Chính sách ưu đãi là công bằng
Thông tin được đưa ra tại một cuộc thảo luận bàn tròn về thuế cách đây ít ngày, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AVV) đã nhắc tới con số 20 triệu USD tiền thuế thu nhập doanh nghiệp bị giảm mỗi năm do Việt Nam đang coi ưu đãi thuế như một đòn bẩy để kích thích FDI. AVV cũng đặt ra những câu hỏi liên quan đến vấn đề công bằng thuế và “sự hào phóng” không đáng có của Chính phủ đang dành cho các doanh nghiệp FDI.
Liên quan đến vấn đề này, không bình luận về sự đúng - sai của con số 20 triệu USD, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế các doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính) cho rằng, không thể coi đó là “mất đi”, mà phải là “chi phí cơ hội”. Quan trọng hơn, theo ông Phụng, chính sách thuế của Việt Nam không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, mà hoàn toàn công bằng.
“Đúng là trước đây có sự khác biệt, song từ sau khi có Luật Đầu tư chung, Luật Doanh nghiệp chung, thì các chính sách thuế, bao gồm cả chính sách ưu đãi đầu tư đã được áp dụng chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI cũng đã cho biết như vậy và cho rằng, ưu đãi đầu tư là chuyện “rất bình thường”.
Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015 mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cũng cho biết, các quốc gia đang phát triển trên khắp thế giới đã và đang tạo ra những điều kiện ưu đãi tốt nhất cho các doanh nghiệp FDI để thu hút đầu tư.
“Malaysia là một ví dụ. Năm 1996, chính sách thu hút đầu tư đã khiến quốc gia này chấp nhận giảm thu khoảng 2,4 tỷ USD chỉ riêng từ việc bãi bỏ thuế thu nhập lũy tiến và thuế kinh doanh. Đổi lại, Malaysia nhận được lợi ích tương đương với 30.000 USD trên mỗi việc làm mà doanh nghiệp FDI tạo ra”, báo cáo PCI 2015 viết.
Nhìn từ khía cạnh này, có thể thấy các khoản miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp và nhà đầu tư chỉ là chi phí cơ hội.
Chính GS-TSKH Nguyễn Mại cũng đã nhiều lần chia sẻ, ông đã từng tư vấn cho Chính phủ Việt Nam “bỏ qua lợi ích tài chính”, chấp nhận 22 trong tổng số 28 đề xuất ưu đãi của Tập đoàn Intel, bao gồm cả một khoản hỗ trợ tài chính để thu hút được khoản vốn đầu tư 1 tỷ USD từ tập đoàn này. Nhưng cũng kể từ cú hích Intel, hàng loạt đại gia công nghệ thế giới, trong đó có Samsung, LG, Microsoft… đã đổ bộ vào Việt Nam, biến Việt Nam trở thành công xưởng lớn của thế giới, thành tâm điểm của giới công nghệ toàn cầu. Chi phí cơ hội đó rõ ràng đã mang lại lợi ích cho Việt Nam.
Cân đong lợi ích
Một câu chuyện đang nổi lên trong thời gần đây, đó là khi Samsung đề xuất các ưu đãi đầu tư cho Dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của mình tại Hà Nội, không ít ý kiến cho rằng, Samsung đã đòi hỏi hơi quá, thậm chí còn có thể coi đó là yêu sách.
Thực tế, đây cũng là chuyện liên tục được dư luận nhắc tới khi Samsung đầu tư các dự án hàng tỷ USD tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM, tới nay đã lên tới gần 15 tỷ USD. Ưu đãi được trao và dư luận cũng đã đặt câu hỏi về việc Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì?
Cách đây ít năm, khi Việt Nam tổng kết 25 năm thu hút FDI, Chính phủ đã đề cập việc xem xét ưu đãi đối với từng dự án, nhất là những dự án quy mô lớn, có tác động lan tỏa tới kinh tế - xã hội Việt Nam. Lúc ấy, các chuyên gia kinh tế cũng đồng tình rằng, việc trao quyền “mặc cả” cho các tập đoàn lớn là cần thiết để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược cấp quốc gia. Việc ưu đãi “vượt khung”, thậm chí là “thể chế vượt trội” cũng được cho là “chấp nhận được”, trong khi trên thực tế, các ưu đãi mà Chính phủ dành cho Samsung, LG, Microsoft… đều nằm trong khuôn khổ luật pháp.
“Ví như với trường hợp Samsung, tôi cho rằng, nhiều đề xuất xin ưu đãi của họ đã nằm trong các quy định của pháp luật Việt Nam, không cần thiết phải xin. Chẳng hạn, việc chuyển nhượng tài sản hình thành trên đất và quyền sử dụng đất cho đơn vị khác đối với Dự án R&D, thì pháp luật Việt Nam đã cho phép. Nhiều nhà đầu tư sau một thời gian triển khai dự án, như Khách sạn Daewoo, họ cũng đã chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.
Vấn đề đặt ra, Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì? Đặt một phép tính giống như Malaysia đã từng làm. Với 120.000 nhân viên, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng, thì khi trao ưu đãi đầu tư cho Samsung, đổi lại, Việt Nam nhận được lợi ích tương đương 720 tỷ đồng/tháng, 8.640 tỷ đồng/năm. Chưa kể, còn là những đóng góp cho xuất khẩu, cho R&D, cho hình thành công nghiệp hỗ trợ… và những tác động “vòng ngoài” tới kinh tế - xã hội thông qua khoản thu nhập từ người lao động.
“Tổ hợp Samsung đã tác động rất lớn tới kinh tế - xã hội Bắc Ninh. Năm ngoái, họ đã nộp khoảng 2.000 tỷ đồng tiền thuế, tới năm 2018 hết thời hạn ưu đãi, con số còn lớn hơn nhiều, mà đấy là họ mới sử dụng hết hơn 50 ha đất”, ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nói và nhấn mạnh, sau khi có nhà máy Samsung Bắc Ninh, 3 xã Yên Phong, Đông Phong và Long Châu - vốn là những xã nghèo, thuần nông giờ phát triển mạnh các ngành dịch vụ, có gia đình xây được 30 phòng trọ để cho thuê, thu nhập được cải thiện.
“Nhiều doanh nghiệp quanh vùng, chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển, dịch vụ bảo vệ cũng kinh doanh tốt nhờ ký được hợp đồng với Samsung. Cũng không lo tệ nạn xã hội vì người dân được tạo việc làm qua quy trình tuyển dụng chặt chẽ”, ông Quỳnh hồ hởi nói.
Một Samsung đã như vậy, còn Microsoft, còn LG và hàng trăm ngàn doanh nghiệp FDI khác. Các doanh nghiệp FDI hiện đóng góp tới gần 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, 60% giá trị sản xuất công nghiệp. Tuy vẫn có những tồn tại, song những đóng góp của khu vực FDI cho kinh tế - xã hội Việt Nam là không thể phủ nhận. “Hãy tới Bắc Ninh, Thái Nguyên, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Bình Dương sẽ thấy những gì mà khu vực FDI đóng góp, để hiểu và không kỳ thị khu vực này nữa. Nên có một cái nhìn khách quan hơn đối với khu vực này”, GS. Nguyễn Mại nói.
Liên quan tới bài toán chi phí và lợi ích từ việc thực hiện các ưu đãi đầu tư, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, khi công bố Báo cáo PCI 2015 cũng cho rằng, khi FDI mang tới công nghệ tiên tiến, thì với kỳ vọng “hiệu ứng lan tỏa về công nghệ” sẽ thúc đẩy năng suất của các doanh nghiệp nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân Việt Nam trên trường quốc tế, thì “một đồng thu được từ hoạt động FDI nhiều khả năng sẽ đáng giá hơn một đồng đầu tư trong nước”. Lý thuyết là vậy, còn thực tế, lợi ích chỉ thực sự thu được khi Việt Nam hấp thụ được nguồn vốn đó, cũng như tạo được sự liên kết ngược với các doanh nghiệp Việt Nam.
Cũng dẫn câu chuyện của Samsung, rằng tập đoàn này đã có các chương trình hỗ trợ các nhà cung cấp tham gia chuỗi giá trị của họ, song không nhiều doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của họ, Báo cáo PCI 2015 chỉ ra rằng, nếu các doanh nghiệp Việt Nam thất bại trong việc tham gia chuỗi cung ứng công nghệ cao, nếu thiếu vắng những cải thiện căn bản về khả năng hấp thụ đầu tư, thì các chính sách ưu đãi thuế hay hỗ trợ khác vẫn sẽ không thể mang lại hiệu quả như mong muốn.
Nếu vậy, lỗi không nằm ở phía các nhà đầu tư nước ngoài, mà vì doanh nghiệp nội địa “chưa chịu lớn”. Cũng không phải như có chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam “quá yêu thương” các doanh nghiệp FDI và mời họ vào để phát triển hộ Việt Nam, trong khi đó khu vực tư nhân lại bị bỏ lửng.
“Một số người gần đây có xu hướng kỳ thị khu vực FDI, nhưng tôi cho rằng, phải khắc phục bằng cách làm cho khu vực trong nước mạnh lên để kết nối được với họ, chứ không phải là tìm cách kéo họ đi xuống. FDI cũng là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế Việt Nam”, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nói.
Không ưu đãi tràn lan
Một câu chuyện khác. Văn phòng Chính phủ đầu tháng 4/2016 đã có văn bản thông báo ý kiến của Chính phủ liên quan đến việc ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với Công ty TNHH Nokia Việt Nam (nay là Công ty Microsoft Mobile Oy Việt Nam).
Theo đó, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì kiểm tra, thẩm định đánh giá việc Microsoft có đáp ứng các tiêu chí là doanh nghiệp công nghệ cao hay không để áp dụng chính sách ưu đãi thuế theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Như vậy, việc Microsoft có được hưởng ưu đãi ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam cho các doanh nghiệp công nghệ cao còn phải chờ vào việc kiểm tra, thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Trên thực tế, đây là việc bình thường theo quy định của pháp luật Việt Nam. Dù được cho phép hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư, song sau một thời gian triển khai, việc kiểm tra, thẩm định sẽ được thực hiện. Nếu đáp ứng các tiêu chí về doanh thu, tỷ lệ lao động dành cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D), tỷ lệ nội địa hóa…, thì doanh nghiệp mới được hưởng ưu đãi đầu tư. Các nhà đầu tư phải thực hiện đúng cam kết của mình, còn nếu không, các chính sách ưu đãi bị vô hiệu.
Không chỉ Microsoft mà Samsung và các dự án FDI tương tự cũng sẽ phải thực hiện các cam kết của mình. Đó là điều kiện để họ được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ.
Có nghĩa là việc trao ưu đãi đầu tư không hề tràn lan mà được kiểm tra, giám sát, “hậu kiểm” chặt chẽ. Ngay cả việc xem xét ưu đãi đầu tư cho các dự án lớn cũng được một tổ công tác liên ngành nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ dựa trên nguyên tắc hài hòa lợi ích quốc gia và nhà đầu tư, chứ không phải là một sự “hào phóng” không đáng có hay là một sự “nuông chiều quá đáng”.
Điều quan trọng, để khu vực trong nước mạnh lên, đủ làm đối trọng với khu vực FDI, cần tiếp tục có sự tiếp sức về chính sách của Chính phủ. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây cũng là một động thái nhằm giúp khu vực doanh nghiệp nội địa mạnh lên.