lý nguồn lực tập trung vào phúc lợi, sức khỏe tinh thần, mô hình làm việc linh hoạt… đang là những hạng mục ưu tiên của ngân hàng.

Tăng cường khả năng chống chịu rủi ro

Chuyển đổi quản lý rủi ro đang được đẩy mạnh trên toàn cầu và chúng ta cũng chứng kiến làn sóng này đang diễn ra ở Việt Nam. Nhiều ngân hàng đã chủ động triển khai những chuẩn mực quản trị rủi ro mới như Basel III và chuyển đổi mô hình quản lý rủi ro theo hướng linh hoạt và gắn kết, tích hợp với sự chuyển đổi mô hình kinh doanh của ngân hàng.

Quan sát thực tế cho thấy, yêu cầu đổi mới hoạt động quản lý rủi ro và gắn kết và đáp ứng nhu cầu kinh doanh trở thành xu hướng ngày càng rõ rệt, mà không phục thuộc vào quy mô của ngân hàng. Để song hành với quá trình chuyển đổi số, khảo sát của KPMG năm 2020 với các CRO (lãnh đạo khối quản trị rủi ro) cho thấy, các ngân hàng sẽ tiếp tục dành nguồn lực để tập trung tối ưu hóa quy trình, đặc biệt là các quy trình báo cáo, quy trình tuân thủ và kiểm tra sức chịu đựng. Trong khi các ngân hàng quy mô lớn tiếp tục hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin cho rủi ro, các sáng kiến cắt giảm chi phí, thì các tổ chức quy mô nhỏ hơn tập trung vào các sáng kiến liên quan đến quản trị dữ liệu.

Về lựa chọn triển khai, chúng tôi nhận thấy có 2 xu hướng chính trên thị trường: Một là, các kiến trúc dịch vụ nhỏ (Microservices) linh hoạt và có thể mở rộng, chủ yếu dựa trên nền tảng điện toán đám mây, thường được triển khai cho các trường hợp cụ thể như phân tích kịch bản và kiểm tra sức chịu đựng; hai là, hệ thống do bên thứ ba cung cấp (3rd party vendor) có sự phù hợp, đồng bộ với các hệ thống và phương pháp quản lý rủi ro toàn tổ chức (ERM).

Tập trung quản trị rủi ro môi trường, xã hội, quản trị (ESG)

Những yếu tố trên có thể có tác động tiêu cực đến tài sản, tình hình tài chính và thu nhập, hoặc danh tiếng của tổ chức, cho nên sẽ là một vấn đề lớn đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam

Ở hầu hết thị trường, biến đổi khí hậu và các khía cạnh khác của ESG ngày càng được chú trọng trong các cuộc thảo luận chính trị và xã hội. Các cơ quan quản lý ngân hàng đang phản ứng vấn đề liên quan đến việc tích hợp rủi ro ESG vào các khung quản lý rủi ro hiện có với những kỳ vọng và thời gian cụ thể.

Cho dù với bất cứ lựa chọn nào, các ngân hàng thấy rằng, một trong những thách thức lớn nhất là có được nguồn nhân lực với những kỹ năng và tư duy mới.

Riêng thị trường phát triển, các ngân hàng đã nắm bắt rủi ro khí hậu và các rủi ro ESG khác một cách có hệ thống và toàn diện; thực hiện các phương pháp kiểm tra sức chịu đựng rủi ro khí hậu ban đầu gồm: Thứ nhất, sự liên kết của quản trị tín dụng và các quy trình với rủi ro ESG; thứ hai, tích hợp đầy đủ rủi ro ESG trong khung quản lý rủi ro hiện hữu; thứ ba, các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ cần bắt đầu sớm so với các ngân hàng quy mô lớn.

Tại Việt Nam, ESG nhận được nhiều quan tâm, cho dù còn là một chủ đề mới. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tổ chức tháng 11/2021 tại Anh, Việt Nam đã công bố cam kết, thể hiện quyết tâm cao về các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, đặc biệt cam kết đến năm 2050 đạt được mục tiêu không phát thải ròng khí carbon.

Đối với ngành tài chính - ngân hàng, những quy định sửa đổi, bổ sung của Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ tiếp tục được ban hành nhằm thúc đẩy các chương trình tín dụng xanh, yêu cầu các tổ chức tín dụng đánh giá các yếu tố môi trường trong quá trình xét duyệt cấp tín dụng…

Hiện nay, ở một mức độ nào đó, các ngân hàng ở Việt Nam có thực hiện đánh giá rủi ro ESG, nhưng còn hạn chế về công bố thông tin ESG. Một số tổ chức tài chính đã chủ động nghiên cứu các rủi ro ESG và gần đây bắt đầu tích hợp vào hoạt động cấp tín dụng và quản lý rủi ro của mình, với một trong những động lực chính là nâng cao tính trách nhiệm xã hội của tổ chức.

Đặc biệt, thời gian gần đây, khi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập như Moody’s, S&P, Fitch… bắt đầu đưa các tiêu chí xếp hạng liên quan đến ESG vào thang xếp hạng tín nhiệm, ngày càng có nhiều ngân hàng tích cực nghiên cứu về chủ đề này. Như vậy, với cam kết của Việt Nam và xu hướng trong khu vực, kỳ vọng các ngân hàng sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn vào ESG trong thời gian tới.

Phạm Đỗ Nhật Vinh, Phó tổng giám đốc phụ trách mảng Dịch vụ tài chính, KPMG Việt Nam
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2022

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục