Lợi nhuận tăng dù phải “chia lửa” với khách hàng
Ngân hàng ACB cho biết, lợi nhuận hợp nhất quý I/2022 đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ, nhờ hoàn tất gần 3 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng. Kế hoạch đưa ra năm 2022, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 558.187 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2021.
Còn tại ngân hàng LienVietPostBank (LPB) cho hay lợi nhuận trước thuế quý I/2022 của cũng đạt gần 1.800 tỷ đồng. Như vậy, trong 3 tháng đầu năm ngân hàng này đã hoàn thành 37,5% kế hoạch cả năm 2022.
Còn HDBank (mã chứng khoán HDB) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 2.528 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ và hoàn thành 26% kế hoạch năm.
Trong khi đó, lợi nhuận quý đầu năm nay của Nam A Bank, OCB, Ngân hàng Bản Việt lần lượt đạt 645 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2021; OCB đạt 836 tỷ đồng trước thuế và sau trích dự phòng. Còn Ngân hàng Bản Việt đạt 173 tỷ đồng.
Đại dịch Covid-19 kéo dài đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. Để hỗ trợ khách hàng, nhất là doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch, ngành ngân hàng đã sớm vào cuộc “chia lửa” khi giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh tái cơ cấu nợ theo Thông tư 01, 03 và Thông tư 14.
Thế nhưng, dù lãi suất cho vay giảm nhưng ngân hàng họ có thể bù lại bằng việc tăng quy mô cho vay, đồng thời tăng thu ngoài lãi nhờ nhịp đập số hóa nên lợi nhuận vẫn giữ đà tăng.
Ngân hàng Bản Việt là một điển hình khi năm lợi nhuận đạt 311 tỷ đồng, vượt 7% so với kế hoạch đại hội đồng cổ đông đề ra, trong khi đã hỗ trợ kịp thời cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với tổng dư nợ 8.000 tỷ đồng.
Bám sát mục tiêu 2022 đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 44% so với 2021 đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua, ngay từ quý 1/2022 Ngân hàng Bản Việt đã đẩy mạnh tốc độ dịch chuyển sang bán lẻ thông qua việc cải thiện các chính sách, đưa ra chương trình, sản phẩm hiệu quả, theo danh mục và phù hợp khách hàng.
Cụ thể, dự nợ tín dụng của ngân hàng có mức tăng trưởng 6,8% so với 12/2021, thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng 23%, đạt lợi nhuận quý 1 theo mục tiêu đặt ra với 173 tỷ, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến 31/3/2022, tổng tài sản đạt gần 78 ngàn tỷ, tăng 27% so với cùng kỳ. Huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và dân cư đạt hơn 57 ngàn tỷ, dư nợ tín dụng đạt hơn 49 ngàn 500 tỷ đồng, tăng lần lượt 28%, 18% so với quý 1/2021.Ngay trong quý I/2022, hoạt động xử lý và thu hồi nợ được tích cực triển khai, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm còn gần 2,4%...
Để giữ đà tăng lợi nhuận trong năm 2022, Ngân hàng Bản Việt cho biết, tiếp tục triển khai các tiện ích mới trên kênh số, cụ thể các tính năng như vay thấu chi, vay cầm cố sổ tiết kiệm, nạp tiền chứng khoán,.. được áp dụng trên ngân hàng số Digimi, gia tăng thêm sự thuận tiện cho khách hàng bên cạnh những tính năng hiện có khá nổi bật trên thị trường của Digimi.
Triển vọng tăng trưởng ổn định sau dịch
Nhờ các hoạt động sản xuất cải thiện nhanh chóng, xuất khẩu đạt mức kỷ lục và khu vực dịch vụ, trong đó có cả du lịch, hàng không... cũng bắt đầu hồi phục mạnh mẽ. Là huyết mạch của nền kinh tế nên khi kinh tế hồi phục, ngành ngân hàng cũng được hưởng lợi.
Theo số liệu mới nhất từ NHNN, đến cuối quý 4/2022, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 6,75%, cho thấy nhu cầu tín dụng rất lớn của nền kinh tế trong bối cảnh phục hồi mạnh mẽ. Trưởng dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM khá tích cực trong 4 tháng đầu năm nay. Cụ thể, 4 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng tại TP. HCM đạt trên 3 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2021.
Tín dụng tăng trưởng gắn liền với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo các chương trình tín dụng của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước và của UBND TP.HCM; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo cơ chế Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 về cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ. Trong đó, tín dụng đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp - khu chế xuất tiếp tục đạt tốc tăng trưởng cao.
Ngân hàng Bản Việt dự kiến năm 2022 tổng tài sản đạt 97.000 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng 27% so với năm 2021. Tổng huy động và dư nợ cấp tín dụng theo kế hoạch năm 2022 lần lượt là 71.200 và 53.400 tỷ đồng, tăng trưởng 28%, 15% so với năm trước.
Trong 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của Ngân hàng Bản Việt khá ổn định, Về quy mô tổng tài sản, tăng trưởng trung bình hơn 17%/năm. Riêng năm 2021, tổng tài sản tăng 25% so với 2020.
Chất lượng tài sản cũng được cải thiện rõ rệt, trong năm 2020, Ngân hàng hoàn tất việc mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC trước thời hạn và là một trong nhóm các ngân hàng sạch nợ xấu tại VAMC. Moody’s cũng ghi nhận triển vọng ổn định của Ngân hàng Bản Việt thông qua năng lực tài chính trong những năm gần đây.
Liên tiếp trong 2 năm 2020, 2021, mặc dù bị tác động từ đại dịch Covid-19, đồng thời tập trung đồng hành cùng các khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, Bản Việt vẫn đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận tốt, tăng tương ứng 27% - 44% so với năm trước đó.
Ngoài ra, Bản Việt cũng đang trình Ngân hàng Nhà Nước phê duyệt tăng vốn điều lệ thêm hơn 1.600 tỷ đồng, nâng tổng số vốn điều lệ của ngân hàng lên 5.300 tỷ đồng, nhằm gia tăng tiềm lực tài chính và phục vụ cho chiến lược phát triển trung và dài hạn của ngân hàng trong thời gian tới đây.