Theo thông tin ban đầu thì hệ thống SBL được xây dựng nhằm thực hiện hai mục đích chính, đó là hoàn thiện cơ chế quản lý rủi ro của hệ thống thanh toán chứng khoán thông qua công cụ vay và cho vay chứng khoán để hỗ trợ thanh toán giao dịch chứng khoán trong trường hợp thành viên lưu ký (TVLK) do sửa lỗi dẫn đến tạm thời thiếu hụt chứng khoán để thanh toán. Mục đích thứ hai là hỗ trợ các tổ chức đủ tiêu chí làm thành viên lập quỹ ETF có đủ chứng khoán để góp vốn và thực hiện giao dịch của quỹ hoán đổi danh mục.
Vì thế, bên đi vay chỉ bao gồm hai đối tượng là TVLK hoặc các tổ chức được công nhận là thành viên lập quỹ ETF. Còn bên cho vay là các tổ chức, cá nhân sở hữu chứng khoán đã lưu ký tại VSD.
Tài sản thế chấp cho giao dịch vay và cho vay chứng khoán là tiền (VND) hoặc các chứng khoán niêm yết. Hiện VSD đang xác định danh mục chứng khoán đủ điều kiện làm tài sản thế chấp.
Trao đổi với ĐTCK, đại diện CTCK Tân Việt (TVSI) cho rằng, để đánh giá về hoạt động cho vay chứng khoán mà VSD dự kiến sắp triển khai thì cần phải hiểu rõ hoạt động này. Đây không phải là hoạt động cho vay short sell (bán khống) như nhiều nhà đầu tư mong đợi, mà chỉ là hoạt động vay cho vay nhằm mục đích hỗ trợ thành viên là các CTCK để sửa lỗi giao dịch và hỗ trợ thành viên lập quỹ có đủ chứng khoán để góp vốn và thực hiện giao dịch của quỹ ETF. Vì mục đích như vậy nên bên vay chỉ bao gồm 2 nhóm đối tượng nêu trên.
Theo TVSI, đây là một bước tiến mới của VSD trong việc hoàn thiện các cơ chế giao dịch mới, nhưng chưa thể kỳ vọng nhiều vào sự thúc đẩy của hoạt động cho vay chứng khoán này đối với sự phát triển của thị trường trong ngắn hạn, mà phải có thời gian.
Nhiều CTCK khác đánh giá, việc VSD xây dựng cơ chế cho vay chứng khoán sẽ tác động tích cực đến thị trường trong dài hạn. Hiện nay, các CTCK đã được phép cho vay tiền thì việc được cho vay chứng khoán cũng là điều hợp lý. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, trong thời gian đầu, để giảm thiểu rủi ro phát sinh, nên cho phép CTCK triển khai dịch vụ vay và cho vay chứng khoán trong nội bộ CTCK, hay nói cách khác là cho các khách hàng của CTCK vay và cho vay chứng khoán lẫn nhau và cũng là để đáp ứng nhu cầu giao dịch của họ. Sau đó, có thể áp dụng rộng rãi hơn như cho phép các CTCK được vay và cho vay chứng khoán lẫn nhau, nhằm góp phần cải thiện thanh khoản cho thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của NĐT.
Theo CTCK Maritime Bank (MSBS) cơ chế này sẽ tác động tốt đến thanh khoản cho nhiều cổ phiếu cũng như thanh khoản toàn thị trường. Các cổ phiếu tốt sẽ được cho vay, cầm cố để mua các cổ phiếu tốt khác.
“Chúng tôi đánh giá, đây là biện pháp tích cực hỗ trợ thị trường mang ý nghĩa dài hạn, cải thiện tính minh bạch cho TTCK, khuyến khích các cá nhân, tổ chức nắm giữ cổ phiếu lâu hơn”, đại diện MSBS nói.
Thực tế thời gian qua, một số CTCK “ngấm ngầm” thực hiện cho vay chứng khoán đối với một số khách hàng nhất định dựa trên thỏa thuận trực tiếp giữa môi giới với các khách hàng, điều này ít nhiều dẫn đến rủi ro khi thị trường có biến động lớn. Thực tế này cho thấy, việc xây dựng hệ thống SBL tập trung tại VSD sẽ giúp cho các thành viên thị trường dễ dàng tiếp cận thông tin và thực hiện các giao dịch vay, cho vay chứng khoán một cách chính thống nhằm đảm bảo lợi ích, giảm chi phí cho các bên tham gia, qua đó hạn chế hoạt động cho vay ngầm cũng như đáp ứng nhu cầu quản lý thị trường của cơ quan quản lý.