Hậu cách ly, kỳ vọng thị trường chứng khoán không đảo ngược

(ĐTCK) Kể từ thời điểm Việt Nam thực hiện việc cách ly xã hội vì dịch Covid-19 đến nay, thị trường chứng khoán (TTCK) có diễn biến phục hồi, lấy lại gần một nửa điểm số đã mất. Giai đoạn hậu cách ly, thị trường có thể điều chỉnh vì nhiều yếu tố, nhưng kỳ vọng sẽ ổn.
Ảnh Dũng Minh Ảnh Dũng Minh

Hồi phục từ đáy

TTCK toàn cầu hồi phục mạnh từ đáy, trong đó thị trường Mỹ tăng 33%, dù nền kinh tế nước này chưa mở cửa trở lại bởi dịch Covid-19 vẫn có diễn biến phức tạp.

Tại TTCK Việt Nam, phiên 24/3, VN-Index giao dịch ở mức thấp nhất là 648 điểm, đóng cửa ở mức 659,2 điểm, nhưng chốt phiên ngày 23/4 đạt 768,9 điểm. Sự phục hồi này đã kéo hẹp đà giảm so với đầu năm còn 20%, từ mức 31%.

Dòng tiền lớn xuất hiện đẩy thanh khoản lên cao, trên 5.000 tỷ đồng/phiên. Không ít cổ phiếu hồi phục mạnh hơn thị trường chung, một số mã tăng giá hơn 100%, cao hơn cả mức giá cao nhất trong năm 2019 như DBC, PHR, MSN, MPC...

Trong bối cảnh khối nhà đầu tư nước ngoài vẫn liên tiếp bán ròng với giá trị lớn thì dòng tiền nội đóng vai trò là lực đỡ kéo thị trường đi lên.

Nhìn vào đà hồi phục của thị trường trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán cho rằng, có một số nguyên nhân cơ bản sau.

Thứ nhất, dịch Covid-19 đã và đang tạo đỉnh ở nhiều nước và có thể thời gian tới, các nước sẽ nới dần biện pháp cách ly.

Tại Việt Nam, Chính phủ khống chế dịch hiệu quả và dần nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế là điểm cộng với TTCK.

Thứ hai, giá nhiều cổ phiếu đã rơi quá sâu và trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Ở mức đáy, khi VN-Index giảm về vùng 650 - 600 điểm, hệ số P/E của TTCK Việt Nam ở dưới ngưỡng 10 lần, không ít cổ phiếu chủ chốt có P/E thấp kỷ lục là 3 - 4 lần.

Thứ ba, nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện bơm tiền ồ ạt vào nền kinh tế, giúp TTCK thăng hoa, góp phần củng cố tâm lý nhà đầu tư Việt Nam.

Thứ tư, biện pháp cách ly, giãn cách xã hội khiến một lượng lớn doanh nghiệp, cá nhân tạm ngừng kinh doanh. Dòng tiền đáng lẽ sẽ đưa vào kinh doanh bị ngưng trệ có thể đã chuyển sang TTCK nhằm kiếm lời. Thực tế, tài khoản chứng khoản mở mới trong tháng 3 ghi nhận tăng đột biến.

Tuy mức hồi phục của VN-Index không quá lớn, nhưng không ít cổ phiếu tăng giá từ 25 - 50%, một số mã thậm chí tăng 100% hoặc hơn 100% như TNG, DBC…

Ông Ðào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank cho rằng, dòng tiền đầu cơ bất ngờ tham gia mạnh khi VN-Index ở vùng đáy 4 năm và kỳ vọng vào một nhịp hồi phục đáng kể từ mức này là nguyên nhân chính dẫn đến nhịp hồi phục của thị trường.

Tuy nhiên, dòng tiền hiện vẫn mang tính chất đầu cơ cao nên thiếu tính ổn định bền vững, do đó dễ bị tổn thương bởi những yếu tố khó lường tác động. Chẳng hạn, trong phiên giao dịch 21/4, thị trường chứng kiến cú sập mạnh gần 30 điểm do ảnh hưởng bởi giá dầu WTI giao tháng 5 bất ngờ giao dịch ở dưới mức 0, một sự kiện chưa từng xảy ra trong lịch sử.

Dự báo thị trường hậu cách ly

Trong tuần cuối của tháng 4/2020, Chính phủ Việt Nam có quyết định ngừng giãn cách xã hội. Ở thời điểm này, nhiều tổ chức quốc tế như IMF, OECD, ADB đều có chung nhận định, kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái, trong đó kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng lớn.

Suy giảm toàn cầu năm 2020 này vào khoảng 3%, lấy hết đà tăng 2,9% của năm 2019. Làn sóng doanh nghiệp phá sản dự kiến tăng mạnh hơn trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp phá sản hoặc gặp khó khăn là điều sớm được dự báo. Ông Nguyễn Hữu Bình cho rằng, việc hạn chế đi lại bắt đầu từ giữa tháng 4 nên GDP quý II sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn quý I, thậm chí có thể tăng trưởng âm. Sự lo ngại về hiệu quả kinh doanh quý II/2020 của các doanh nghiệp suy giảm sẽ tác động đến giá cổ phiếu.

Hậu cách ly, kỳ vọng thị trường chứng khoán không đảo ngược ảnh 1

Biến động giá một số cổ phiếu (giá ngày 21/4 so với giá đáy trong 6 tháng qua).

Tuy nhiên, có những góc nhìn tích cực hơn là kịch bản thị trường sẽ có sự phân hóa lớn sau khi VN-Index chạm đến mốc 800 điểm hậu giãn cách xã hội.

Với quy mô kinh tế khá lớn hiện nay, tổng tiền lưu động trên thị trường rất nhiều, nên việc gặp khó ở mảng kinh doanh chính khiến dòng tiền này dịch chuyển sang TTCK và sẽ lưu giữ tại đây cho đến khi hoạt động kinh doanh chính trở về guồng quay cũ.

Ở kịch bản này, dự kiến nền kinh tế Việt Nam hồi phục theo hình chữ V, cơ hội trên TTCK vẫn còn nhiều. Do đó, chưa chắc thị trường sẽ điều chỉnh mạnh như một số ý kiến quan ngại.

Kịch bản năm 2009 có thể quay lại, nhưng “phiên bản” 2020 nhiều khả năng có sự khác biệt. Theo đó, dòng tiền không rút ra ồ ạt, nhưng thị trường sau dịch Covid-19 sẽ phân hóa.

Khi dịch qua đi, các hoạt động kinh tế sẽ sớm trở lại bình thường. Cổ phiếu của các doanh nghiệp có lợi thế, đảm bảo kết quả kinh doanh khả quan sẽ tiếp tục tăng giá, có thể hồi phục hơn 100% từ đáy. Nhóm này dự báo tập trung trong lĩnh vực công nghệ thông tin (chuyển đổi số), vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép (đầu tư công), thực phẩm...

Ngược lại, những ngành gặp khó khăn thì nguy cơ cổ phiếu giảm giá rất cao. Nhà đầu tư nên thận trọng, lựa chọn kỹ cổ phiếu, vì thị trường có thể xuất hiện rủi ro mới, khó lường. Việc giá dầu âm vừa qua là hiện tượng chưa từng có và có thể sự kiện khác tương tự xảy ra, gây ra nhiều hệ lụy.

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, nhà đầu tư không nên quá bi quan, trường hợp xấu nhất thì TTCK sẽ tạo đáy lần nữa tại 700 điểm, nhưng tích cực thì cũng khó vượt 850 điểm. Trong biên độ này, nắm giữ những cổ phiếu hàng đầu, nhìn vào tương lai của doanh nghiệp mà nắm giữ sẽ có thành quả lớn.

Thực tế, rất khó để đưa ra dự báo chuẩn xác về TTCK cũng mức độ hồi phục của nền kinh tế, trong bối cảnh Việt Nam có độ mở cửa, thông thương lớn với các nền kinh tế khác, nên sự hồi phục kinh tế phụ thuộc không nhỏ vào yếu tố kiểm soát dịch Covid-19 cũng như các chính sách kích thích kinh tế hậu dịch bệnh của các nước.

Do đó, ông Ðào Tuấn Trung nhận định, TTCK cần thời gian để phục hồi trở lại, tương đương với kịch bản diễn biến thị trường đi ngang, tăng giảm xen kẽ.

“Nhà đầu tư đang cần một khoảng thời gian để củng cố niềm tin trở lại trước khi dòng tiền tham gia vào thị trường thực sự trở nên mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, dòng tiền sẽ có chiều hướng phân hóa do sẽ có những nhóm ngành tiếp tục gặp khó khăn, trong khi nhóm ngành khác được hưởng lợi”, ông Trung nói.

Có thể thấy, bức tranh thị trường hiện tại có hai hình ảnh đối lập. Một mặt là sự lo lắng, hoài nghi, trong khi mặt kia là sự tham lam không thể kìm nén khi thị trường bùng nổ.

Có những cổ phiếu bị khối ngoại bán ra ròng rã, nhưng dòng tiền nội đổ vào mạnh mẽ, giúp giá tăng.

Nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn ngay trong thời điểm hiện tại và thậm chí để hồi phục có thể mất thời gian 1 - 2 năm, nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng. Nhà đầu tư đã mất mát nhiều trước đó, nhưng lấy lại tương đối trong đợt hồi phục này.

Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, khoảng cách giá cổ phiếu trung bình so với đỉnh hồi đầu năm còn thấp hơn khoảng 30%.

Bối cảnh vĩ mô năm nay rất khác so với dự báo trước đó, vì vậy mức điều chỉnh của thị trường như hiện tại là phù hợp. Nhưng điểm cần lưu ý hiện nay là chỉ số VN-Index đang ở độ dốc khá cao, tạo ra áp lực điều chỉnh.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục