Đây có lẽ là vấn đề lớn nhất trong câu chuyện dài tập trong mối quan hệ giữa dự án FDI và môi trường ở Việt Nam. Nếu không xây dựng và cập nhật được bộ dữ liệu này một cách đẩy đủ, chính xác, thì đánh giá về tác động của FDI tới nền kinh tế Việt Nam cũng như các đề xuất chính sách liên quan sẽ rất khó cân bằng.
Đáng lo ngại là, việc thiếu bức tranh tổng thể với các mục tiêu định lượng rõ ràng đang ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực thi định hướng thu hút FDI sạch hơn, tiêu thụ ít năng lượng, giảm phát thải... Hệ quả là, nghiên cứu này của CIEM cảnh báo, ngày càng nhiều dấu hiệu FDI trong lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường đầu tư vào Việt Nam.
Có thể thấy khá rõ tình trạng này khi phân tích các góc độ khác nhau trong mối liên hệ chung với khu vực FDI. Ở góc độ thu hút FDI, 67% doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam thuộc ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp, 80% có công nghệ trung bình, 14% sử dụng công nghệ thấp, tiêu thụ nhiều năng lượng và khả năng phát thải cao. Các tỷ lệ này hoàn toàn trái ngược với con số 0,2% dự án FDI nằm trong lĩnh vực cấp nước và xử lý chất thải, nghĩa là chỉ khoảng 28 dự án tính từ năm 1988 đến nay.
Ở góc độ thực thi quy định về môi trường của các doanh nghiệp FDI, 45% chưa áp dụng quy trình sản xuất ít phát thải, 69% không thực hiện quá trình giảm phát thải nếu đó không phải là quy định bắt buộc… Đặc biệt, các khảo sát cũng cho thấy, chi phí rẻ vẫn là yếu tố quan trọng nhất giúp các doanh nghiệp lựa chọn công nghệ.
Trong khi đó, nếu đứng ở góc độ quy định pháp luật, có khá đầy đủ các quy định để giảm thiểu các tác động về môi trường của khu vực doanh nghiệp FDI. Nghiên cứu của CIEM cũng phát hiện rằng, các doanh nghiệp đa quốc gia, các doanh nghiệp đến từ các quốc gia phát triển, có quy định cao về tiêu chuẩn môi trường thường có sự chủ động trong tìm hiểu và thực thi các quy định về môi trường.
Rõ ràng, mối quan hệ rất mật thiết, tác động qua lại giữa vai trò của các bộ, ngành và chính quyền địa phương và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực thi các quy định môi trường không có gì phải bàn. Nhưng tại sao mối quan tâm của các chủ thể trong mối quan hệ này lại chưa cùng hướng, chưa tạo nên những đột phá trong thu hút FDI và tác động tích cực của nguồn vốn này tới mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của Việt Nam.
Các doanh nghiệp thì kêu ca rằng, sự phức tạp, chồng chéo và thay đổi nhanh của các quy định về môi trường cản trở chính nỗ lực muốn thực thi của họ. Vai trò của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý ngành trong cung cấp và cập nhật thông tin về môi trường cũng như thúc đẩy thực thi quy định này rất mờ nhạt. Trong khi đó, nhiều địa phương cho rằng, thiếu cơ chế phối hợp giữa các cơ quan môi trường, thiếu ngân sách, nhân lực cho hoạt động giám sát môi trường, thậm chí có thiết bị, nhưng không đủ kinh phí vận hành…
Mọi việc càng trở nên đáng lo ngại khi đặt các phân tích trên trong tổng thể thực thi quy định về môi trường của các khu công nghiệp, khi chỉ có khoảng 66% trong số 289 khu công nghiệp trên cả nước có trạm xử lý nước thải tập trung, tỷ lệ này cao hơn nhiều ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, lên tới 75%.
Có thể thấy, mối quan hệ giữa các chủ thể chỉ tạo ra tác động tích cực cho các bên liên quan nếu nó được ràng buộc bởi những mục tiêu, cơ chế chính sách khả thi và có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, mà đầu vào của các cơ chế này là bộ số liệu chính thức, đầy đủ…