Biên an toàn cho nhà đầu tư thời suy thoái

(ĐTCK) Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bắt đầu rơi vào tình trạng suy thoái, biên an toàn (Margin of safety) đặc biệt quan trọng đối với các nhà đầu tư muốn trụ vững qua giai đoạn này.
Biên an toàn cho nhà đầu tư thời suy thoái

Hai vấn đề cốt lõi xoay quanh giá trị của một tài sản

Biên an toàn được cha đẻ của trường phái đầu tư giá trị là ông Benjamin Graham sáng tạo ra, trong bối cảnh thế giới trải qua cuộc đại suy thoái giai đoạn 1929 - 1933, nỗi sợ hãi bao trùm thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu.

Từ đó tới nay, biên an toàn được các học trò của ông áp dụng và đạt kết quả đầu tư rất tốt trong dài hạn. Khái niệm này được hiểu đơn giản là mua khi giá cổ phiếu nằm dưới giá trị thực (intrinsic value) với biên độ càng lớn càng tốt.

Warren Buffett giải thích khái niệm biên an toàn một cách đơn giản: “Cũng như một cây cầu, bất kỳ vị kỹ sư nào cũng bắt buộc phải thiết kế cho nó phải tải được 30.000 tấn, trong khi thực tế chỉ có 10.000 tấn phương tiện chạy qua. Ðó chính là nguyên tắc tối thượng trong đầu tư mà tôi muốn nói tới”.

Nhà đầu tư cần hiểu 2 vấn đề cốt lõi xoay quanh giá trị của một tài sản để thấy được nguồn gốc của biên an toàn.

Thứ nhất, một tài sản luôn có 2 khía cạnh là giá trị và giá trị sử dụng. Giả sử tài sản này không được đưa vào khai thác, giá trị của nó được tính toán dựa trên tổng chi phí cấu thành tức giá trị sổ sách của tài sản.

Mặc dù giá trị thị trường có thể cao hơn sổ sách rất nhiều, nhưng đây là câu chuyện cần được xem xét kĩ hơn.

Thứ hai, nếu tài sản được đưa vào khai thác, tài sản là những thứ có thể sinh ra “dòng tiền” và dòng tiền này sẽ cấu thành nên giá trị thực của tài sản tính bằng việc chiết khấu dòng tiền này về hiện tại với mức lãi suất chiết khấu hợp lý (theo quan điểm của tùy nhà đầu tư).

Trường hợp đầu tiên dễ hiểu và áp dụng vào khái niệm mà ông Warren Buffett đã đề cập vì dễ dàng tính toán được con số cố định.

Theo đó, nhà đầu tư thường dựa vào giá trị tài sản ròng (vốn chủ sở hữu) là thước đo để xem xét trong trường hợp tất cả tài sản của doanh nghiệp được thanh lý thì giá trị thu hồi là bao nhiêu, từ đó so sánh với thị giá để ra quyết định.

Ví dụ, giá trị tài sản khi thanh lý của doanh nghiệp được 30.000 đồng/cổ phiếu, nhưng thị giá hiện tại chỉ 10.000 đồng/cổ phiếu, thì nhà đầu tư có biên an toàn gần 70%.

Thông thường, trường hợp này cần biết rõ thời gian thanh lý tài sản và giá trị thực sự của tài sản, lợi thế thông tin có thể sẽ không thuộc về các nhà đầu tư cá nhân, nên với biên an toàn càng lớn, thời gian thanh lý tài sản và doanh nghiệp càng sớm thì độ an toàn và giá trị nhận được càng cao.

Lưu ý, thời gian càng kéo dài có thể không có lợi cho các nhà đầu tư, vì thực tế ẩn chứa nhiều yếu tố khó đoán định, như các nghĩa vụ phát sinh làm tăng khoản tiền doanh nghiệp phải thanh toán, giảm giá trị nhà đầu tư nhận được.

Một cách khác, nhà đầu tư có thể tìm kiếm những doanh nghiệp đang khó khăn, cổ phiếu được bán thấp hơn nhiều giá trị sổ sách, trong khi có cơ sở cho thấy doanh nghiệp có khả năng phục hồi và giá trị sổ sách là con số được kỳ vọng cho thị giá quay trở lại mốc này.

Trường hợp thứ hai không có con số cụ thể, chính xác như trọng tải cây cầu có thể tải, mà nhà đầu tư cần tư duy trên góc độ tổng thể doanh nghiệp trong xuyên suốt quá trình nghiên cứu cho tới khi tính toán giá trị nội tại của doanh nghiệp.

Giá trị nội tại nằm trong một vùng giá (theo các kịch bản đặt ra) và vùng giá này có thể thay đổi khi thực tế dòng tiền của doanh nghiệp thay đổi, do những khó khăn hay thuận lợi không thể dự tính trước, các rủi ro trong cả hai phía doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Khi doanh nghiệp xảy ra tình trạng khó khăn thì biên an toàn lớn giúp nhà đầu tư an toàn hơn, tỷ suất sinh lời cao hơn.

Biên an toàn là một quá trình

Biên an toàn là một quá trình, chứ không phải là một con số cố định, vì các nhà đầu tư thành công cần có những hiểu biết sâu sắc trên góc độ kinh doanh của doanh nghiệp.

Các quyết định kinh doanh hay đầu tư đưa ra tại một thời điểm là những quyết định khó đầy đủ và bao quát được toàn bộ, nhiều khi thực tế lại rất khác.

Những doanh nghiệp phát triển tốt thì ban lãnh đạo thường có tư duy “dự phòng”, tức “biên an toàn” cho các kế hoạch của họ trong những kịch bản xấu nhất.

Với tư duy có một mức biên an toàn của nhà đầu tư thì đó cũng là sự phù hợp nhìn trên góc độ kinh doanh khi phải ra nhiều quyết định.

Ðặc biệt, trong giai đoạn suy thoái hiện nay, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp phần lớn sẽ sụt giảm vì yếu tố không thể dự tính trước, những nhà đầu tư trước đó có lợi thế về giá vốn thấp thì biên an toàn được tạo ra thêm trong “tâm trí” của họ.

Trong khi đó, quá trình nghiên cứu sinh ra những con số biên an toàn khác nhau. Ví dụ, chỉ số P/E của một doanh nghiệp là 10, tuy cao đối với nhà đầu tư này, nhưng lại là cơ hội đối với nhà đầu tư khác.

Tức là, quá trình nghiên cứu sinh ra biên an toàn về cả mặt con số và trong “tâm trí” của nhà đầu tư.

Họ theo sát và hiểu các bước đi cũng như lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Ðây là những nhân tố “đắt giá” mà không có quy ước hay công thức chung nào có thể chỉ dẫn, nếu không có quá trình nghiên cứu kĩ lưỡng và những lợi thế của doanh nghiệp xây trong nhiều năm không dễ để thay đổi trong thời gian ngắn. Sẽ không có biên nào “đủ an toàn” khi các nhà đầu tư thực sự hoảng loạn và hành động “phi lý trí”.

Mặt khác, có những doanh nghiệp mà việc ước đoán dòng tiền cũng như lợi nhuận ngắn hạn là rất khó, ví dụ trong ngành bán lẻ.

Nếu đơn thuần dựa trên lợi nhuận, dòng tiền ngắn hạn có thể có sự biến động cao, tuy nhiên có thể tham khảo nhà đầu tư Charlie Munger gần đây khi nói về khoản đầu tư “nắm giữ cả đời” của ông vào Costco, việc tiếp tục mua vào cổ phiếu của doanh nghiệp này đơn thuần dựa trên một chút yếu tố về mặt định lượng là chỉ số P/E, bên cạnh đó là nền tảng lợi thế cạnh tranh khổng lồ của doanh nghiệp và được điều hành bởi ban quản trị mà ông yêu thích.

Việc theo sát bước đi, chiến lược của doanh nghiệp không có nghĩa là cố gắng dự đoán lợi nhuận ngắn hạn bằng nhiều cách, hay tham khảo định giá của các bên khác trong khi không hiểu nền tảng cho những định giá đó là gì, việc làm này không tạo ra biên an toàn khi dựa trên quá trình nghiên cứu của các bên khác.

Áp dụng vào thực tế

Biên an toàn được đưa ra một cách độc lập dựa trên quá trình nghiên cứu khác nhau và không phải là một khái niệm định lượng hoàn toàn hoặc có chuẩn mực chung nào dành cho tất cả các nhà đầu tư.

Một vấn đề được nhắc nhiều về những sai sót trong đánh giá của các nhà đầu tư khi dành quá ít cơ sở để kết luận những vấn đề lớn hơn, đó là “đầu tư giá trị mù quáng”.

Biên an toàn không sinh ra từ việc tính toán những con số trong quá khứ để suy luận rằng “doanh nghiệp đang giao dịch thấp hơn dòng tiền đã sinh và tích lũy trong quá khứ”, khoảng chênh lệch đó chỉ thực sự trở thành biên an toàn thực sự khi tình hình tương lai của doanh nghiệp tiếp diễn như vậy hoặc tốt hơn.

Nhà đầu tư tự tin với những hiểu biết của mình thì chính những hiểu biết đó mang đến sự an toàn cho nhà đầu tư hơn là yêu cầu một biên an toàn khổng lồ dựa trên việc chiết khấu lớn của thị giá đối với giá trị doanh nghiệp.

Tình huống này thường xảy ra khi nhà đầu tư khảo sát thị trường, biết được những lô “đất vàng” đang lên giá của doanh nghiệp, giá trị đó vượt xa giá thị trường và mua vào cổ phiếu để cuối cùng giá trị từ việc thanh lý miếng đất lại không chảy vào túi cổ đông, nhà đầu tư cũng không nắm được ý định của doanh nghiệp với các tài sản có giá trị, có rất nhiều cách để “đảo ngược giá trị” này về phía ban lãnh đạo hoặc các bên liên quan.

Những hiểu biết về mặt định tính lại làm nền tảng cho các nhân tố định lượng. Trong giai đoạn suy thoái, các doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận sụt giảm mạnh, nếu nhìn con số thực tế đạt được trong năm nay, nhiều nhà đầu tư có thể đã tháo chạy từ sớm.

Hãy thử suy nghĩ rằng, nếu doanh nghiệp sống sót qua giai đoạn khó khăn, trong 5 - 10 năm tiếp theo vẫn sẽ phát triển tốt, thì việc sụt giảm ngắn hạn không làm thay đổi bản chất, lợi thế của doanh nghiệp hay tác động làm thay đổi lớn tới tỷ suất lãi kép mà nhà đầu tư đạt được nếu nắm giữ trọn vẹn trong thời gian này.

Một số trường hợp giá cổ phiếu sụt giảm nhanh hơn tình hình thực tế của doanh nghiệp còn tạo ra cơ hội đạt được tỷ suất cao hơn.

Việc này hoàn toàn khác với cụm từ “bắt dao rơi (falling knife)” trên quan niệm của các nhà giao dịch, bởi nền tảng cho việc ra quyết định chỉ dựa trên tình hình ngành nghề, kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhiều khoản đầu tư vào các doanh nghiệp tuyệt vời của Warren Buffett không có biên an toàn, chỉ trả với giá hợp lý nhưng giá trị tương lai nhận được xứng đáng với công sức nghiên cứu và hiểu biết của ông đối với doanh nghiệp đó như See’s Candies, Coca-cola, Geico, Gillette, American Express…

Cuối cùng, quá trình nghiên cứu cũng như nắm giữ các khoản đầu tư luôn là một thử thách lớn. Khi không cảm thấy tự tin hay nghi ngờ vào tương lai của doanh nghiệp, các nhà đầu tư mất niềm tin vào “giá trị” tìm tới sự an toàn ở các khái niệm khác, dễ tiếp cận, dễ sử dụng hơn.

Ðiểm chung của những khái niệm khác này là cố gắng tìm ra “đám đông” đang làm gì để đưa ra quyết định cùng với họ nhằm đạt được trạng thái yên tâm hơn, nếu có sai thì cũng có người để bàn luận, cảm thông.

Chính vì vậy, việc nhận thức và đi ngược lại đám đông luôn là việc rất khó, phải chịu nhiều áp lực về mặt tâm lý trong khi không ngừng đối mặt với ranh giới giữa “sự cố chấp mù quáng và sự kiên định, giữ vững lập trường”.

VOT PARTNERS
www.votpartners.com

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ